Chuyên gia, nhà quản lý nêu giải pháp phát triển ngành KTTV năm 2023

Mai Đan (lược ghi)| 16/01/2023 17:56

(TN&MT) - Chào đón năm Quý Mão 2023 với nhiều dự định mới để đưa Ngành KTTV ngày càng phát triển hơn nữa, các nhà khoa học, nhà lãnh đạo, quản lý, các chuyên gia đã chia sẻ các kế hoạch, chương trình phối hợp giữa các đơn vị, đồng thời mong muốn tìm giải pháp cho công tác đào tạo cán bộ Ngành KTTV... Báo Tài nguyên và Môi trường trân trọng lược ghi và giới thiệu cùng bạn đọc

Ông Đào Quang Tuynh, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ: Đánh giá cao các kết quả đạt được của Ngành KTTV

Trong năm 2022 và các năm qua, Ngành KTTV đã tập trung hoàn thành khối lượng rất lớn các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt như cuối năm 2021, hoàn thành Chiến lược phát triển Ngành KTTV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1970 phê duyệt Chiến lược này.

img_6974.jpg
Ông Đào Quang Tuynh, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ

Ngoài ra, hiện nay, Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Cũng trong năm qua, Ngành KTTV đã phối hợp rất tốt với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai, cũng như Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ, tham mưu cho Phó Thủ tướng Lê Văn Thành làm tốt công tác chỉ đạo phòng chống thiên tai, trong đó bám sát tình hình cơn bão số 4 (cơn bão Noru) để đưa ra dự báo, cảnh báo và sơ tán kịp thời đối với các tàu thuyền trên biển, cập nhật kịp thời tình hình để khi bão gần vào đất liền, có sự chỉ đạo phù hợp cho người dân.

Năm 2023, Tổng cục KTTV cần tiếp tục phối hợp với Vụ Nông nghiệp, Văn phòng Chính phủ để khẩn trương trình Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đảm bảo hoàn thành công việc theo đúng tiến độ đặt ra.

Bên cạnh đó, Tổng cục tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật; giúp Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cung cấp thông tin kịp thời và tốt hơn nữa, góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo.

Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước: Thành công của lĩnh vực tài nguyên nước có sự đóng góp rất lớn của lĩnh vực KTTV

Những kết quả đáng tự hào của Ngành KTTV thể hiện qua việc giảm thiểu ảnh hưởng của thời tiết cực đoan đến đời sống sinh hoạt cũng như phục vụ sản xuất. Còn những kết quả của lĩnh vực tài nguyên nước là góp phần giảm thiểu lũ lụt, đảm bảo nước cho mùa cạn, trong đó nước phụ thuộc nhiều vào công tác dự báo.

img_6991.jpg
Ông Châu Trần Vĩnh, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước

Lĩnh vực tài nguyên nước đã sử dụng bản tin dự báo của Ngành KTTV với kết quả dự báo chính xác tuyệt đối, thể hiện qua việc kịch bản điều hành nước trong mùa cạn phụ thuộc hoàn toàn vào kết quả dự báo của những tháng cuối năm, cuối mùa lũ để các hồ chứa tích được nhiều nước nhất.

Nhiều năm nay, lĩnh vực tài nguyên nước luôn nhận được các bản tin dự báo phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phòng chống thiên tai, nhưng khoảng 5 năm gần đây, những bản tin này có sự chuyển biến rõ rệt, không còn là bản tin phục vụ, chuyển thành bản tin dự báo định hướng để dẫn dắt chỉ đạo, điều hành. Đó là sự thay đổi rất lớn của ngành KTTV trong thời gian qua.

Đáng chú ý, kết quả số liệu KTTV ngày càng chính xác, vì thế trong Luật Tài nguyên nước sửa đổi có một chương về điều hòa phân bổ nguồn nước. Mong rằng, 2 lĩnh vực tiếp tục có sự phối hợp trong thời gian tới, đặc biệt sau khi Luật Tài nguyên nước được Quốc hội thông qua, việc điều hòa phân bổ nguồn nước theo các kịch bản dựa trên căn cứ bản tin KTTV.

Ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam: KTTV là một lĩnh vực không thể thiếu trong đời sống

KTTV là một lĩnh vực rất quan trọng, liên quan đến đời sống của từng con người và không thể thiếu trong đời sống. Đây là một lĩnh vực cổ xưa, đóng góp cho sự phát triển khoa học và công nghệ của thế giới nói chung và nhiều lĩnh vực khác nói riêng.

img_6999.jpg
Ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam

Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đang thực hiện chức năng của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) là nghiên cứu môi trường biển, do đó phải tiến hành quan trắc, đánh giá và triển khai nhiều công việc liên quan đến biển. Việc này được IEA đánh giá rất cao và mong muốn Việt Nam tham gia tích cực để có những kết quả khoa học đóng góp chung vào kết quả khoa học của thế giới.

Mong rằng, Bộ TN&MT nói chung, Tổng cục KTTV và các cơ quan liên quan đến lĩnh vực tài nguyên nước nói riêng sẽ hỗ trợ Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam thực hiện các công việc sắp tới.

Ông Lê Ngọc Cầu - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường thuộc Viện Khoa học KTTV&BĐKH: Phối hợp hiệu quả thực hiện thắng lợi công tác KTTV - Điểm sáng của ngành TN&MT

Trong năm qua, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đã luôn đồng hành với Tổng cục KTTV thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thiên tai như bão, mưa lớn, nước dâng do bão và cảnh báo lũ quét, góp phần nâng cao chất lượng đồng thời đưa ra bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai kịp thời.

ong-cau.jpg
Ông Lê Ngọc Cầu - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu môi trường thuộc Viện Khoa học KTTV&BĐKH

Điều đặc biệt là Viện Khoa học KTTV&BĐKH và Tổng cục KTTV đã có Quy chế phối hợp. Đây là văn bản nòng cốt góp phần nâng cao sự phối hợp hiệu quả giữa 2 cơ quan, 1 bên là cơ quan quản lý nhà nước thực hiện công tác nghiệp vụ về KTTV và một bên là viện nghiên cứu.

Bên cạnh công tác dự báo, Viện Khoa học KTTV&BĐKH cũng tham gia cùng Tổng cục KTTV xây dựng “Báo cáo tiềm năng năng lượng gió, sóng ngoài khơi tại các vùng biển Việt Nam” trình Chính phủ. Báo cáo đã cung cấp thông tin quan trọng giúp các bộ, ngành và địa phương xây dựng và cập nhật chiến lược phát triển năng lượng tái tạo.

Nhằm tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa 2 cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ năm 2023, Viện Khoa học KTTV&BĐKH đề xuất 2 đơn vị tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai: dự báo bão, mưa lớn, lũ quét và dự báo, cảnh báo sớm thiên tai có nguồn gốc KTTV.

Đồng thời, phối hợp thực hiện công tác chuyển đổi số trong quan trắc KTTV và môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu KTTV và môi trường; phát triển và ứng dụng công nghệ mới (trí tuệ nhân tạo, big data) trong dự báo, cảnh báo thiên tai; lồng ghép quan trắc môi trường không khí, quan trắc môi trường nước với quan trắc KTTV, hướng tới xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp quan trắc KTTV và môi trường quốc gia…

Ông Trần Sỹ Pha, Trưởng Ban Công tác Xã hội - Quản lý thảm họa, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam: Đẩy mạnh phối hợp để triển khai công tác truyền thông đối với cộng đồng

Trong hệ thống Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam luôn chia sẻ báo cáo về các kết quả trong công tác chuẩn bị sớm, ứng phó sớm, hành động sớm với thiên tai.

img_7015.jpg
Ông Trần Sỹ Pha, Trưởng Ban Công tác Xã hội - Quản lý thảm họa, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam

Công tác dự báo KTTV của Hiệp hội Chữ Thập đỏ Việt Nam được đánh giá là tốt nhất trong hệ thống và Hiệp hội luôn lấy kết quả của công tác dự báo, cảnh báo, đặc biệt là công tác dự báo tác động của Tổng cục KTTV qua Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam để làm kênh thông tin cho các Hội thảo.

Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp với Viện Khoa học KTTV&BĐHK và Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia từ năm 2020 - 2025. Trên cơ sở đó, Tổng cục KTTV đã cung cấp cho Hội những bản tin rất hiệu quả.

Trong thời gian qua, Hội đã thành công trong việc sử dụng mô hình Hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo (FbF). Đây là mô hình rất mới và hiệu quả. Đến nay, Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam là Hội Chữ Thập đỏ duy nhất trong Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế bảo vệ thành công mô hình FbF đối với nắng nóng, loại hình thiên tai phổ biến.

Hội đang triển khai mô hình FbF với loại hình thiên tai bão gây ra gió và bão gây ra lụt. Hiện nay, với sự hỗ trợ tích cực của Tổng cục KTTV và Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Hội đã bảo vệ thành công và triển khai mô hình FbF với 2 loại hình thiên tai trên tại các khu vực trọng điểm thiên tai của Việt Nam và đã được các nhà tài trợ thống nhất phê duyệt dự án để triển khai sau khi thí điểm thành công.

Chiến lược của Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề cập đến các loại hình thiên tai để cảnh báo sớm là hạn hán và sương muối. Mong rằng, trong thời gian tới, Hội và Tổng cục KTTV sẽ có những chương trình phối hợp để triển khai các hoạt động, hỗ trợ cho Hội việc cung cấp ngưỡng kích hoạt đối với từng loại hình thiên tai để Hội triển khai các hành động sớm tại cộng đồng.

Hội cũng mong muốn đẩy mạnh phối hợp với Tổng cục KTTV để triển khai công tác truyền thông đối với cộng đồng về mô hình FbF và các loại hình khác, công cụ khác, nhằm giúp cộng đồng nâng cao nhận thức và chủ động ứng phó với thiên tai.

PGS.TS. Vũ Văn Tuấn - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV & Môi trường (nay là Viện Khoa học KTTV&BĐKH): Chú trọng chiến lược đào tạo cán bộ Ngành KTTV

Điều tôi quan tâm, trăn trở hiện nay đối với Ngành KTTV là công tác đào tạo cán bộ, nhất là cán bộ có trình độ cao.

img_7426.jpg
PGS.TS. Vũ Văn Tuấn - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV & Môi trường

Trong bối cảnh phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ như hiện nay, với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự hội nhập quốc tế sâu rộng, các thiết bị và công nghệ ngày một hiện đại hơn đã, đang và sẽ được trang bị cho ngành, song việc khai thác, sử dụng chúng có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào từng con người - những người làm việc thực sự, tức là cán bộ khoa học có trình độ chuyên môn cao, có tâm huyết… trong từng lĩnh vực cụ thể.

Ngành cần có chiến lược đào tạo, chú ý đối với lớp người trẻ có triển vọng, để họ trở thành những chuyên gia giỏi, nắm vững và làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Tôi mong muốn Bộ TN&MT và Tổng cục KTTV cũng như Viện Khoa học KTTV&BĐKH quan tâm, chỉ đạo để chúng ta có một đội ngũ chuyên gia về khí tượng, thủy văn có trình độ cao không chỉ ở trong nước mà cả trên phạm vi khu vực và quốc tế.

Năm 2022, Tổng cục KTTV đã duy trì, đảm bảo tốt hoạt động mạng lưới quan trắc KTTV; đảm bảo độ chính xác các bản tin dự báo, cảnh báo trong điều kiện thời tiết bình thường cũng như bất thường; kiểm soát tốt việc chia sẻ thông tin, dữ liệu đến các đơn vị trong và ngoài Ngành. 

Đây chỉ là một trong số nhiều kết quả đạt được của Ngành KTTV trong năm qua nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ TN&MT liên quan đến lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyên gia, nhà quản lý nêu giải pháp phát triển ngành KTTV năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO