Chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên nước

Lê Hùng| 01/01/2021 14:23

(TN&MT) - Là vùng chuyên sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, nguồn tài nguyên nước có vai trò rất quan trọng, là động lực chính cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của vùng ĐBSCL, đảm bảo an ninh lương thực của quốc gia.

Nằm ở hạ lưu sông Mekong, vùng ĐBSCL với hệ thống sông, kênh rạch chằng chịt được đánh giá là nơi có lượng nước ngọt dồi dào nhất so với các vùng khác trong cả nước. Thế nhưng, trong khoảng năm năm trở lại đây tác động từ biến đổi khí hậu (BĐKH); ngăn dòng Mekong làm thủy điện; khai thác, sử dụng không hợp lý khiến cho vùng ĐBSCL thường xuyên đối diện với tình trạng thiếu nước ngọt, nhất là vào thời điểm mùa khô hàng năm, gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương.

Nguồn tài nguyên nước mặt sông Hậu có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL

Theo PGS. TS. Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Biến đổi Khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ, một trong những nguyên nhân làm cho vùng ĐBSCL, nơi được mệnh danh là đồng bằng sông nước lâm vào tình trạng thiếu nước ngọt là do hàng loạt đập thủy điện được xây dựng ở phía thượng nguồn sông Mekong cùng với tác động từ BĐKH làm cho lưu lượng nước đổ về vùng hạ lưu giảm mạnh và không đều như trước, gây thiếu nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Hiện nay, chất lượng nguồn nước mặt ở các sông, rạch thuộc vùng ĐBSCL đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do phát triển đô thị, KCN, CCN, chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp. Theo kết quả quan trắc môi trường hàng năm của các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cho thấy, nguồn nước mặt ở hầu hết các tuyến sông, rạch đang bị ô nhiễm, các thông số như: COD, Coliform… vượt nhiều lần so với quy chuẩn QCVN 08-MT: 2015/BTNMT.

Vấn đề khai thác nước dưới đất tự phát cũng đang góp phần làm cho nguồn nước vùng ĐBSCL bị suy kiệt. Vào các tháng mùa khô hàng năm, nguồn nước mặt trên các sông, kênh, rạch cạn kiệt, nhiễm mặn, người dân chuyển sang khai thác nước dưới đất để phụ vụ sinh hoạt, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản đã làm cho tầng nước mặt bị hạ thấp theo từng năm, chất lượng nguồn nước bị suy giảm vì nhiều giếng khoan hư hỏng chưa được trám lấp.

Theo các chuyên gia, nhà khoa học, để bảo vệ nguồn tài nguyên nước tại vùng ĐBSCL thì điều đầu tiên phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của con người. Bởi vì khi con người hiểu sâu sắc về vai trò của nguồn nước đối với sự tồn vong của vùng ĐBSCL thì họ sẽ có những hành vi phù hợp để sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả trong sinh hoạt, sản xuất, góp phần chung tay giữ gìn, bảo vệ nguồn nước.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho rằng, để chủ động bảo vệ nguồn nước bảo đảm sinh hoạt, sản xuất cho người dân, nhất là vào thời điểm mùa khô hàng năm, UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo các Sở, ngành và địa phương triển khai kế hoạch, chương trình cụ thể theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH; Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh Hậu Giang.

PGS. TS. Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu - Trường Đại học Cần Thơ cho rằng, để vùng ĐBSCL không lâm vào cảnh thiếu nước ngọt, các địa phương vùng ĐBSCL cần nghiên cứu một cách chi tiết các kịch bản về nhu cầu sử dụng nước ngọt và kiểm soát được nhu cầu sử dụng nước ngọt của các tiểu vùng; chuyển đổi một số vùng canh tác nước ngọt sang nước lợ, mặn; gia tăng tích lũy nước lũ, nước mưa để giảm các rủi ro thiếu nước; đồng thời, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL liên kết chặt chẽ với nhau để quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chung tay bảo vệ nguồn tài nguyên nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO