Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với ảnh hưởng El Nino

12/11/2015 00:00

(TN&MT) - Do ảnh hưởng của El Nino, thời tiết diễn biến bất thường, khô hạn xảy ra gay gắt tại tỉnh Bình Định, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống người dân. Để hạn chế thiệt hại do hạn hán gây ra đối với sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bình Định đã chủ động chuyển đổi những diện tích trồng lúa bấp bênh sang các cây trồng cạn khác.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp chống hạn tối ưu hiện nay của Bình Định.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là giải pháp chống hạn tối ưu hiện nay của Bình Định.

Ứng phó với tình hình khô hạn diễn ra ngày càng nghiêm trọng, từ năm 2006, tỉnh Bình Định đã thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất. Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Bình Định chuyển đổi gần 10.000 ha đất lúa sang trồng cây trồng cạn. Thực tế cho thấy, nhiều địa phương thực hiện trồng luân canh cho giá trị thu nhập cao.

Thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định là địa phương mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa bấp bênh sang trồng cây đậu phụng, hiệu quả cao hơn. Tại đây, nhà nào cũng trồng đậu phụng, ít thì vài sào, nhiều thì cả chục sào. Đời sống của người dân dần được cải thiện. Từ kết quả này, nhiều người gọi Vĩnh Hội là “thôn đậu phụng”. Bà Nguyễn Thị Thu Hương, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết: Trước đây, mỗi năm chỉ làm 1 vụ lúa cuộc sống khó khăn, nay chuyển qua canh tác đậu phụng, cuộc sống đã khá hơn nhiều.

Từ mô hình trồng đậu phụng thí điểm tại thôn Vĩnh Hội, đến nay, toàn xã Cát Hải đã có trên dưới 200 ha trồng cây đậu phụng. Năng suất bình quân đạt khoảng 300kg/sào mỗi vụ. Ông Võ Kế Hùng, cán bộ xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định cho biết: Vụ vừa rồi, mỗi hộ ở thôn Vĩnh Hội thu hoạch từ 400 đến 500kg đậu phụng, mỗi sào kiếm lãi từ 3 đến 5 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trồng lúa. “Cát Hải là xã là đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Định, điều kiện đất đai thổ nhưỡng ở đây khắc nghiệt, khó khăn, đất cát xám bạc màu và nguồn nước tưới bị thiếu. Qua quá trình sản xuất thí điểm, xét thấy cây đậu phụng là cây thích nghi được với chân đất ở Cát Hải, do đó chúng tôi đã tập trung chỉ đạo chuyển từ sản xuất cây lúa bấp bênh, kém hiệu quả, sang sản xuất cây đậu phụng. Hiện nay toàn bộ diện tích trồng lúa trước đây chuyển sang sản xuất cây đậu phụng từ 2-3 vụ”- ông Hùng cho biết.

Ứng dụng mô hình này, hơn 5 năm qua, nông dân Phù Cát đã từng bước mở rộng diện tích sản xuất lúa Thu Đông (TĐ), đậu phụng Xuân Hè (XH); năm 2014 diện tích sản xuất đạt trên 300 ha, tập trung ở các xã có khá nhiều diện tích sản xuất 1 vụ  lúa gieo khô trong năm như Cát Hiệp, Cát Trinh, Cát Tân, Cát Sơn, Cát Lâm, Cát Tài... Năm nay, nông dân Phù Cát tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa TĐ và đậu phụng XH trên chân đất đồi gò thiếu nước, trước đây chỉ sản xuất 1 vụ lúa gieo khô/năm.  

Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngày được nhân rộng tại tỉnh Bình Định.
Mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng ngày được nhân rộng tại tỉnh Bình Định.

Vụ sản xuất Đông Xuân 2015-2016, tỉnh Bình Định có kế hoạch gieo sạ 47.000 héc ta lúa. Tuy nhiên đến nay, lượng nước tại các hồ chứa nước lớn trong tỉnh mới chỉ đạt 18% dung tích. Dự báo năm nay, lượng mưa thấp hơn trung bình nhiều năm, khả năng thiếu nước tưới là rất nghiêm trọng. Nếu thiếu nước tưới từ 30% đến 50% thì khả năng sẽ có khoảng 3.000 héc ta, thậm chí là 21.000 héc ta lúa thiếu nước tưới. Do vậy, giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây lúa sang các cây trồng cạn được xem là giải pháp tối ưu. Ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định cho biết: Hiện nay chúng tôi tiếp tục xây dựng chính sách ở giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 để chuyển dần các diện tích sản xuất lúa bấp bênh kém hiệu quả sang cây trồng cạn có hiệu quả. Thời gian tới, tiếp tục nhân rộng mô hình này và đặc biệt gắn với chuỗi sản xuất doanh nghiệp và đối với người nông dân.

Bài và ảnh: Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng ứng phó với ảnh hưởng El Nino
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO