Chú trọng nghiên cứu, tham khảo các tài liệu mỏ lân cận

Mai Đan | 07/12/2020 14:17

(TN&MT) - Trong quá trình thăm dò khoáng sản, việc nghiên cứu, tiếp thu và tham khảo các tài liệu mỏ lân cận là rất quan trọng. Đó là phát biểu của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên tại cuộc họp Hội đồng thẩm định đề án thăm dò đá vôi và đá sét làm nguyên liệu xi măng mới đây tại Hà Nội.

Cần nghiên cứu, tham khảo các tài liệu mỏ lân cận trong thăm dò khoáng sản. Ảnh minh họa

Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Cúc - đại diện Công ty CP tư vấn triển khai công nghệ mỏ - địa chất (đơn vị lập đề án) cho biết: Đối với đề án thăm dò khoáng sản đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng tại khu vực K36 xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, mục tiêu của đề án nhằm đánh giá chất lượng, tính trữ lượng đá vôi nguyên liệu sản xuất xi măng porlăng PC40, PC50. Mục tiêu trữ lượng ở cấp 121 + 122 là 130 triệu tấn, trong đó cấp 121 chiếm trên 10%. Phần đá vôi dolomit không đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng sẽ được sử dụng để làm vật liệu xây dựng thông thường.

Đối với đề án thăm dò khoáng sản đá sét làm nguyên liệu xi măng tại khu vực T51, T52 Núi Nghè, thị trấn Tân Thanh, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đề án đặt mục tiêu đánh giá chất lượng, tính trữ lượng đá sét nguyên liệu sản xuất xi măng porlăng PC40, PC50. Mục tiêu trữ lượng ở cấp 121+122 là 3.400 ngàn tấn, trong đó, cấp 121 bảo đảm yêu cầu 10 - 15%.

Cả 2 đề án trên đã tổng hợp và sử dụng các thông tin địa chất khoáng sản có liên quan đến khu vực thăm dò để lựa chọn tổ hợp phương pháp và mạng lưới bố trí công trình thăm dò, khối lượng các hạng mục công tác thăm dò dự kiến trong đề án là hợp lý và phù hợp với đối tượng thăm dò. Trong quá trình thi công đề án cần thu thập bổ sung tài liệu nghiên cứu có trước ở các khu mỏ lân cận. Đây là cơ sở tài liệu đáng tin cậy để nâng cao hiệu quả công tác thăm dò tại khu vực thăm dò.

“Mặc dù, tài liệu thu thập trên khu vực xin cấp giấy phép thăm dò còn hạn chế nhất định, nhưng tập thể tác giả đã tiến hành khảo sát thực địa, tổng hợp các tài liệu đã có trong khu vực làm cơ sở lập đề án. Bên cạnh đó, Đơn vị tư vấn đã có nhiều kinh nghiệm trong lập đề án, thi công phương án thăm dò đá vôi và đá sét làm nguyên liệu xi măng ở nhiều khu vực trên cả nước. Vì vậy, đề án thăm dò bảo đảm tính hợp lý và có độ tin cậy cao, chắc chắn thi công sẽ có hiệu quả và đạt mục tiêu trữ lượng đề ra”, bà Nguyễn Thị Cúc nhấn mạnh.

Góp ý cho các báo cáo trên, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nguyên cho rằng, cần giải trình làm rõ việc xếp nhóm mỏ vì số liệu nêu trong đề án mâu thuẫn với quy định trong Quyết định và Thông tư quy định về việc thăm dò đá vôi và đá sét làm nguyên liệu xi măng.

Theo ông Nguyễn Văn Nguyên, đối với đề án thăm dò đá vôi, cần giải trình làm rõ việc không đo karota lỗ khoan có chiều sâu lớn hơn 100m; làm rõ mức thăm dò ở cost khác nhau; xem xét khả năng thi công khoan máy ở địa hình dốc độ sâu khoan lớn để đảm bảo thời gian thi công trong đề án.

Đối với đề án thăm dò đá sét, cần giải trình làm rõ thiết kế mẫu rãnh mặt trên tầng phong hóa; rà soát thống nhất chiều dài mẫu rãnh và mẫu lõi khoan; xem xét đánh giá chất lượng đá sét tươi nhưng có thể vẫn đủ tiêu chuẩn làm nguyên liệu sản xuất xi măng để tránh lãng phí tài nguyên.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên - Chủ tịch Hội đồng thẩm định đề án thăm dò khoáng sản và các thành viên Hội đồng nhất trí xếp các mỏ trên thuộc nhóm mỏ loại II. Thứ trưởng Trần Quý Kiên yêu cầu đơn vị tư vấn trình bày luận giải lại việc xếp nhóm mỏ trong đề án trên cơ sở tài liệu thu thập ở khu thăm dò và tham khảo những mỏ đã được cấp phép ở lân cận, đồng thời rà soát thiết kế mạng lưới bố trí các công trình thăm dò cho phù hợp.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên và các thành viên Hội đồng thông qua dự kiến trữ lượng của 2 mỏ và yêu cầu đơn vị tư vấn sớm chỉnh sửa, hoàn thiện các đề án để trình Hội đồng phê duyệt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chú trọng nghiên cứu, tham khảo các tài liệu mỏ lân cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO