Chuyển nhượng đất thừa kế

27/01/2016 00:00

Hỏi: Tôi mới mua mảnh đất của bà hàng xóm, bà ấy đã mất, bà có 3 người con và các con của bà đứng lên bán. Khi tôi mua 3 người đó đều ký vào biên bản họp gia đình (biên bản viết tay do UBND xã hướng dẫn). Nhưng bây giờ trong 3 người đó có 1 người lại nói không đồng ý bán (mặc dù đã nhận tiền), người đó đã kiện đòi lại đất. Khi tôi đi làm sổ đỏ thì UBND xã chưa giải quyết vì đất có tranh chấp. Xin hỏi, có cách nào để gia đình tôi làm được sổ đỏ nhanh hay không. Tôi đã cầm trên tay quyển sổ đỏ của người bà hàng xóm đã mất rồi, vậy tôi có được xây dựng nhà trên đất đó không?

Trả lời:

Trường hợp của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Trước tiên phải đảm bảo sau khi bà hàng xóm chết, các con của bà ấy phải thực hiện khai nhận di sản thừa kế theo Điều 675, 676 Bộ Luật Dân sự.

Điều​ 676 quy định: Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết; Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại; Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy 3 người con của bà hàng xóm đều thuộc hàng thừa kế thứ nhất theo pháp luật, mỗi người được hưởng một phần diện tích đất bằng nhau trên tổng 3 phần diện tích đất. Quyền định đoạt, bán hay chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác sẽ do mỗi người con quyết định.

Tại Khoản 2 Điều 689 Bộ Luật Dân sự 2005 quy định: Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, tại Khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định như sau: Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau: Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.

Dựa vào các quy định trên, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất (hợp đồng mua bán đất đai) bắt buộc phải công chứng tại cơ quan có thẩm quyền. Như vậy, khi bạn thực hiện thủ tục mua bán đất đai (đã trả tiền đầy đủ theo thông tin bạn trình bày), hợp đồng mua bán giữa bạn và con của bà hàng xóm phải được lập thành văn bản, có công chứng chứng chứng thực theo quy định của pháp luật thì hợp đồng mới được coi là có hiệu lực.

Bạn hoàn toàn có thể làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật.

Về việc xây dựng trên diện tích đã mua sẽ theo quy định tại Điều 95, Luật Xây dựng 2014 như sau: Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng mới đối với nhà ở riêng lẻ gồm: Đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng; Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;  Bản vẽ thiết kế xây dựng; Đối với công trình xây dựng có công trình liền kề phải có bản cam kết bảo đảm an toàn đối với công trình liền kề.

 Vậy, bạn phải làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bạn mới có thể xin giấy phép xây dựng trên đó.

Báo TN&MT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển nhượng đất thừa kế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO