Đã có hơn 60 báo cáo tham luận của các Bộ, ngành, địa phương, hàng trăm báo cáo, công trình nghiên cứu khoa học được gửi tới Hội nghị.
![]() |
Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Hoàng Minh |
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang khẳng định, Hội nghị đã quy tụ được trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà đầu tư, các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng dân cư đối với các vấn đề đặt ra của công tác bảo vệ môi trường nước ta trong thời gian tới. Trên cơ sở định hướng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt ra, Hội nghị đã thống nhất một bản Thông cáo chung.
Theo đó, Hội nghị thống nhất cho rằng, trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường nước ta đã có những thành tựu đáng khích lệ. Tuy nhiên, vẫn còn tư tưởng coi nhẹ, thậm chí bỏ qua lợi ích về môi trường trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng môi trường tuy đã được cải thiện nhưng vẫn chậm; môi trường ở một số nơi vẫn tiếp tục bị ô nhiễm, đặc biệt tại các lưu vực sông, khu công nghiệp, nông thôn và làng nghề. Cơ chế, chính sách thúc đẩy và khuyến khích các hoạt động phát triển thị trường công nghệ môi trường, ngành công nghiệp môi trường chưa đầy đủ…
Vì vậy, trong thời gian tới, Hội nghị nhất trí đề xuất phải có hệ thống các giải pháp đồng bộ, toàn diện và khả thi, từ các biện pháp nâng cao nhận thức, quan điểm, tầm nhìn đến việc đến việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Cần sớm có chủ trương tăng biên chế cán bộ quản lý môi trường cấp quận/huyện, biên chế cán bộ quản lý môi trường chuyên trách ở cấp phường/xã; sớm tăng tỷ lệ % ngân sách cho BVMT và điều chỉnh lại cơ sở phân phối, sử dụng để bảo đảm có hiệu quả nhất, cố gắng đến năm 2017, tỷ lệ dành cho sự nghiệp môi trường bảo đảm ở mức 2% tổng chi ngân sách; sớm hình thành mục chi đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường. Thường xuyên coi trọng công tác thanh tra và kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng công tác thanh tra môi trường ở Trung ương và địa phương.
Sớm hình thành hệ thống quan trắc môi trường quốc gia, đáp ứng các yêu cầu thống nhất, toàn diện, chính xác, cập nhật để theo dõi, đánh giá đúng mọi diễn biến môi trường, phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về môi trường. Tiếp tục hoàn thiện các công cụ trong dự báo, phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm; sớm triển khai xây dựng và tổ chức thực hiện các quy định về bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại về môi trường và trích lập quỹ dự phòng rủi ro đối với các loại hình sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm, sự cố môi trường. Tăng cường thanh kiểm tra và nâng cao nhận thức là hai nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và ngày càng cần đổi mới để nâng chất lượng hiệu quả.
Từng bước hình thành và phát triển văn hóa môi trường; tiếp tục suy nghĩ, đổi mới nội dung và phương pháp tuyên truyền về bảo vệ môi trường, để mọi người ý thức được rõ ràng là bảo vệ môi trường chính là tự bảo vệ mình…
Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV một lần nữa thể hiện tiếng nói chung của tất cả các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng cùng cam kết và thống nhất hành động triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về bảo vệ môi trường trong thời gian tới, phấn đấu đạt được các chỉ tiêu về môi trường mà Quốc hội đã đặt trong 5 năm, góp phần ngăn chặn có hiệu quả tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Mai Chi