Chung tay giải quyết tác động của kỹ thuật số đến môi trường

Mai Đan - Tổng hợp từ phys.org| 25/08/2022 09:14

(TN&MT) - Lựa chọn các cuộc họp, mua sắm trực tuyến và thậm chí các lớp tập thể dục trực tuyến có thể giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính bằng cách giảm ô nhiễm liên quan đến giao thông, tuy nhiên, cuộc sống kỹ thuật số cũng gây tác động lớn đến môi trường một cách đáng ngạc nhiên.

Đó là phát hiện của nhà nghiên cứu, Tiến sĩ Jessica McLean - Giảng viên cao cấp về Địa lý Nhân văn tại Trường Khoa học Xã hội của Đại học Macquarie McLean ở Sydney, Úc phối hợp thực hiện với Tiến sĩ Sophia Maalsen (Đại học Sydney) và Tiến sĩ Lisa Lake (Đại học Công nghệ, Sydney - UTS Úc).

Cùng với việc phát thải khí nhà kính do việc sử dụng các thiết bị điện tử tiêu hao nhiều năng lượng như máy tính cá nhân, các thiết bị liên lạc và lưu trữ dữ liệu... tác động này cũng bao gồm việc sử dụng nước và các ảnh hưởng tới môi trường đất từ việc khai thác, xây dựng và gây tổn hại tới các nguồn kim loại và vật liệu khác dùng để xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu.

Hoạt động kỹ thuật số tác động lớn đến môi trường

Nhiều nhà nghiên cứu đã cố gắng tính toán “dấu chân carbon” (tổng lượng phát thải khí nhà kính đến từ quá trình sản xuất, sử dụng và cuối vòng đời của một sản phẩm hoặc dịch vụ) riêng lẻ của các công nghệ khác nhau và những công nghệ này thường tập trung vào năng lượng được sử dụng bởi máy chủ, wifi gia đình và máy tính, thậm chí một phần nhỏ carbon thải ra trong xây dựng các tòa trung tâm dữ liệu.

anh-1-ky-thuat-so.jpg

Cuộc sống kỹ thuật số gây tác động lớn đến môi trường một cách đáng ngạc nhiên

Một trong những hoạt động kỹ thuật số gây hiệu ứng nhà kính nhất là cuộc gọi video. Theo nghiên cứu gần đây của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Đại học Purdue và Đại học Yale ở Mỹ, chỉ một giờ họp trực tuyến có thể thải ra tới 1 kg CO2, cần tới 12 lít nước và diện tích đất có kích thước xấp xỉ kích thước của một chiếc iPad Mini, nhưng nếu không sử dụng hình thức trực tuyến này, lượng khí thải sẽ giảm hơn 98%.

Ngoài ra, sử dụng email cũng gây hiệu ứng nhà kính. Theo tính toán, một email ngắn được gửi từ điện thoại đến điện thoại qua Wi-Fi sẽ thải ra 0,3g CO2, một email ngắn được gửi từ máy tính xách tay sang máy tính xách tay thải ra 17g CO2 và một email dài với tệp đính kèm được gửi từ máy tính xách tay có thể tạo ra 50g CO2.

Lưu trữ kỹ thuật số cũng có thể gây hiệu ứng nhà kính. Cụ thể, việc truyền dữ liệu và lưu trữ hàng nghìn tệp ảnh, âm thanh và video, tin nhắn, email và tài liệu trong một trung tâm dữ liệu trung bình của Mỹ thải ra khoảng 0,2 tấn CO2 mỗi năm cho mỗi 100 gigabyte dung lượng lưu trữ.

Phát trực tuyến với độ nét cao không nằm ngoài hoạt động kỹ thuật số gây hiệu ứng nhà kính. Chỉ một giờ phát trực tuyến HD mỗi ngày thải ra 160kg CO2 mỗi năm, nhưng nếu chuyển sang chất lượng video ở độ nét tiêu chuẩn thì con số đó giảm xuống còn khoảng 8kg CO2 mỗi năm.

Sử dụng siêu máy tính cũng gây hiệu ứng nhà kính. Mỗi nhà thiên văn học Úc tạo ra 15 kiloton CO2 mỗi năm từ việc sử dụng siêu máy tính - nhiều hơn tổng lượng khí thải từ các đài quan sát đang hoạt động cộng với việc thực hiện các chuyến bay quốc tế và cung cấp năng lượng cho các tòa nhà văn phòng. Tuy nhiên, các nhà thiên văn học Hà Lan chỉ tạo ra khoảng 4% lượng khí thải này vì siêu máy tính tại quốc gia Hà Lan sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Một hoạt động kỹ thuật số khác gây hiệu ứng nhà kính là trí tuệ nhân tạo (AI). Đào tạo một mô hình AI lớn thải ra lượng carbon gấp 315 lần so với một chuyến bay vòng quanh thế giới.

Chính phủ và tập đoàn kỹ thuật số vào cuộc

Việc giải mã các tác động lớn ngày càng tăng của cuộc sống kỹ thuật số đến môi trường có thể gặp nhiều khó khăn. Theo bà McLean, có rất nhiều tác động cần được xem xét và nhiều trong số đó sẽ thay đổi tùy thuộc vào những yếu tố như việc sử dụng năng lượng tái tạo đang được một số tập đoàn kỹ thuật số và nhiều cá nhân áp dụng.

Điều này làm rõ sự phức tạp của thách thức, cho thấy sự hiểu biết và giải quyết tính bền vững kỹ thuật số vượt ra ngoài trách nhiệm cá nhân và cần các chính phủ và tập đoàn giải quyết phù hợp hơn. Bà McLean cho rằng, chính phủ cần có trách nhiệm điều chỉnh sự minh bạch hơn về cách các tập đoàn kỹ thuật số sử dụng năng lượng và yêu cầu họ báo cáo thường xuyên về các mục tiêu bền vững.

“Đã đến lúc phải đặt câu hỏi liệu kỹ thuật số có phải là giải pháp bền vững nhất hay không. Có nhiều lựa chọn thay thế cho cách chúng ta sống bằng kỹ thuật số, từ việc đưa ra quyết định về điều gì là đủ tốt đến việc thay đổi toàn bộ vòng đời kỹ thuật số và cách điều chỉnh”, TS. McLean nhấn mạnh.

Bà cũng cho rằng, không thể mong đợi các cá nhân giải quyết những vấn đề này, các chính phủ cần phải điều chỉnh và các tập đoàn cần phải hành động để thay đổi tương lai kỹ thuật số và làm cho nó bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay giải quyết tác động của kỹ thuật số đến môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO