(TN&MT) - Huyện Mường Nhé (Điện Biên) có 94% học sinh là người dân tộc thiểu số. Chất lượng giáo dục đang dần được nâng lên nhờ sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị địa phương, sự tận tụy của các thầy cô và nỗ lực của chính các em.
Nỗ lực của thầy, trò…
Huyện Mường Nhé (Điện Biên) là một huyện nghèo khó nhất của cả nước, trên 96% là người dân tộc thiểu số. Khó khăn mà các thầy cô ở nơi đây đang phải đối mặt là cơ sở vật chất chưa đầy đủ, trình độ dân trí hạn chế, vốn từ tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt của học sinh và của cả người dân ở Mường Nhé là nguyên nhân khiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, với sự tận tụy bám lớp, bám trường của các thầy cô giáo ở các điểm bản xa sôi, sự nỗ lực đổi mới trong phương pháp dạy và học, ngành giáo dục Mường Nhé đã từng bước nâng cao chất lượng dạy và học để làm thay đổi nhận thức lớp lớp thế hệ học sinh, là công dân tương lai của đồng bào dân tộc thiểu số nơi cực Tây Tổ quốc.
Điểm lại những khó khăn, vất vả của ngành giáo dục Mường Nhé, ông Phạm Thiết Chuỳ, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Những năm trước đây ngành giáo dục Mường Nhé vô cùng vất vả. Đường sá đi lại vất vả, có những điểm trường đi bộ nửa ngày đường mới đến nơi. Trong khi đó, cơ sở vật chất các điểm trường chủ yếu là tranh tre, vách nứa. Nhiều năm trở lại đây, cơ sở vật chất được Nhà nước quan tâm xây dựng tương đối khang trang, số lớp học tạm còn rất ít. Các thầy cô vì thế cũng yên tâm công tác. Năm học 2023 - 2024, huyện Mường Nhé có tổng số 675 phòng học. Trong đó số phòng học kiên cố 380 phòng, (tỷ lệ 56%), bán kiên cố 280 phòng, (tỷ lệ 41,5%). Cả huyện còn 15 phòng học tạm (chiếm tỷ lệ 2,2%) chủ yếu nằm ở các bản rất sâu, xa.
Đối với phòng ở nội trú cho học sinh có tổng số 457 phòng, chủ yếu là kiên cố và bán kiên cố, có 41 phòng tạm. Nhà ở công vụ cho giáo viên ăn, nghỉ tại trường và điểm trường có 251 phòng kiên cố và bán kiên cố, còn 13 phòng tạm. Các phòng y tế, tin học, nhà bếp nấu ăn cho học sinh cơ bản đã được kiên cố và bán kiên cố.
Mặc dù khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng các thầy cô và các học trò vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn cố gắng thi đua dạy thật tốt, học thật tốt. Ngành giáo dục Mường Nhé luôn xác định nâng cao chất lượng giáo dục là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Ông Chùy cho biết, Phòng Giáo dục luôn kiểm tra đánh giá kịp thời, định hướng phát triển năng lực cho học sinh để hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục phổ thông, có tăng cường nâng cao chất lượng dạy và học môn tiếng Anh và môn tin học trong các trường…
“Riêng đối với lĩnh vực giáo dục dân tộc, chúng tôi đặc biệt quan tâm, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Đồng thời giao nhiệm vụ cho các nhà trường tổ chức tốt việc chăm lo cho học sinh dân tộc ở nội trú, bán trú, có giải pháp đẩy mạnh chất lượng đào tạo bồi dưỡng học sinh giỏi và phụ đạo học sinh yếu”, ông Chùy nói.
Cùng với đó, ngành giáo dục Mường Nhé tập trung rà soát, phát triển mạng lưới trường lớp, huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp, rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp học; huy động, duy trì sĩ số học sinh các cấp học, tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên dạy lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 6, lớp 7 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để kịp thời giải đáp, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Phối hợp các cơ quan của huyện, cha mẹ học sinh để tuyên truyền, đảm bảo có đủ sách, vở cho học sinh học tập ngay từ đầu năm học.
… và những thành quả hôm nay
Theo báo cáo của ngành giáo dục Mường Nhé, năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 35 trường và 193 điểm trường; 675 lớp với 17.189 học sinh chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số. Tất cả các học sinh trong độ tuổi từ mầm non, tiểu học, THCS đều được các nhà trường huy động ra lớp, đạt tỷ lệ chuyên cần đảm bảo. Công tác giáo dục phổ cập đúng độ tuổi ở các bậc học được duy trì và giữ vững qua các năm. Riêng đối với trẻ từ 0 đến 5 tuổi, tỷ lệ huy động đạt 73,4% (vượt 1,3% so với kế hoạch).
Đối với tiểu học, tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; trẻ trong độ tuổi từ 6 đến 10 tuổi huy động ra lớp đạt 99,99%. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%. Với trên 4.300 học sinh học THCS, ngành duy trì tỷ lệ trẻ 11 tuổi vào học lớp 6 đạt 96%; tỷ lệ 11-14 tuổi vào học THCS đạt 97,2%.
Ông Chuỳ, cho biết thêm: Đối với giáo dục vùng cao tỷ lệ huy động ra lớp rất quan trọng, phản ánh về nhận thức của các bậc phụ huynh quan tâm đến giáo dục. Một mặt phản ánh góc độ xã hội các em được quan tâm, được chăm sóc học hành. Khi tỷ lệ đi học chuyên cần được đảm bảo, chất lượng sẽ được đảm bảo. Từ đó mới xây dựng được các tiêu chí trường học chất lượng, trường chuẩn quốc gia các cấp độ.
Đến nay, toàn huyện có 17/35 đạt 48,57% trường đạt chuẩn quốc gia. Năm học 2022 - 2023, có 3 học sinh là người dân tộc thiểu số đạt giải khuyến khích trong kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh. 19 dự án được giải sáng tạo thanh thiếu niên cấp huyện. 6 học sinh Thi tiếng Anh trên Internet (IOE) đạt giải cấp huyện và 3 học sinh đạt giải cấp tỉnh. 7 học sinh đạt giải cấp cấp huyện và 2 học sinh đạt giải cấp tỉnh nội dung thi máy tính cầm tay. 41 học sinh thi học sinh giỏi các môn văn hóa (toán, tiếng Việt) đạt giải cấp huyện 9 học sinh đạt giải 3 và khuyến khích cấp tỉnh và nhiều nội dung thi khác, đối tượng chủ yếu là học sinh đồng bào các dân tộc thiểu số. Năm học qua có 32 được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, trong đó có 5 giáo viên được đặc cách công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh.
Để có được thành quả giáo dục như hôm nay, là cả sự chung tay của xã hội, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính quyền địa phương về xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo, thu hút đội ngũ giáo viên. Những chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sự nỗ lực vượt lên của chính các em, của thầy cô, gia đình và cả nhà trường. Dẫu kết quả hôm nay chưa tương xứng với công sức của các thầy cô, của chính các em bỏ ra. Song, đó là một niềm tự hào khi mà điều kiện kinh tế, nhận thức dân trí, ngôn ngữ bất đồng…điển hình như ở Mường Nhé. Công lao to lớn ấy thuộc về thầy cô, những tận tụy cho ngành giáo dục ở vùng núi khó khăn của Mường Nhé, Điện Biên.