Chúng tôi nói về chúng tôi

Nhóm PV| 20/06/2022 13:35

(TN&MT) - Trong cuộc đời làm báo của mỗi người, kỷ niệm dẫu buồn dẫu vui đều là hành trang quý giá để khiến ta dày dạn hơn, trưởng thành hơn, trách nhiệm với nghề hơn, đam mê hơn và cảm thấy yêu nghề hơn…

Ấn tượng môi trường Hàn Quốc

… Đã gần 10 năm kể từ ngày tôi được đặt chân lên đất nước của xứ sở Kim Chi, đến nay, dấu ấn về những công trình bảo vệ môi trường của người dân Hàn Quốc vẫn là những ký ức vô cùng tuyệt vời mỗi khi nhắc đến ước mơ môi trường Việt Nam…

Trước khi đến Hàn Quốc, là phóng viên ngành tài nguyên và môi trường, tôi cũng đã có không ít thời gian tiếp cận, viết bài tuyên truyền cho hoạt động bảo vệ môi trường cũng như đi thực tế nhiều nơi, đặc biệt là những khu chôn lấp rác thải, xử lý nước thải các khu công nghiệp, khu chế xuất. Cũng biết đến khá nhiều mô hình tái chế phế thải, tận dụng sản phẩm thải bỏ… Song đúng là chỉ khi được tận mắt chứng kiến cách làm của người Hàn Quốc, biến khu chôn lấp rác thải thành khu công viên, vui chơi giải trí, tôi mới hiểu hết được thế nào là “chôn lấp hợp vệ sinh” và “biến rác thải thành tài nguyên” cũng như xây dựng một nền công nghiệp môi trường, kinh tế tuần hoàn. Người Hàn hầu như không bỏ phí một tài nguyên gì, cho dù đó là rác. Với rác, họ vừa có thể tái chế làm nguyên liệu sản xuất, vừa sử dụng công nghệ để biến thành các nguồn năng lượng như khí gas, điện, than, nước... Nhưng quan trọng hơn, qua đó, họ gìn giữ được một môi trường sống mà con người đáng được hưởng.

z3505479075286_9198b60098eb33339e95ae3482ed5f7b.jpg

Nhà báo vũ Kim Liên

Chúng tôi được giới thiệu thành tựu lớn nhất của ngành công nghiệp môi trường Hàn Quốc, đó chính là công nghệ biến khu chôn lấp rác thành công viên. Đó là khu liên hợp xử lý chất thải Sudokwon, cách Thủ đô Seoul 70km, có thể được xem như một hình mẫu điển hình cho mô hình “biến chất thải thành tài nguyên” của người Hàn Quốc với hệ thống thiết bị và dây chuyền xử lý, tái chế rác thải và kiểm soát môi trường hiện đại vào bậc nhất. Ấn tượng đầu tiên khi bắt đầu tới bãi chôn lấp rác thải là con đường sạch, đẹp, rợp bóng cây ngân hạnh ngả lá vàng, từng đoàn xe chở rác vào khu chôn lấp đều được cân và vệ sinh sạch sẽ. Bãi chôn lấp rác thải       Sudokwon gồm các khu: Nhà máy điện, nhà máy xử lý nước rò rỉ rác và khu vực điều hành. Rác thải đổ vào các khu vực chôn lấp được liên tục phun khử mùi hôi; trên mỗi khu vực đã chôn lấp rác đều lắp 1 ống thông khí để thu hồi khí phát điện. Để tăng thêm tính thẩm mỹ, những ống thoát khí này đều được trang trí tựa như những cây dừa khắp khu vực chôn lấp, tạo nên cảnh quan môi trường khá đẹp mắt cho dù đây là những bãi chôn lấp chưa hoàn thành.

Điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên và thán phục đó là công nghệ xử lý nước rỉ rác tại nhà máy xử lý nước rỉ rác tại bãi rác này. Ai cũng biết, xử lý bùn thải và nước thải là khâu quá khó của bất kỳ một bãi rác hay hoạt động sản xuất công nghiệp nào. Tuy nhiên, bằng công nghệ xử lý tiên tiến, họ đã xử lý triệt để ô nhiễm trong nước thải để tái sử dụng làm nguồn nước tưới cho cây cối xung quanh khu chôn lấp và thải ra môi trường; phần bùn thải còn lại sau khi đã xử lý nước được sấy khô và cho vào tái sản xuất. Quy trình này cho ra khoảng 9 dạng hạt khác nhau có chất lượng tương đương than đốt từ chất lượng cao đến trung bình, phục vụ cho các nhà máy điện than tại Hàn Quốc.

than-bun.jpg
Một loại than bùn sau khi được tái chế từ bùn thải của nhà máy xử lý nước rỉ rác tại Hàn Quốc.

Trải nghiệm này không chỉ nâng tầm hiểu biết của người làm truyền thông về bảo vệ môi trường mà còn củng cố niềm tin vào tương lai môi trường Việt Nam khi chúng ta cũng đang thực hiện những chính sách mới về phân loại rác tại nguồn, áp dụng quy định trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất và tăng cường tái chế…

Bình luận phải đúng - trúng – hay

Quá trình phát triển của báo chí cách mạng, đặc biệt là trong công cuộc đổi mới, các tác phẩm chính luận thật sự đã trở thành vũ khí ngôn ngữ sắc bén, thể hiện rõ vai trò định hướng tư tưởng, chính trị và dẫn dắt dư luận xã hội trong từng giai đoạn cách mạng, từng thời điểm, đặc biệt là trước những sự kiện, hiện tượng quan trọng của xã hội.

Ngay trong nội hàm các tác phẩm chính luận của báo chí chính thống đã thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội như chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục; các tác phẩm chính luận đã trở thành công cụ sắc bén giúp cho con người nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và trước những sự kiện, hiện tượng diễn biến phức tạp trong đời sống chính trị, xã hội. Quy tụ lại các tác phẩm chính luận của báo chí giúp cho công chúng khả năng nhận thức các mối quan hệ phức tạp, tiếp cận được bản chất của vấn đề, từ đó thúc đẩy hoạt động thực tiễn của con người.

xuan-hop.jpg

Nhà báo phạm Xuân Hợp

Nổi bật trong dòng chảy của báo chí chính luận chính là bình luận - một thể loại chủ công của báo chí và luôn được bạn đọc đón nhận một cách nhiệt tình. Tuy vậy, để có một bài bình luận hay theo đúng nghĩa của nó, đòi hỏi người viết không chỉ có một phông văn hóa rộng, trình độ chuyên môn sâu, kinh nghiệm sống dày dạn, mà còn phải am hiểu pháp luật, tìm hiểu kỹ lưỡng vấn đề muốn phân tích, lập luận, phản biện và đặc biệt là phải có cái tâm trong sáng, động cơ trung thực, lành mạnh.

Thực tế, bình luận không nhằm tái hiện bức tranh đời sống mà mục đích của nó là phân tích, thẩm định bức tranh đời sống nhằm làm cho người đọc, người nghe có một nhận thức mới về những gì cuộc sống đã và đang xảy ra. Viết bình luận khó nhất là nghĩ ra đề tài. Bởi thế nên từ sáng sớm cho đến tối, người viết bình luận luôn phải đọc tin tức. Đọc các báo, mạng xã hội, đọc để nắm thông tin, và để biết bạn đọc quan tâm đến đề tài gì nhất. Ngoài đọc báo để nắm tin tức, phải đọc những tài liệu, tạp chí, sách, tích lũy kiến thức về nhiều lĩnh vực khác nhau để không bị lạc hậu. Làm báo mà lạc hậu thì mất bạn đọc.

Không như tin tức chỉ mang tính chất thông tin, thông báo, các bài bình luận đã được “cày xới” ở nhiều góc độ, phương diện, khía cạnh, liên hệ với cả quá khứ để móc nối với hiện tại và dự báo tương lai và đặc biệt, được lập luận với những căn cứ rõ ràng, lý lẽ sắc sảo và phân tích có chiều sâu với một bút pháp thể hiện linh hoạt, sinh động nên rất dễ đi vào lòng độc giả. Đa số các bài bình luận sẽ bàn luận về những thông tin nóng hổi vừa xảy ra trước đó. Thông tin cần nhanh đã có những người viết tin trước, còn thể loại bình luận cần đào sâu tìm tòi, viết cho sắc nên cần có thời gian. Thế nên người làm báo phải thực sự tỉnh táo, nhất là với thể loại bình luận. Viết ra câu chữ nào là phải chắc chắn câu chữ ấy. Không được kiểu mơ hồ, giả định, phán đoán. Những vấn đề liên quan tới đạo đức, thuần phong mĩ tục hay tôn giáo là phải hết sức chú ý.

Viết đúng, viết hay là yêu cầu quan trọng cần thiết với người viết thể loại bình luận trên báo chí. Tuyệt đối không được xuyên tạc sự thật, không gây sự hiểu lầm lệch lạc trong bài báo bình luận. Có thể nói một cách hình ảnh, sử dụng thể loại bình luận như “con dao hai lưỡi”. Nếu bài viết trúng, đúng, hay, thấu tình, đạt lý sẽ mang lại hiệu quả thông tin rất lớn và quan trọng hơn là chuyển tải đến bạn đọc một thông điệp lành mạnh, một cái nhìn lạc quan, một niềm tin tươi sáng.

Nghề báo cho tôi những trải nghiệm đặc biệt

Chuyến công tác cùng đoàn Bộ Ngoại giao hai nước Việt Nam - Lào trong hành trình phân giới cắm mốc để xây dựng công trình Thủy điện Mỹ Lý tại biên giới Việt - Lào đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm khó quên. Chuyến đi đặc biệt ấy giúp tôi hiểu thêm về những khó khăn, vất vả mà cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Biên giới và Địa giới (Bộ TN&MT) trải qua, để góp phần giữ gìn từng tấc đất biên cương Tổ quốc.

Ngày ấy, cách đây hơn 10 năm, vào năm 2009, tôi được Trung tâm Biên giới địa giới Cục Đo đạc và Bản đồ Việt Nam (nay là Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam) mời đi thực tế chuyến khảo sát phân giới cắm mốc tại khu vực Thủy điện Mỹ Lý. Chuyến công tác đặc biệt hơn bởi có sự tham gia của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nước CHDCND Lào. Là nhà báo duy nhất trong đoàn nên tôi được ưu ái, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tác nghiệp.

thuy-hang.jpg

Nhà báo đặng thị Thúy Hằng

Đường lên biên giới đã khó lại thêm thời tiết khắc nghiệt, đúng vào ngày trời mưa to tầm tã nên càng khó khăn hơn, phải mất 1 ngày mới đến được Đồn Biên phòng Keng Đu. Con đường đất dài hơn 60km, trơn trượt và nguy hiểm. Càng đi càng heo hút, không thấy nhà dân, hai bên đường chỉ toàn rừng cây và vách núi.

Xế chiều, chúng tôi đến Đồn Biên phòng Keng Đu thuộc địa phận xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Đồn trải ra trong tầm mắt chúng tôi một màu xanh ngút ngàn với bí ngô, su su, mướp… Không khí trong lành cùng với tình cảm chân thành của đoàn công tác và các chiến sỹ Biên phòng khiến bao mệt nhọc trong tôi tan biến. Nghỉ ngơi ít phút, tôi tranh thủ đi phỏng vấn.

Mờ sáng hôm sau, đoàn hành quân hướng đến nơi dự định cắm mốc biên giới. Kế hoạch ban đầu sẽ di chuyển đến điểm cắm mốc bằng ô tô nhưng do trời mưa cả đêm, núi sạt lở nên Trưởng đoàn quyết định chuyển sang phương án đi thuyền. Đây là phương án mạo hiểm và vô cùng vất vả.

Trời vẫn mưa tầm tã. Cả đoàn xuống núi và men theo đường đất sình lầy. Ai cũng tập trung hết sức để không bị trượt chân ngã. Thấy tôi có vẻ vất vả khi mang theo lủng củng những dụng cụ tác nghiệp, mọi người trong đoàn đã nhận phần mang vác hộ. Con đường đất sình lấy khiến cả đoàn nhích từng bước một. Thời gian di chuyển đã khá dài mà đoạn đường vẫn còn xa, vì thế, các giáo viên Trường Trung học Keng Đu đã được huy động quay về lấy xe máy để giúp từng thành viên trong đoàn nhanh chóng tới được điểm đến. Đường lầy lội và trơn như đổ mỡ khiến chiếc xe Wave thỉnh thoảng lại lăn ra như làm xiếc. Cứ thế liên tục xe đổ lại gượng dậy đi tiếp. Sau hơn 6 giờ vật lộn với đường đất, chúng tôi cũng đã đến được trạm dừng chân của đồn biên phòng. Đón chúng tôi tại đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lào niềm nở bắt tay và động viên tôi: “Nữ nhà báo dũng cảm quá!”. Câu nói của vị lãnh đạo cấp cao nước bạn đã xua tan bao nỗi mệt nhọc trong tôi.

Sau bữa cơm trưa ở trạm biên phòng, chúng tôi tiếp tục xuôi dòng Nậm Nơn đến nơi cắm mốc biên giới. Đây là chặng đường với vô vàn gian nan và nguy hiểm. Theo nhẩm tính của tôi, đoàn đã phải vượt qua 11 thác nước trong đó có 5 thác nước lớn. Đến giờ, nghĩ lại, tôi vẫn còn sợ, bởi mỗi khi đến thác nước lớn, dòng sông Nậm Nơn lại cuộn sóng dữ dội. Lúc ấy, cả đoàn công tác lại phải rời thuyền đi bộ men theo các vách đá.

Ông Trần Văn Tuấn (lúc ấy là Vụ phó Vụ Biên giới phía Tây, Ủy ban Biên giới quốc gia) chia sẻ, từng làm công tác biên giới nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên trong đời ông được chứng kiến cảnh mạo hiểm như thế này. Thế rồi, chúng tôi cũng đến được nơi cắm mốc. Tôi đứng lặng nhìn cột mốc, cảm nhận hết nỗi vất vả, gian truân mà cán bộ của Trung tâm Biên giới Địa giới (Bộ TN&MT) đã trải qua. Đây chỉ là một trong vô vàn cột mốc mà các anh đã cắm và cả ở những nơi có thể gian khổ và hiểm nguy hơn nhiều…

Chuyến đi biên giới ấy dẫu có vất vả, dẫu có phải đối mặt với những nguy hiểm nhưng mang đến cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Đó là tình người nồng ấm, là những giây phút được ngắm nhìn vẻ đẹp của đất nước ở những góc đặc biệt và ấn tượng nhất là niềm tự hào khi đặt chân lên những cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc thân yêu.

Tôi vẫn thường nghĩ, nếu không làm nghề báo thì chắc cả đời này tôi cũng không thể có những chuyến đi đặc biệt với những con người và địa điểm đặc biệt như vậy. Chuyến đi dù khó khăn, vất vả nhưng thực tế vẫn chưa thấm vào đâu so với những cán bộ làm công tác phân giới cắm mốc của Bộ TN&MT. Sau 20 năm thành lập Bộ TN&MT, để hoàn thành việc phân giới cắm mốc trên các tuyến biên giới nước ta với nước bạn nhằm phân định chủ quyền biên cương của Tổ quốc, đã có không ít những cán bộ phải chấp nhận vất vả hiểm nguy, thậm chí hy sinh cả tính mạng của mình. Đó là điều trăn trở mà mỗi nhà báo chúng tôi sau này cần làm tốt công tác tuyên truyền trong việc gìn giữ và bảo vệ từng mảnh đất của Tổ quốc.

Buổi chiều ấy tôi đã có một tác phẩm tâm đắc

Nếu ai hỏi tôi bài viết nào khiến bạn nhớ nhất, tôi sẽ không ngần ngại trả lời đó là tác phẩm “Tên của đất”. Những người đồng nghiệp hẳn sẽ ngạc nhiên vì gần 20 năm gắn bó với nghề báo, phần lớn thời gian tôi viết về môi trường, tôi chỉ được giao theo dõi lĩnh vực đo đạc bản đồ vẻn vẹn 2 năm. Với thời gian ấy, khó có thể hiểu sâu về lĩnh vực này chứ chưa nói đến một bài viết hay.

mai-dung.jpg

Nhà báo Mai thị Dung đang tác nghiệp.

Thế nhưng, tôi thật may mắn khi gặp được những con người uyên bác, nhiệt huyết trong ngành đo đạc bản đồ. Một trong số đó là ông Trịnh Anh Cơ - chuyên gia hàng đầu về địa danh bản đồ. Ông đã dẫn dắt tôi vào hành trình “lấy lại tên cho đất” mà ông và các đồng nghiệp đã dày công nghiên cứu; truyền cảm hứng, khơi dậy lửa nghề để tôi khai phá lĩnh vực khô khan, khó viết này.

Tôi vẫn có nhớ cái buổi chiều nắng chói chang ấy, ông đến quán cà phê nơi tôi đang đợi với lưng áo ướt sũng mồ hôi và bắt đầu câu chuyện: Nhà báo đã bao giờ tự đặt cho mình câu hỏi về nghĩa những địa danh vẫn nghe, vẫn nói hàng ngày nó từ đâu mà có, đọc như thế đã chuẩn chưa và nó được trở thành địa danh trên bản đồ như thế nào?

Từ gợi mở đó, những câu chuyện về “đặt tên cho đất” cứ cuốn tôi đi hết từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Hóa ra, thành phố Nha Trang xa xưa là một vùng lau sậy với cái tên “Yatrang” hay “Jatrang”. Sau này người Việt đọc chệch thành Nha Trang nhưng chẳng có một chút nghĩa nào. Miền đất mộng mơ Đà Lạt chính xác phải đọc là Đạ Lạch (suối người Lạch)…

Ai cũng biết mỗi địa danh đều mang một ý nghĩa riêng, nhưng ít ai biết được rằng một số địa danh trên bản đồ quốc gia thiếu chuẩn xác bởi người làm sau chép của người làm trước. Còn người làm đầu tiên có thể chưa đủ thời gian, tiềm lực tài chính, kể cả hiểu biết để đến tận nơi, hỏi thật kỹ từng tên đất, tên sông. Đôi khi chỉ nghe, chỉ viết theo phương ngữ mà phương ngữ thật thì thật khó lường. Chẳng hạn, địa danh Bến Diệc nổi tiếng thời chống Mỹ vốn là bến Vượt nhưng cái âm "Dượt" khó nghe của người địa phương khiến cho người nghe liên tưởng tới tên một loài chim Diệc, rồi cái bến Vượt có nghĩa thành Bến Diệc chẳng ai hiểu là gì. Hoặc như Vũng Quýt chỉ vì cách phát âm "dũng guýt" hiểm hóc của người Quảng Ngãi mà trở thành Dung Quất khi gắn với quy hoạch khu lọc dầu đầu tiên của nước nhà. Còn có những câu chuyện không biết nên cười hay khóc. Người Tày đặt cho con đèo có rặng tre xanh là đèo Bọ Đậy (đèo tre xanh). Nhưng người dưới xuôi lên chẳng hiểu nghĩa tiếng Tày, tự phiên âm thành Bò Đái, và cái tên chẳng mấy đẹp đẽ này cho đến nay vẫn đang nghễu nghện trên biển chỉ dẫn tên đèo.

Qua những mẩu chuyện có chút hài hước, ông đã cho tôi biết hành trình chuẩn hóa địa danh trên bản đồ không đơn giản chút nào. Công việc này đòi hỏi phải hội tụ được trí tuệ của các chuyên gia trong các lĩnh vực ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, các dịch giả nổi tiếng. Những người nghiên cứu phải cân nhắc xem trong trường hợp nào thì trả lại "danh" cho đất, trường hợp nào thì phải thừa nhận "lịch sử". Sẽ phải đối chiếu giữa bản đồ, sẽ phải đi thực địa, phải thỏa thuận với từng xã từng huyện về một cái tên cụ thể. 54 dân tộc Việt, ngoài người Kinh sử dụng tiếng Việt và chữ Việt, 53 dân tộc ít người ở Việt Nam nói tiếng nói riêng của họ cùng tiếng Việt. Có 28 dân tộc có bộ chữ viết, số còn lại không có chữ viết. Bộ chữ cái của các dân tộc vùng Tây nguyên lại nhiều hơn bộ chữ cái người Kinh 4 âm tiết (J, F, W, Z) nên việc gỡ mối quan hệ giữa nguyên ngữ, ngữ âm, ngữ nghĩa, ngữ pháp này ra sao để chọn được tên chuẩn cho từng vùng đất gặp nhiều khó khăn…

Câu chuyện chuẩn hóa địa danh trên bản đồ kết thúc khi thành phố đã lên đèn. Trong buổi chiều ấy tôi đã hiểu lĩnh vực đo đạc bản đồ không chỉ là những con số, tọa độ khô khan như mọi người tưởng, nó là cả thế giới ngữ nghĩa, nếu ai đã lỡ đam mê nó thì sẽ không dứt ra được. Niềm đam mê ấy đã thôi thúc những con người làm trong ngành đo đạc bản đồ sẵn sàng hy sinh những giây phút quây quần bên gia đình, rong ruổi trên khắp mọi miền Tổ quốc để chuẩn hóa “tên cho đất”.

Ngẫm lại nghề báo, tôi chợt nhận ra rằng, quanh ta không thiếu những đề tài hay. Những thứ nhỏ nhất tưởng như vụn vặt hay sự kiện mang tầm vóc lớn đều có thể trở thành đề tài hay cho tác phẩm báo chí nếu như ta tìm ra góc độ khai thác hợp lý, đem đến cái mới. Những đề tài muôn thuở về môi trường, kinh tế… dễ sa vào lối mòn khi có quá nhiều người đề cập nhưng dưới ngòi bút của mình, người làm báo biết khai thác làm nổi bật cái khác biệt thì sẽ đem đến một bài viết sâu sắc, chất lượng.

Tôi đã đóng góp phần nào cho công tác bảo vệ tài nguyên, môi trường

Tôi tình cờ gặp một người anh, rồi sau đó được anh dẫn dắt và bén duyên với nghề báo. Đến nay đã hơn chục năm gắn bó với nghề, có rất nhiều kỷ niệm vui buồn trong tôi.

Bước vào nghề, tôi bắt đầu từ những trang giấy trắng, chưa định hình được phải viết tin, viết một bài báo như thế nào, cách điều tra ra sao… Bao nhiêu câu hỏi lẩn quẩn trong tâm trí tôi. Thế là công cuộc bổ túc kiến thức được tôi cấp bách thực hiện bằng cách đọc nhiều sách báo, đọc những bài viết của các anh chị đồng nghiệp thiên về mảng điều tra như khai thác khoáng sản, đất đai, đặc biệt là xả thải gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Từ đó tôi đã có thêm kinh nghiệm, biết cách làm và cách viết báo.

anh-1-4-.jpg

Nhà báo Lê Thị Thu Thủy

Nhớ nhất ngày đầu tiên khi tôi bước chân vào nghề báo, được đi cùng một người anh tác nghiệp tại huyện Tĩnh Gia (nay gọi là thị xã Nghi Sơn). Sau khi tác nghiệp có đủ tài liệu để về viết bài, nhưng trong tôi vẫn chưa hình dung được viết như thế nào, rồi sau đó được anh hướng dẫn và bài viết cũng đã được hoàn thành.

Nói về mảng điều tra là rất nguy hiểm, với tôi là phụ nữ thì việc này lại càng gặp khó khăn hơn, nhưng trong tôi với niềm đam mê nghề báo nên tôi vẫn quyết tâm thực hiện.

Có những kỷ niệm tôi không thể nào quên, đó là ký ức trong lần xâm nhập hiện trường. 23 giờ đêm, chuông điện thoại reo, tôi nhấc máy, đầu dây bên kia là một người dân báo cho tôi biết về tình trạng khai thác cát trái phép trên tuyến sông Mã thuộc huyện Vĩnh Lộc và Cẩm Thủy làm sạt lở vào đất canh tác của người dân, tôi vội vàng dậy lên xe chạy từ thành phố Thanh Hóa đến nơi khoảng gần 70km. Trong lúc đêm khuya, ở ngay tại bờ sông hoang vắng, cầm máy ảnh trên tay mà rôi run sợ bởi nạn cát tặc họ rất manh động, đập vào mắt tôi là một đoàn tàu đang khai thác cát trái phép nối đuôi nhau, tiếng máy kêu ầm ầm vang vọng cả khu vực, suốt quá trình tác nghiệp, tôi phải đối diện với nhiều nguy hiểm do bị nhóm cát tặc phát hiện và đe dọa, nhưng vì yêu nghề nên tôi không ngần ngại khó khăn.

Sau khi bài viết được đăng tải trên Báo TN&MT, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo xử lý và nạn cát tặc đã được ngăn chặn. Đó là những kỷ niệm in đậm trong tôi không thể nào quên, những kỷ niệm ý nghĩa bởi với vai trò là phóng viên Báo TN&MT, tôi đã đóng góp phần nào cho công tác bảo vệ tài nguyên và bảo vệ môi trường nơi địa bàn mình phụ trách.

Niềm vui khi pháp luật đất đai đến với người dân vùng sâu, vùng xa

Đã hơn 10 năm tôi trở thành phóng viên Báo TN&MT, trong đó có 8 năm được phân công viết bài về lĩnh vực đất đai. Con số đó chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ để tôi có những trải nghiệm, kỷ niệm khó quên về nghề.

truong-giang.jpg

Nhà báo đặng Trường Giang

Trong các chuyến đi thực tế, đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc nhất là những lần được tiếp xúc với đồng bào dân tộc. Phần lớn đồng bào sống ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, việc tiếp cận các thông tin văn hóa, xã hội chưa được đầy đủ và trọn vẹn, nên việc hiểu biết về chính trị - xã hội, ý thức chấp hành và thực hiện tuân thủ pháp luật còn nhiều vấn đề đáng quan tâm. Trong cuộc sống hằng ngày, đồng bào dân tộc thiểu số có một số hành vi, việc làm vi phạm pháp luật mà họ không hay biết… dẫn đến nhiều hệ lụy.

Ngày đó, trong chuyến đi cùng Viện Tư vấn Phát triển kinh tế - xã hội Nông thôn và Miền núi (CISDOMA) thực hiện dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số” tại Mai Châu (Hòa Bình) tôi đã gặp Vì Thị Oanh - một phụ nữ dân tộc Thái 50 tuổi ở xã Chiềng Châu (Mai Châu). Chị chia sẻ, gần 30 năm nay vợ chồng sống cùng bố mẹ chồng và canh tác trên thửa đất được cấp Giấy chứng nhận mang tên bố chồng. Bố, mẹ chồng chị có năm người con đều đã lập gia đình và ở riêng. Theo phong tục của dân tộc Thái, người con nào ở và chăm sóc ông bà, cha mẹ, sẽ được thừa kế quyền sử dụng đất của ông bà, cha mẹ để lại mà không cần có di chúc. Song, gần đây, trong số các anh em có người muốn lấy một phần diện tích đất canh tác; bố, mẹ chồng chị không đồng ý, nhất quyết để lại mảnh đất này cho vợ chồng chị, dẫn đến những bất hòa không đáng có. Chị lo lắng, liệu sau này khi ông bà mất đi, vợ chồng chị có giữ được mảnh đất ông bà để lại hay không?

Với kiến thức tích lũy trong nhiều năm theo dõi lĩnh vực đất đai, tôi đã giải thích cho chị hiểu được chủ trương, đường lối và những quy định của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực đất đai; giải tỏa nỗi băn khoăn, thắc mắc của chị. Đồng thời động viên những người trong gia đình tuân thủ đúng những quy định về đất đai. Tôi đã phân tích cho bố, mẹ chồng chị Oanh thấy muốn giữ được phong tục tập quán, tránh được những bất hòa có thể xảy ra sau này, ông bà cần phải làm gì.

thumbnail_1.jpg
Giấy chứng nhận được cấp đã có tên của vợ chồng chị Oanh

Trước khi ra về, tôi tặng chị ấn phẩm “Dân tộc miền núi” của Báo TN&MT cùng những tờ rơi mà đoàn công tác biên soạn phục vụ tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số và không quên dặn dò: Chị hãy đọc những tài liệu này để nắm được các chính sách, quy định về đất đai.

Mới đây, tôi có dịp trở lại vùng đất này, tình cờ gặp lại chị, chị kể: “Sau buổi gặp nhà báo hôm ấy, bố, mẹ chồng tôi đã đi làm thủ tục sang tên sổ đỏ cho vợ chồng tôi. Kể từ đó, những mâu thuẫn bất hòa về đất đai trong gia đình đã được giải quyết. Vui hơn nữa là nhờ có sổ đỏ, gia đình tôi đã mạnh dạn đem thế chấp ngân hàng để vay vốn sản xuất, đến nay lợi nhuận thu về mỗi năm được gần 200 triệu”. Chị còn hân hoan khoe: “Trước đây, người dân nơi đây không để ý đến việc làm sổ đỏ, nhưng sau khi thấy nhà tôi làm, họ đã thấy được lợi ích của việc này và hầu hết làm theo”.

Câu chuyện của chị khiến tôi vui sướng, lâng lâng. Tôi không ngờ việc làm đơn giản đó đã thổi làn gió mới vào người dân nơi đây. Từ đó, tôi chú tâm hơn tới những bài viết dành cho đồng bào dân tộc vùng sâu, vùng xa. Tôi trau chuốt bài viết ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu; kỹ lưỡng lồng ghép vào một số hiện tượng, minh họa cụ thể phù hợp từng nội dung của pháp luật để đồng bào dễ nhìn thấy, dễ nghe, dễ tiếp thu, dễ nhớ và thực hiện theo.

Vì sao tôi chọn nghề báo?

Trả lời câu hỏi này, tôi “đi tìm thời gian đã mất” cách đây 11 năm, khi vừa tốt nghiệp đại học và có một quyết định duy nhất là “làm báo”. Căn nguyên của sự lựa chọn ấy là chứng kiến sự thành công của những nhà báo kỳ cựu và sự mới mẻ, sôi nổi, nhanh nhạy cũng như “quyền lực xã hội” của báo chí. Tôi háo hức chọn báo để khởi nghiệp… Thế nhưng, từ lựa chọn ban đầu đến việc đi đường dài không phải dễ dàng. Vất vả, đắng cay, mồ hôi, nước mắt - qua những thăng trầm, vẫn phải giữ “bút sáng - lòng trong - bản lĩnh - trí tuệ”.

