Công tác tín ngưỡng tôn giáo

Chuẩn hóa lễ hội truyền thống

Khánh An 16:27 19/10/2023

(TN&MT) - Được xem là bảo tàng “sống” về văn hoá của các dân tộc đã được lưu truyền qua nhiều thế kỷ, lễ hội truyền thống đang đứng trước nhiều nguy cơ bởi tác động của xu thế hội nhập, “thương mại hóa”, “nhất thể hóa”, “đơn điệu hóa”… Trong bối cảnh đó, Bộ tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống (Bộ tiêu chí) được ban hành có ý nghĩa quan trọng, không chỉ hài hòa giữa yếu tố bảo tồn và phát triển, mà còn đảm bảo sự sống còn của những giá trị văn hóa truyền thống.

anh-1-as.jpg
Lễ hội truyền thống phải đảm bảo các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa. Ảnh: Anh Sơn

Cụ thể các tiêu chí

Theo Quyết định 2068/QĐ-BVHTTDL của Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các lễ hội truyền thống phải đảm bảo 09 tiêu chí cụ thể, bao gồm: Tiêu chí quản lý, tổ chức; Tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị; Tiêu chí về đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự xã hội; Tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường; Tiêu chí về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, vui chơi giải trí; Tiêu chí về tổ chức các hoạt động dịch vụ; Tiêu chí về ứng xử văn hóa khi tham gia hoạt động lễ hội; Tiêu chí về công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh tại di tích, lễ hội và Tiêu chí về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong lễ hội.

Bộ tiêu chí nhằm chuẩn hóa việc xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống, đồng thời là công cụ, là thước đo đánh giá năng lực quản lý, tổ chức lễ hội ở địa phương. Bên cạnh đó, khuyến khích tiến hành các hoạt động cải thiện và tăng cường chất lượng công tác quản lý lễ hội truyền thống nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội đất nước.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội, việc xây dựng môi trường văn hóa cho lễ hội truyền thống có tầm quan trọng rất lớn, không chỉ đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn đóng góp tích cực vào phát triển xã hội, tạo cơ hội giao lưu văn hóa và thúc đẩy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng, tạo ra một loạt các lợi ích xã hội, kinh tế và tinh thần quan trọng cho mỗi cộng đồng và cả đất nước.

“Môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống có thể góp phần tạo ra sự nhất quán, thấu hiểu sâu sắc hơn về các giá trị văn hóa truyền thống và tạo cảm giác tự hào cho người dân, giúp tạo ra tinh thần đoàn kết và cùng nhau gìn giữ, phát huy những điểm mạnh của văn hóa dân tộc”, ông Sơn chia sẻ.

Việc chuẩn hóa còn giúp các lễ hội tập trung hơn vào việc thể hiện chân thực giá trị văn hóa truyền thống, trên cơ sở đó thúc đẩy sự tôn trọng và bảo tồn di sản văn hóa, bảo vệ môi trường… Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; khôi phục những di sản văn hóa tinh thần của dân tộc nhưng cũng phải bài trừ các hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu, nghi lễ có tính bạo lực, các hành vi phản cảm trái thuần phong, mỹ tục dân tộc trong hoạt động lễ hội... Đây là vấn đề rất khó trong quản lý và thực hành văn hóa truyền thống ở nước ta hiện nay.

Nhanh chóng đi vào cuộc sống

TS. Vũ Thị Uyên - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội nhìn nhận, môi trường văn hóa của các lễ hội truyền thống đang đặt ra nhiều vấn đề. Không ít lễ hội còn nặng hình thức, phô trương… Mặt trái của nền kinh tế thị trường đang làm chao đảo nhiều giá trị văn hóa. Thực tế còn cho thấy, cả người tổ chức lẫn người tham gia lễ hội vẫn còn những biểu hiện xem nhẹ các ứng xử chuẩn mực xã hội, chạy theo những thị hiếu không lành mạnh.

Do đó, để hạn chế những tác động tiêu cực từ cơ chế thị trường đến lễ hội truyền thống, cần có sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành tại địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Công tác tổ chức lễ hội truyền thống cần chú trọng việc bảo tồn những nét đặc trưng, tránh sao chép, bắt chước các lễ hội khác mà địa phương không có; tránh tình trạng nâng cấp quy mô của các lễ hội tràn lan. Trước mắt, áp dụng ngay các tiêu chí về xây dựng môi trường văn hóa trong lễ hội truyên thống vào thực tiễn.

anh-2-thuy-hong.jpg
Mỗi năm cả nước có trên 7.000 lễ hội truyền thống (Ảnh: Thúy Hồng)

Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội - PGS.TS Bùi Hoài Sơn đánh giá: “Thực thi và giám sát việc tuân thủ Bộ tiêu chí là rất quan trọng. Công tác giám sát thực hiện phải hiệu quả, đúng người, đúng việc. Chỉ khi cả 2 khía cạnh này hoạt động thống nhất, hài hòa, chúng ta mới có thể thực sự đạt được môi trường lễ hội lành mạnh và phát huy những giá trị văn hóa, lan tỏa thông điệp tích cực của lễ hội đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như cả nước”.

Theo nhận định của Sở VHTTDL nhiều tỉnh, thành phố, Bộ tiêu chí là cơ sở để các địa phương tổ chức các hoạt động lễ hội bài bản hơn. Hướng tới xây dựng môi trường văn hóa lễ hội văn minh, lành mạnh; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và lan tỏa trong đời sống xã hội; từng bước loại bỏ những hủ tục, tập tục, tập quán lạc hậu.

Cụ thể hóa các quy định của Quyết định 2068, vừa qua, Sở VHTTDL các tỉnh: Bình Định, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Bắc Kạn, Cần Thơ… đã yêu cầu Phòng VHTTDL cấp huyện hướng dẫn, đôn đốc triển khai Bộ tiêu chí trong hoạt động tổ chức lễ hội đảm bảo phù hợp với điều kiện, đặc điểm của địa phương. Đồng thời, hàng năm tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện Bộ tiêu chí báo cáo tỉnh.

Nhận thức đúng tầm quan trọng của lễ hội truyền thống trong đời sống sinh hoạt văn hóa của người Việt, chúng ta sẽ ứng xử thận trọng để tạo ra những không gian văn hóa lễ hội văn minh, giàu ý nghĩa theo mục tiêu của Chiến lược văn hóa quốc gia tầm nhìn đến năm 2030.

Theo thống kê của Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTTDL), hiện, mỗi năm cả nước có gần 8.000 lễ hội, trong đó lễ hội truyền thống chiếm 88,36%. Các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc, vùng miền, địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2
Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO