(TN&MT) - Vượt qua những vất vả, gian nan, những giáo viên đang “cắm bản” tại rẻo cao A Lưới (tỉnh Thừa Thiên – Huế) luôn nỗ lực truyền dạy, động viên đưa các em học sinh gần hơn với con chữ ở đại ngàn Trường Sơn.
Nắng ban mai vừa lên, mây trắng bồng bềnh trôi trên những sườn núi, từ TP. Huế, vượt quãng đường khoảng 70 km, tôi có mặt ở trường THPT A Lưới ở trung tâm thị trấn A Lưới. Tiếng trống trường vừa dứt, một cô giáo với khuôn mặt xinh tươi bước xuống bậc cấp trong bộ trang phục truyền thống của người Pa Cô. Đó là cô Trương Thị Khánh Hòa (35 tuổi) đang là giáo viên dạy Văn ở trường.
Sinh ra và lớn lên trên chính mảnh đất quê hương A Lưới, cô Hòa đã có khoảng thời gian hơn 12 năm bám trường, bám lớp. Cũng nhờ thế, nữ giáo viên hiểu rõ hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh nơi đây.
Cô Hòa nói rằng, ở non cao này rất đông người dân tộc thiểu số, hộ nghèo cũng khá đông. Chuyện học học sinh phải nhịn đói, đi bộ vượt hàng chục cây số đến trường trên những bộ áo quần cũ kĩ không phải hiếm gặp. Đặc biệt vào mưa mưa lạnh, điều đó lại càng khổ sở gấp bội, bởi đường bùn lầy, nguy cơ sạt lở, mưa to thì không thể đi học. Nhiều hoàn cảnh éo le quá khiến con em phải bỏ học, bữa được bữa mất, ở nhà phụ giúp cha mẹ.
Từ khi theo nghề giáo, cô Hòa luôn trăn trở tìm cách đưa con chữ gần hơn với bản làng. Ngoài giờ lên lớp, cô Hòa vượt đường xa đến từng làng, vào từng ngõ, gõ cửa từng nhà để động viên học sinh đến trường. Rất nhiều câu chuyện đáng nhớ xoay quanh việc đến nhà các em. Mỗi trường hợp là một mảnh đời cơ cực, khốn khó.
“Có lần tôi cùng các em trong ban cán sự lớp đến thăm một học sinh nam học tốt nhưng nghỉ học nhiều. Bạn ấy là người đồng bào thiểu số, nhà ở rất xa nên gọi điện vô cùng khó khăn. Cô trò lớp tôi quyết định phải đến tận nhà để tìm hiểu. Ngôi nhà lọt thỏm giữa thung lũng, đường đi khó, để vào tận nơi phải vượt qua nhiều con dốc. Lúc đến nơi, học sinh ấy đã lên rẫy làm việc, chỉ có người bà ở nhà. Hỏi chuyện mới biết, do nhà quá xa, em với mẹ lại là lao động chính nên đành phải nghỉ học lên nương phụ giúp gia đình. Đến tận nơi, trông tận mắt mới cảm nhận được sự khốn khó của học sinh, tôi càng thương các em nhiều hơn. Sau khi về, tôi đã kết nối với Hội chữ thập đỏ của trường và mua tặng em một chiếc xe đạp, con đường đến trường của em từ đó đã gần hơn…”, cô Hòa chia sẻ.
Vốn là người đồng bào dân tộc thiểu số, bản thân cô Hòa hiểu rằng các em học sinh nơi đây ngoài kinh tế khó khăn còn thiếu nhiều kỹ năng sống, rụt rè, hay tự ti. Vì vậy, cô cùng các tổ chức Đoàn, Hội trong trường mạnh dạn tổ chức các cuộc thi, hoạt động, buổi sinh hoạt Chi đoàn giúp các em sống tích cực và biết yêu thương, san sẻ. Cô Hòa đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn học sinh người dân tộc thiểu số trong trường mạnh dạn tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, đạt nhiều giải cao và gần đây là giải Nhất với đề tài “Nâng cao ý thức tự học chữ viết dân tộc mình cho các bạn học sinh dân tộc Pa Cô ở trường THPT A Lưới” năm 2021 – 2022.
“Lúc mới vào trường, chúng em khá rụt rè, tự ti và may mắn được học với cô Hòa, được làm việc cùng cô trong các hoạt động Đoàn. Cô dạy rất nhiều điều, luôn gần gũi, yêu thương học sinh, trách nhiệm với công việc. Cô luôn mang đến những nguồn năng lượng tích cực nhất, dành mọi điều tốt đẹp cho học sinh của mình. Nhờ có cô mà chúng em tự tin và biết yêu thương nhiều hơn”, em Hồ Lê Hằng My, học sinh lớp 12B3 tâm sự.
Bên cạnh trang bị kỹ năng sống cho các em, cô Hòa chú trọng đến cách giảng dạy sáng tạo để môn học chính này gần hơn với các bạn học sinh. Cô đã áp dụng các phương pháp mới vào dạy học, học sinh tích cực hoạt động, tranh luận, mạnh dạn bày tỏ chính kiến của mình, lớp học lúc nào cũng sôi nổi… Học sinh ở trường THPT A Lưới giành tình cảm đặc biệt cho nữ giáo viên tâm huyết này.
Dừng chân tại trường THCS – THPT Hồng Thủy (xã Hồng Thủy), tôi gặp thầy Nguyễn Văn Sinh (50 tuổi) khi thầy vừa đứng lớp. Nhâm nhi tách trà nóng, thầy Sinh kể lại rằng, năm 1991, sau khi ra trường, chàng thanh niên với tuổi đôi mươi không có gì ngoài sức trẻ cùng ba lô đầy sách vở quyết định đến một mảnh đất xa xôi hẻo lánh là Hồng Thuỷ để nhận công tác.
Thầy Sinh kể, hồi ấy, khó khăn, nghèo khó không kể hết. Địa hình hiểm trở, nhất là mùa mưa dai dẳng cùng cái rét cái giá lạnh của mùa đông, học sinh và giáo viên vượt qua những cung đường nước siết, khi nước suối dâng cao, đường núi bùn đất trơn trượt và lầy lội, rất vất vả. Ấy thế mà sau giờ tan trường, thầy trò đi bắt cá suối, hái măng rừng để cải thiện bữa cơm chiều. Có khi bếp ăn chỉ có nồi cơm và vài con cá mắm nhưng vẫn có học trò ngày nào cũng đến “làm khách”. Các bố, các mẹ người dân tộc vùng cao đi săn được con thú, hái được mớ rau rừng cũng về chia cho các thầy. "Đấy, đơn sơ mộc mạc thế đó thôi nhưng thấm đẫm tình thương yêu chan chứa”, thầy Sinh kể lại.
Theo thầy Sinh, bây giờ cuộc sống đã thay đổi nhưng khó khăn vẫn tồn tại, xã còn đến 75 % là hộ nghèo, internet hạn chế. Mùa mưa lũ lại càng nguy hiểm khi nhiều học sinh phải đội mưa rừng về nhà. Bản thân thầy cũng nhiều lần vào từng bản, lội từng con suối để vận động gia đình cho con em đến trường. Có trường hợp đặc biệt như cha mẹ ly hôn, cả 3 chị em có nguy cơ bỏ học, thầy đã đến tận nhà động viên, đề nghị nhà trường trích một số tiền mua gạo cho các em.
“Trên lớp dạy các em cái chữ, tan trường tôi dạy các em làm người, sống làm gương mẫu mực. Đối với tôi, làm thầy không đơn thuần là nghề mà là sứ mệnh thiêng liêng”, thầy Sinh nói.
Những giáo viên như cô Hòa, thầy Sinh và nhiều giáo viên trẻ đã vượt qua điều kiện thiếu thốn, yêu thương học sinh để gắn bó với những nơi hẻo lánh này. Thậm chí, nhiều thầy cô gặp được “một nửa của đời mình”, rồi lập gia đình và gắn bó cả cuộc đời nơi núi rừng. Nơi đây đã trở thành ngôi nhà thứ hai của các thầy cô.
Trong tiết trời mưa lất phất, rời A Lưới nhưng tâm trí tôi vẫn in đậm bóng dáng của thầy cô và các em học sinh ngây ngô, chân chất, được gặp gỡ, trò chuyện và biết thêm những câu chuyện của những người gieo con chữ, thắp sáng ước mơ cho thế hệ trẻ vùng cao mới thấy ấm áp và đáng trân trọng.
Vùng cao A Lưới vẫn đang là huyện nghèo của cả nước. Hi vọng, nền giáo dục ở nơi này sẽ tiếp tục chuyển mình, thầy cô mãi yêu nghề, thấu hiểu và vững bước gieo ý chí, tri thức cho mỗi học sinh để cứ mỗi sớm mai, tụi trẻ lại hân hoan cắp sách đến trường.
A Lưới nằm ở phía Tây của tỉnh Thừa Thiên - Huế, bên dãy Trường Sơn bao la hùng vĩ, giáp với nước bạn Lào. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số người Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy sinh sống. Huyện có 48 cơ sở giáo dục, gần 1.400 cán bộ và khoảng 14.500 học sinh