“Nhà báo” trong bài văn của con gái tôi

Khi con gái tôi học lớp 3, con viết một đoạn văn kể về mẹ. Trong câu chữ của con, tôi cảm nhận được sự tự hào, ngưỡng mộ của cô bé 9 tuổi khi có mẹ là “nhà báo” với sứ mệnh cao cả: “Mẹ con viết nhiều bài báo hay để bảo vệ môi trường”. Nhưng khi đọc đến dòng: “Mẹ hay về muộn và hôm nào cũng thức khuya bên chiếc máy tính”, tôi chợt xót xa… Mải mê với công việc và quen với chế độ làm việc đặc biệt của nghề báo nên chúng tôi coi việc đó là tất yếu. Chỉ có những đứa trẻ muốn ôm mẹ ngủ mà mẹ vẫn miệt mài với bài vở, đợi mẹ mãi rồi thiếp đi lúc nào chẳng hay, mới thấy “nhà báo mẹ” có phần khác biệt!

unnamed-1-.jpg
Nhà báo Tống Minh phỏng vấn công nhân môi trường.

Nghề báo là nghề lao động bằng trí óc với công cụ là chữ nghĩa và hình ảnh. Khi thông tin được nhà báo tiếp nhận, bằng nhận thức và năng lực ngôn từ, sẽ đưa tới độc giả các tin/bài kịp thời, chính xác. Mỗi bài báo chứa đựng hàm lượng thông tin nhất định, theo dụng ý và mức độ hiểu biết của người viết, trong đó, có cả màu sắc cá nhân, như quan điểm, cách đánh giá, với bút pháp riêng, cách thể hiện riêng, khi nhẹ nhàng, thanh thoát, khi gân guốc, ồn ào, lúc thâm thúy, sâu cay…

Người làm báo chẳng khi nào gói gọn trong 8 tiếng công sở mà luôn phụ thuộc vào sự kiện, nhân vật. Bất kể ngày hay đêm, khi có sự kiện là tác nghiệp, dẫu hiểm nguy, bất trắc. Rủi ro luôn thường trực, nhưng trách nhiệm với nghề, với xã hội là sợi dây níu chân những “người chiến sĩ” trên mặt trận văn hóa, tư tưởng gắn bó với công việc không dễ dàng này.

Có lẽ cảm hiểu nhọc nhằn khi canh tác trên cánh đồng của ngôn ngữ báo chí mà nhiều đồng nghiệp của chúng tôi không muốn con mình “nối nghiệp”. Cũng như tôi, chùng lòng lại khi đọc nốt dòng văn của con gái: “Con muốn sau này sẽ trở thành nhà báo như mẹ!”.

Đã mang lấy nghiệp vào thân

Sự ái ngại của tôi với mong muốn của con gái không chỉ vì sự đặc thù của nghề mà còn bởi định kiến của xã hội. Nếu như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên… dễ dàng nhận được thiện cảm, sự trân trọng của mọi người thì chúng tôi, đi tới đâu, giới thiệu là nhà báo, phóng viên, đa phần nhận lại sự dè chừng, cảnh giác. Và một lần nữa, chúng tôi lại phải “chứng minh” bản thân mình để nhận được lòng tin. Sự tin tưởng là tấm vé thông hành để nhà báo có thể tác nghiệp dễ dàng. Muốn như vậy, phóng viên, biên tập viên cần có động cơ trong sáng khi làm việc, lấy sự chân thành để đối đãi và nền tảng văn hóa trong cốt cách.

Cho đến giờ, thú thực, tôi không dám nhận định mình chọn nghề báo là sai hay đúng! Chỉ thấy rằng, làm báo, vất vả nhiều, gian truân lắm, nhưng đổi lại, chúng tôi trưởng thành hơn, dày dạn hơn, sắc sảo hơn, thực tế hơn. Như tôi, nếu không làm báo, có lẽ sẽ là một cô giáo dạy Văn đang say sưa với những câu chuyện trong sách vở, mà cuộc sống thực thì vốn dĩ không phải màu hồng!

Sự tỉnh thức của nghề báo, những trải nghiệm trong nghề đã dạy chúng tôi vững vàng hơn. Dần dà, khi có sự tích lũy tương đối về kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, mỗi phóng viên định hình phong cách riêng, dấu ấn riêng, uy tín cá nhân riêng. “Đừng nghĩ đến tờ báo lớn hay nhỏ, hãy nghĩ làm sao để mình là cây bút lớn hay nhỏ, ở chính năng lực và phẩm cách của mình” - một người thầy của tôi từng nói, khi tôi trả lời rằng, sau khi tốt nghiệp, tôi về công tác tại một báo ngành.

Tôi luôn nghĩ mình là người đi sau, luôn thấy mình cần học hỏi. Tôi học ở đồng nghiệp đi trước kỹ năng viết bài, sau này là kỹ năng làm báo hình; học ở các nhà quản lý, các nhà khoa học mỗi lần được đi đưa tin. Tôi luôn háo hức tiếp nhận kiến thức mới, bởi luôn mang tâm thế “mình là người đi học”. Mỗi cuộc họp, hội thảo, diễn đàn là mỗi buổi học mà tôi nguyện là học trò.

Cũng như nhiều đồng nghiệp, chúng tôi làm đầy thêm kinh nghiệm sống của mình bằng những chuyến đi. Đi để thấy sự hy sinh thầm lặng của những cán bộ khí tượng thủy văn quanh năm làm bạn với mây trời ở vùng Tây Bắc; đi để thấy rác là vấn nạn môi trường nhưng cũng là “miếng bánh” không dễ chia; đi để thấy từng tấc đất ngoài đảo xa cũng “lên cơn sốt”…

Có những trở trăn khi sự thật được khám phá. Có những xúc động rưng rưng trước những cảnh, những người bình dị mà dũng cảm. Có những cảm xúc thật khó gọi thành tên, như khi theo người cán bộ thủy văn đi obs đêm trên biển, chân dẫm lên đá sắc nhọn, buốt giá, gió lộng thổi, biển ầm ào tối đen như mực, chỉ có ánh đèn pin le lói hắt lên… vừa rợn ngợp, vừa cố hít căng lồng ngực để tự nhủ mình mạnh mẽ… Đã mang lấy nghiệp vào thân thì phải làm cho tròn bổn phận của mình, làm cho tốt công việc của mình.

***

Giờ đây, con gái tôi đã thay đổi ý định làm nhà báo, con kể ước mơ của con là trở thành cô giáo dạy tiếng Anh. Còn tôi và nhiều đồng nghiệp dẫu vất vả, khó khăn, vẫn đang hết mình, dấn thân, sáng tạo. Tôi tự nhủ lòng, trong hoàn cảnh nào, vẫn cố gắng giữ “mắt sáng - lòng trong - bút sắc”, không chỉ cho riêng cá nhân, mà còn vì muốn con tôi tự hào khi có mẹ là nhà báo!.

Tự hào là phóng viên của Báo

Lĩnh vực TN&MT nói chung, lĩnh vực đất đai nói riêng có phạm vi ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế - xã hội, nhất là liên quan trực tiếp đến người dân. Vì vậy, những phóng viên viết về lĩnh vực TN&MT như tôi luôn phải cố gắng nắm vững các quy định pháp luật để có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh.

Trong những năm qua, công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả, đóng góp vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội ngày càng to lớn của đất nước. Tuy nhiên, tại một số địa phương, việc quản lý, sử dụng đất đai còn nhiều bất cập, xảy ra các sai phạm, vi phạm, phát sinh nhiều mâu thuẫn, tranh chấp… Vì vậy, việc nắm vững các quy định của Luật Đất đai hiện hành và các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn liên quan đã giúp cho tôi nhận định đúng bản chất vụ việc, từ đó có những bài báo chính xác, không quy chụp.

z3349021722514_ca8b36c85d45bab023e0a34d874840dd.jpg

Nhà báo Nguyễn Thanh Quỳnh trong một lần tác nghiệp tại huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận.

Không những vậy, việc nắm vững các quy định của pháp luật đất đai còn giúp tôi được cống hiến nhiều hơn nữa. Năm 2020, tiếp một người dân huyện Hóc Môn (TP.HCM) gửi đơn khiếu nại về việc gia đình bà xin cấp “sổ đỏ” cho thửa đất nông nghiệp nhưng không được cơ quan chức năng giải quyết. Trong lúc trao đổi, bà luôn khẳng định cán bộ giải quyết hồ sơ làm sai, vì mảnh đất này gia đình bà nhận chuyển nhượng từ năm 2002.

Tuy nhiên, khi kiểm tra cẩn thận hồ sơ bà cung cấp, tôi phát hiện trên thửa đất nông nghiệp này tồn tại một căn nhà đã được xây dựng từ thời điểm nhận chuyển nhượng. Tôi đã giải thích cặn kẽ, trưng ra cho bà những quy định của Luật Đất đai rằng việc xây dựng công trình nhà ở trên đất nông nghiệp là vi phạm và sẽ không được cấp sổ đỏ cho mảnh đất ấy. Trong trường hợp này, cơ quan chức năng không sai nhưng do họ trả lời, giải thích không rõ ràng nên mới gây bức xúc cho người dân. Sau khi được giải thích cặn kẽ, bà đã về cho tháo dỡ công trình xây dựng và tiến hành làm thủ tục để xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Một thời gian sau, bà gọi điện cho tôi, rất vui vẻ nói rằng mảnh đất ấy đã được cấp “sổ đỏ” và bà đã dùng để thế chấp ngân hàng vay vốn đầu tư trồng hoa lan trên mảnh đất ấy.

Không chỉ với trường hợp trên, thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được những cuộc điện thoại của những người dân chưa quen biết hỏi về những trường hợp rất cụ thể trong việc sử dụng đất đai như: tách thửa, chuyển mục đích sử dụng đất, đền bù, tái định cư…

Có người dân còn chào tôi là “cán bộ”, tôi giải thích rằng mình chỉ là phóng viên của Báo TN&MT, không phải là người có trách nhiệm giải quyết hồ sơ nhưng sẵn sàng tư vấn, giải đáp tận tình cho họ. Trân trọng trước sự tin tưởng ấy, với những nội dung đã nắm rõ, tôi đều hướng dẫn, giải thích chi tiết ngay cho người dân, còn đối với những vấn đề chưa chắc chắn, tôi sẽ tìm hiểu lại các quy định của pháp luật và trả lời cho họ ngay khi có thể.

Với sứ mệnh cao cả của một người cầm bút, tôi luôn tự hào mình là phóng viên của Báo TN&MT, là một viên chức của ngành TN&MT sẵn sàng được cống hiến trong mọi hoàn cảnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chúng tôi nói về chúng tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO