Chúng tôi khát vọng đồng hành với nông dân vì nông sản Việt

27/04/2017 00:00

(TN&MT) - Hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ nông hộ, tư vấn nâng cao chất lượng nông sản, bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, những gương mặt nông dân thành...

(TN&MT) - Hàng trăm tỷ đồng hỗ trợ nông hộ, tư vấn nâng cao chất lượng nông sản, bao tiêu sản phẩm với giá cả ổn định, những gương mặt nông dân thành công…, đó là dấu ấn của Chương trình Đồng hành cùng hộ sản xuất của Vingroup. Lâm Đồng là một trong những địa phương quan trọng trong chương trình liên kết này với những kết quả hợp tác nổi bật. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty VinEco về hiện thực và tương lai của mối hợp tác. 
 
PV: Chương trình Đồng hành cùng hộ sản xuất của Vingroup được sự ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng, là cầu nối giữa nông dân và thị trường. Bà có thể cho biết những kết quả ban đầu của chương trình? 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Cho tới thời điểm hiện tại, chương trình đã thu hút được hơn 2.000 đơn đăng ký tham gia, gần 1.400 đơn vị đã được đánh giá, ký hợp đồng với 500 hộ sản xuất, trong đó, 300 hộ sản xuất (HSX) đã cho sản phẩm lên kệ của hệ thống phân phối Vinmart, Vinmart+ của Tập đoàn Vingroup. 
 
VinEco đồng hành với các hộ nông dân để sản phẩm của các HSX liên kết đang ngày càng hoàn thiện hơn, không những đạt yêu cầu về quy trình sản xuất sạch, kết quả test mẫu không có dư lượng mà còn đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn sản phẩm, tiêu chuẩn về quy cách đóng gói. 
 
Sản phẩm được dán tem QR code để người tiêu dùng tra cứu nguồn gốc sản phẩm.
 
PV: Xin bà cho biết, những khó khăn và thuận lợi chính của Vingroup khi triển khai chương trình? 
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Ở mỗi vùng miền, khó khăn cũng có mỗi khác nhau, đặc biệt giai đoạn đầu triển khai khi bà con nông dân chưa hiểu rõ chương trình, còn nhiều bỡ ngỡ khi phải đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe. Ví dụ như với vùng rau Lâm Đồng, cơ chế kiểm soát và phương pháp kiểm soát tại vườn, kiểm soát quy trình sản xuất cũng như đội bảo vệ chọn mẫu giám sát thời điểm từ lúc thu hoạch đến lúc giao hàng cho VinEco lúc đầu cũng làm cho nông dân hơi căng thẳng.
 
Hoặc với nông dân trái cây miền Tây thì không muốn thay đổi thói quen “giao hàng tại vườn”; chỉ muốn bán hàng “xô”; muốn bán hàng “có tiền ngay”, giá thấp một chút cũng được; nông dân trồng trọt theo kế hoạch của cá nhân chứ không theo kế hoạch rải vụ, vì thế sản phẩm cùng bị “rộ” hoặc bị “đứt” hàng.
 
Tuy nhiên, khi đã hiểu và xây dựng được niềm tin thì bà con nông dân rất ủng hộ đồng tình và hưởng ứng cơ chế Hỗ trợ thu mua và thưởng cho các HSX ưu tú. 
 
PV: Lâm Đồng là địa phương được đánh giá là vựa rau cả nước. Bà có thể cho biết, Vingroup đang đồng hành cùng khoảng bao nhiêu hộ sản xuất ở Lâm Đồng? Với khu vực này, tập đoàn có ưu tiên hỗ trợ gì hơn so với các khu vực khác hay không?
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Vùng Lâm Đồng là một trong những tỉnh có nhiều nông dân trồng rau giỏi; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; VinEco đang hợp tác với 120 HTX, HSX, cung cấp gần 90 sản phẩm rau và 4 sản phẩm trái cây. Chúng tôi đang tiếp tục tìm kiếm các HSX để tiến hành hợp tác trong thời gian tới và có kế hoạch hỗ trợ kinh phí để nông dân cải thiện cơ sở đồng ruộng, phù hợp với tiêu chuẩn của VinEco.
 
PV: Do Lâm Đồng tương đối xa các khu vực trung tâm, VinEco có biện pháp và phương pháp gì để bảo vệ chất lượng sản phẩm trong quá trình vận chuyển? Nếu vậy, các sản phẩm rau, củ Đà Lạt có bị tính tăng giá thành hơn so với các khu vực khác? 
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Lâm Đồng từ lâu đã là vùng rau lớn của Việt Nam, đã có thương hiệu và sản phẩm vẫn được nông dân chuyển đi cung cấp cho người tiêu dùng toàn quốc. Tiếp nối kinh nghiệm này, VinEco thực hiện các giải pháp vận chuyển để đảm bảo chất lượng sản phẩm đến nơi tiêu thụ. Trong đó, VinEco ký hợp đồng với SGW và sử dụng hệ thống xe lạnh, có gắn hộp đen theo dõi nhiệt độ toàn trình để đảm bảo điều kiện ổn định nhất cho nông sản.
 
Sản lượng rau, quả Lâm Đồng, bao gồm từ 3 Farm của VinEco và các HSX tham gia chương trình, đạt mức 40-50 tấn/ngày, góp phần tối ưu hóa chi phí vận chuyển với đội xe chuyên dụng, tuyến đường cố định và kích thước sọt hợp lý.
Rau thủy canh tại HSX Đà Lạt. Ảnh: D.Q
Rau thủy canh tại HSX Đà Lạt. Ảnh: D.Q
 
PV: Rau, củ quả của VinEco ngày càng nhiều hơn trên thị trường, VinEco làm thế nào để kiểm soát chất lượng và nguồn gốc nông sản, bà có thể chia sẻ với độc giả về cách đơn vị đem sản phẩm sạch tới tận tay người tiêu dùng? 
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Sản phẩm nông sản của VinEco đến từ 2 nguồn chính: Các Farm của VinEco và các HSX liên kết đăng ký theo chương trình Đồng Hành - Hỗ Trợ - Thúc Đẩy sản xuất nông nghiệp Việt.
 
Với các Farm của VinEco, 100% các sản phẩm trước khi ra thị trường đều được kiểm tra và chứng nhận VietGAP, cùng với việc kiểm soát nghiêm ngặt, đồng bộ về quy định phân bón, thuốc BVTV, hệ thống bồn pha phân nối với hệ thống tưới, chúng tôi đảm bảo sự đồng bộ trong kiểm soát sản xuất và sản phẩm cũng được lấy mẫu, kiểm tra phân tích định kỳ.
 
 Với các HSX tham gia chương trình, sau khi được đánh giá lần đầu và đạt các tiêu chí bắt buộc về an toàn, bao gồm cả kết quả tets mẫu sản phẩm đạt yêu cầu, VinEco sử dụng ngân sách 50 tỷ đồng dành cho kiểm soát, và thiết lập 3 tầng kiểm soát với HSX như sau:
 
Đội Giám sát nguồn hàng - có mặt hàng ngày cùng bà con nông dân, đặc biệt các vườn cận ngày và đang thu hoạch để đảm bảo nguồn gốc lô hàng và không có các hoạt động phun thuốc cận ngày hoặc trong giai đoạn thu hoạch - gây ảnh hưởng đến an toàn của sản phẩm.
 
Đội Kiểm soát viên - đi kiểm tra vườn và hồ sơ ghi chép, quy trình sản xuất… của HSX theo chu kỳ để đảm bảo HSX hiểu và làm đúng từ gốc. Chúng tôi cũng tiến hành lấy mẫu tại vườn, phân tích dư lượng thuốc BVTV để thẩm định quy trình và độ tin cậy của việc ghi chép nhật ký sử dụng thuốc BVTV.
 
Đội qui chuẩn tại các điểm nhận hàng- sẽ kiểm tra hồ sơ thu hoạch từ vườn chuyển lên, chất lượng bên ngoài của sản phẩm, và test nhanh dư lượng thuốc BVTV ngẫu nhiên theo tần suất quy định hoặc test bất thường nếu có các dấu hiệu khả nghi.
 
Cuối cùng, tại đầu bán hàng sẽ lấy mẫu kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm trên kệ về các chỉ tiêu ATTP.
 
Song song với việc kiểm soát, VinEco thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo với các HSX để trao đổi chi tiết về các kết quả kiểm soát, phân tích mẫu, các ưu điểm cần duy trì và các điểm cần tiếp tục nỗ lực cải tiến. Chương trình cũng có gói hỗ trợ để bà con có thể đăng ký các hỗ trợ về thiết bị, kỹ thuật hoặc nhà màng, nhà lưới, vật tư bao trái… nhằm tăng cường khả năng ngăn ngừa sâu bệnh, giảm thuốc BVTV mà vẫn đảm bảo chất lượng nông sản đầu ra. Hiện, mỗi HSX được vay không lãi số tiền không quá 300 triệu đồng để cải thiện điều kiện sản xuất.
 
PV: Nhiều HSX bày tỏ cảm xúc tự hào khi được cùng Vingroup lan tỏa tinh thần sản xuất sạch, nhưng cũng còn lo lắng về sự lâu dài của Chương trình đồng hành, bà có thể cho biết những hoạt động của Chương trình Đồng hành trong thời gian tới cũng như cam kết đồng hành của Tập đoàn? 
 
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Trong thời gian tới, song song với việc tiếp tục tìm kiếm, phát triển các hộ sản xuất đáp ứng được tiêu chí của chương trình để mở rộng về số lượng thì dự án cũng sẽ tập trung đẩy mạnh công tác hỗ trợ về kỹ thuật - công nghệ cũng như hỗ trợ về tài chính theo tiêu chí của chương trình để các hộ sản xuất có thể tiếp cận được những kiến thức mới, tiến bộ kỹ thuật mới và ứng dụng được trên đồng ruộng đang canh tác của mình. 
 
Chúng tôi cũng tập trung phát triển, mở rộng qui mô kênh phân phối qua hệ thống Vinmart, Vinmart+ cũng như tìm kiếm các cơ hội đưa được nông sản của bà con ra thị trường quốc tế. Việc này sẽ giúp tăng cao sản lượng tiêu thụ cho các hộ sản xuất đang đồng hành cùng VinEco.
 
Có thể nói khi nào người tiêu dùng còn cần đến nông sản sạch thì VinEco - Vingroup còn đồng hành với bà con để sản xuất và cung cấp những sản phẩm an toàn với chất lượng ngày càng tốt hơn. 
 
Anh Trần Thiện Thanh - HTX Thiện Thanh, Lâm Đồng: Chúng tôi như rớt xuống sông mà có phao cứu hộ
 
VinEco là nơi khai sáng sản xuất sạch tới chúng tôi. Trước đó, nông dân sản xuất theo thói quen trôi nổi, không kiểm soát. Không có đối tác để tiêu thụ, thương lái thu mua với mức giá biến động. Nếu không có VinEco thì không có chúng tôi ngày hôm nay. VinEco làm việc có tổ chức, theo khuôn khổ, trồng cây có kế hoạch, người dân được bao tiêu nông sản với mức giá luôn tốt và ổn định so với thị trường. Chúng tôi được đi tập huấn về sản xuất nông sản sạch theo tiêu chuẩn GAP. Tất cả những điều đó làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân và cả lợi ích mình. Từ đó, chúng tôi đã thay đổi thói quen sản xuất tự do, tuân thủ các quy định về thuốc bảo vệ thực vật và ghi lại nhật ký sử dụng. Hiện tại, HTX đang có 23/33 sản phẩm nông sản cung cấp cho VinEco. Ngoài ra, số lượng các hộ nông dân có nhu cầu tham gia là rất lớn.
 
Chị Lê Thị Hòa - Định An (Đức Trọng): Hy vọng chương trình sẽ lan rộng để nông dân có cơ hội làm giàu 
 
Trước đây, sản phẩm nông nghiệp làm ra, thường phải phân thành nhiều loại để mang bán hàng chợ, sau đó lại phải tự tìm đầu ra, rất mệt cho gia đình. Từ khi liên kết với VinEco, chúng tôi không còn phải thấp thỏm cho vấn đề này, họ đảm bảo cho người trồng có được sự toàn tâm toàn ý để chăm sóc cho cây trồng, đảm bảo được các tiêu chí về sạch, an toàn và chất lượng. Liên kết với VinEco thực sự là chìa khóa mang đến sự ổn định và phát triển cho những người làm nông như chúng tôi. Hy vọng trong thời gian tới, chương trình của VinEco sẽ mở rộng hơn nữa, để giúp cho những người nông dân nghèo tại đây có cơ hội để làm giàu từ chính ruộng vườn của mình”.
 
Chuyên gia, GS, TS Nguyễn Quang Thạch - Chủ tịch Hội Sinh lí thực vật Việt Nam: Nông dân Việt Nam có thể làm nông nghiệp công nghệ cao không thua kém gì Israel
 
Nhiều năm qua, chúng ta đã sản xuất đảm bảo an ninh lương thực nhưng nguồn thu ngoại tệ không được bao nhiêu, trong khi thế giới đã phát triển và thu được rất nhiều từ rau, quả. Điều này đòi hỏi chúng ta phải chú trọng, tập trung sản xuất nông nghiệp áp dụng các công nghệ cao. Một điểm đáng mừng là năm qua Việt Nam đã xuất khẩu được 2,6 tỷ USD rau, quả. 
 
Lâm Đồng là địa phương có điều kiện khí hậu tốt nhất cả nước có thể trồng rau quanh năm. Hiện bà con đã từng bước áp dụng công nghệ mới vào sản xuất khiến năng suất tăng lên đáng kể, từ 86 triệu đồng/ha/năm tăng lên 130 triệu/đồng/ha/năm. Trong đó, không ít hộ sản xuất rau, quả ở Lâm Đồng đã thu 1-3 tỷ đồng/ha/năm. Công nghệ trồng rau thủy canh là một hướng đi đầy tiềm năng khi cho năng suất cao, chất lượng đảm bảo và an toàn, đảm bảo kế hoạch hóa sản xuất nông nghiệp. 
 
Dù còn những khó khăn, nhất là vốn đầu tư lớn nhưng với sự đồng hành của những doanh nghiệp như VinEco có thể vừa hỗ trợ hộ sản xuất tiếp tục cải tiến chất lượng theo phương pháp truyền thống, vừa giúp họ tiếp cận với các công nghệ hiện đại. Hiện những công nghệ như của Israel nông dân Việt Nam hoàn toàn có thể áp dụng vào điều kiện thực tế mà không thua kém gì họ.

PV

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chúng tôi khát vọng đồng hành với nông dân vì nông sản Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO