Điểm sáng về bảo vệ môi trường
Bản Trống Là, xã Hồ Bốn là một trong những “Bản hạnh phúc” đầu tiên của huyện vùng cao Mù Cang Chải. Nhờ làm tốt tiêu chí về môi trường, đến nay Bản Trống Là đã khoác lên mình một diện mạo mới với những tuyến đường sáng – xanh - sạch - đẹp.
Ngày nào cũng vậy, đúng 17 giờ, ông Điêu Văn Toan ở bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải lại cần mẫn quét dọn và thu gom rác thải của hơn 70 hộ dân sống dọc hai bên trục đường chính của thôn. Rác thải sau khi thu gom sẽ được ông Toan dùng xe trở đến nơi xử lý.
Xã Hồ Bốn là “Bản hạnh phúc” đầu tiên của huyện vùng cao Mù Cang Chải
Ông Điêu Văn Toan - Bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải vui vẻ chia sẻ: “Công việc nay tuy vất vả, nhất là vào ngày mưa lượng rác thải tăng cao, việc chuyển rác đi xử lý cũng vất vả hơn nhưng tôi cảm thấy rất vui. Vì từng ngày bản càng sạch hơn, người dân cũng có ý thức hơn trước nhiều, không vứt rác bừa bãi nữa. Hàng ngày tôi phải chở 3 đến 5 chuyến mới hết rác trong bản nhưng thấy bản mình sạch sẽ hơn tôi cảm thấy vui lắm.”
Không chỉ ông Điêu Văn Toan người trực tiếp tham gia thu gom rác thải có ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, đến nay tất cả người dân trong bản đều tự giác thu gom rác thải và tạo cảnh quan ngay tại gia đình. Nhờ đó, bản Trống Là không con điểm rác tồn đọng, cảnh quan môi trường trở nên xanh, sạch, đẹp hơn trước.
Chị Nguyễn Thị Xuyến - Bản Trống Là, xã Hồ Bốn cho biết: Hàng tháng bí thư chi bộ và trưởng bản cũng tổ chức những buổi dọn vệ sinh chung trên tuyến đường trong bản, trong các buổi như vậy gia đình tôi cũng tham gia rất đầy đủ. Hàng ngày, gia đình tôi cũng có ý thức quét dọn vệ sinh nhà cửa, thu gom rác sinh hoạt để đúng nơi quy định chứ không vứt rác bừa bãi như trước nữa. Đến giờ cả bản ai cũng có ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên bản sạch sẽ hơn rồi.
Tuyến đường trục chính của bản Trống Là, xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải dài khoảng 2km với trên 70 hộ dân sinh sống. Tại đây, chủ yếu là dân tộc Mông, Thái sinh sống với tập quán sinh hoạt và chăn nuôi còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, bài toán làm sao để môi trường xanh, sạch, đẹp luôn được bản quan tâm. Đến năm 2022, bản Trống Là, xã Hồ Bốn đã xây dựng mô hình thu gom rác thải.
Theo đó, người dân bản Trống Là đã cùng nhau đầu tư dụng cụ thu gom, cùng góp tiền vệ sinh môi trường và phân công chính người dân trong thôn thực hiện việc thu gom và vận chuyển rác thải. Cùng với đó, mỗi người dân trong thôn cũng tự mình nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bằng cách chung tay quét dọn và tập kết rác sinh hoạt đúng giờ.
Ông Lìm Văn Hoà - Bí thư chi bộ bản Trống Là, xã Hồ Bốn Tâm sự: “Trước đây rác chưa được thu gom, người dân vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Từ ngày có mô hình thu gom rác thải ở bản môi trường sạch hơn rất nhiều, đặc biệt ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường được nâng lên rất nhiều. Vừa rồi bản được công nhận là “Bản hạnh phúc” chúng tôi mừng lắm”.
Cùng với đó, các địa phương cũng tích cực triển khai nhiều phong trào, các mô hình, câu lạc bộ bảo vệ môi trường. Các phong trào luôn nhận được sự hưởng ứng của người dân, từ đó tạo sức lan toả sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Nhiều phong trào được triển khai hiệu quả
Tại tỉnh Lào Cai, nhiều mô hình hay về bảo vệ môi trường được triển khai như: Mô hình “Nhà sạch, vườn đẹp”; mô hình “Tổ Phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn”; mô hình “Tổ Phụ nữ tự quản tuyến phố không rác thải”…
Qua đó, toàn tỉnh có 703 mô hình câu lạc bộ “Nhà sạch, vườn đẹp”; các cấp Hội duy trì 14 mô hình “Tổ Phụ nữ phân loại rác thải tại nguồn” và có 7 mô hình “Tổ Phụ nữ tự quản tuyến phố không rác thải”…Các phong trào, mô hình bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã được các cấp hội, địa phương tích cực hưởng ứng. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng các tuyến đường sáng – xanh – sạch – đẹp.
Ông Lưu Đức Cường – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Lào Cai cho biết: Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà tiêu chí 17 về môi trường đã được cải thiện rõ nét. Cụ thể năm 2022, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý tăng từ 75% lên 95%. Tại các xã cơ bản đều được quy hoạch nghĩa trang, bãi chôn lấp chất thải, đảm bảo các tiêu chí về vệ sinh môi trường; dân số nông thôn được cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng từ 60,7% lên 93%; hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh tăng từ 33,5% lên 74%; tổng lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom, xử lý triệt để tăng từ 35% lên 100%...
“Nhận thức rõ việc bảo vệ môi trường là nhiệm vụ quan trọng, góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế bền vững. Vì vậy, đòi hỏi cần phải được quan tâm thực hiện và nghiêm túc triển khai trong cả hệ thống chính trị và phải được sự hưởng ứng của toàn xã hội. Trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về bảo vệ môi trường. Đồng thời, huy động các cấp, ngành, các doanh nghiệp và người dân tích cực, thường xuyên, liên tục hưởng ứng công tác bảo vệ môi trường”, ông Lưu Đức Cường nhấn mạnh.