Chuyên đề Chính sách đất đai cho đồng bào DTTS - Bài 3: Nghịch lý: Nông lâm trường thừa – đồng bào thiếu đất

Trường Giang | 03/05/2022, 17:43

(TN&MT) - Thời gian qua, nhiều chuyên gia, tổ chức nghiên cứu đã chỉ ra, tình trạng quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông lâm trường đang rất phức tạp. Nhiều công ty lâm nghiệp “ôm” quá nhiều đất – dù đã “sắp xếp đổi mới,” nhưng tình hình sản xuất vẫn không hiệu quả; trong khi đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thiếu đất sản xuất.

Với 9,1 triệu ha, chiếm 27,75% diện tích đất liền của cả nước, khu vực nông-lâm trường chiếm một quỹ đất lớn và giữ vai trò quan trọng trong nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng và hình thành các vùng sản xuất nông, lâm sản hàng hóa tập trung, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Hiện tại, dù đã có trên 75% các địa phương cơ bản hoàn thành rà soát, phân định ranh giới và có phương án sắp xếp, đổi mới với các diện tích đất này, kết quả vẫn không đạt được như kỳ vọng.

1.jpg

Thực tế, 1,8 triệu ha được giữ lại, hiện thuộc quyền quản lý của các công ty nông, lâm nghiệp nhưng hiệu quả đóng góp cho môi trường hay phát triển kinh tế-xã hội vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Với các diện tích đã xác định chuyển đổi, bổ sung quỹ đất cho địa phương thì vấn đề liên quan đến rà soát ranh giới và chứng nhận quyền sử dụng đất vẫn còn là điểm nghẽn lớn nhất. 13/45 địa phương vẫn chưa hoàn thành viêc phân định ranh giới đất đai nông, lâm trường. 34/45 tỉnh vẫn đang vướng mắc trong việc thực hiện rà soát và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được giao, cho thuê đất.

Một trong những lý do dẫn tới thực trạng trên là việc triển khai sắp xếp đổi mới nông lâm trường quốc doanh vẫn còn mang nặng tính hình thức. Nghĩa là các nông, lâm trường mới chỉ tập trung vào “phần ngọn” là sắp xếp tổ chức (đổi tên gọi từ nông lâm trường quốc doanh thành ban quản lý hoặc công ty nông, lâm nghiệp.) Trong khi đó, “phần gốc rễ” của việc đổi mới là rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất còn ít được quan tâm; chưa có sự thay đổi căn bản về phương thức hoạt động, cơ chế quản lý và điều hành dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh rất thấp.

Điều đó dẫn tới nghịch lý thiếu-thừa. Một diện tích không nhỏ rừng và đất lâm nghiệp đã và đang chịu sức ép lớn về xâm lấn, chuyển đổi. Trong khi đó, người dân địa phương xung quanh lại luôn trong tình trạng "đói" đất sản xuất.

2.jpg

Một thực tế nữa là tình trạng sử dụng quỹ đất của Nhà nước để cho thuê, cho mượn, khoán trắng; tình trạng lợi dụng ranh giới giữa rừng sản xuất với rừng đặc dụng và rừng phòng hộ không rõ ràng để khai thác rừng không đúng pháp luật còn thường xuyên xảy ra.

Đáng nói hơn là phần lớn các địa phương không chủ động xây dựng phương án đổi mới mà để cho các nông, lâm trường “tự rà soát, tự đánh giá” và chưa có sự tham gia đầy đủ của các bên liên quan, nhất là sự tham gia của người dân địa phương.

Mặt khác, các nông lâm trường vẫn quản lý, sử dụng gần như toàn bộ diện tích được giao, chỉ có những khu vực nào thực sự bị tranh chấp, bị lấn chiếm – mới trả lại. Thế nhưng, phần lớn diện tích đất trả lại cũng không còn quản lý được nữa vì thực chất dân đã sản xuất kinh doanh, sử dụng từ lâu đời.

Theo các chuyên gia, thực trạng trên đã dẫn tới nghịch lý trong khi diện tích rừng vẫn suy giảm từng ngày thì đất đai, trong đó có không ít là các diện tích được giao cho các nông lâm trường quốc doanh quản lý lại đang liên tục bị lấn chiếm và tranh chấp.
Cụ thể, trong vòng 10 năm (giai đoạn từ 2010-2020), diện tích rừng trên cả nước đã bị mất khoảng hơn nửa triệu ha. Riêng năm 2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 2.575 ha. Trong 8 tháng năm 2020, diện tích rừng bị thiệt hại 1.881,1 ha; trong đó thiệt hại do cháy là 1.362,9 ha.

Số liệu thống kê của Hội đồng Dân tộc qua giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 112/2015/QH13 tại một số địa phương trên cả nước cũng cho thấy, tính đến cuối năm 2018, cả nước có đến 342.569/402.612 ha đất dự kiến được giao lại cho cộng đồng dân tộc thiểu số vẫn đang do các công ty nông, lâm nghiệp Nhà nước hoặc chính quyền địa phương quản lý (chiếm 85,1%), chưa giao cho cộng đồng.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường vào tháng 7/2020, diện tích đất nông lâm trường mà các công ty lâm, nghiệp dự kiến bàn giao về địa phương từ khi thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW năm 2004 đến nay đạt hơn 1 triệu ha (theo Nghị quyết số 28-NQ/TW là 621.565 ha; Nghị quyết số 30-NQ/TW là 465.029 ha). Tuy nhiên, diện tích đất từ các nông, lâm trường trả về địa phương mới chỉ thi hành mang tính mệnh lệnh trên giấy, còn triển khai thực địa chưa làm được; tỷ lệ đất giao cho người dân cũng rất ít.

Ngoài ra, nhiều diện tích đã được các nông lâm trường trao trả về địa phương còn rất lớn, nhu cầu đất sản xuất của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo rất lớn, nhưng các địa phương vẫn không thể giao đất được. Nguyên nhân, tại nhiều diện tích đã có đồng bào dân tộc thiểu số, các hộ dân đã xâm canh, làm nương rẫy từ trước khi bóc tách, thu hồi; nhiều diện tích đã được người dân trồng cây lâu năm. Trong khi đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất không phải là những hộ xâm canh. Do đó, việc thu hồi diện tích này để giao cho hộ khác rất khó thực hiện do không có kinh phí bồi thường, hỗ trợ...

Bài 4: Rà soát quỹ đất nông lâm trường để giao cho đồng bào dân tộc thiểu số

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO