Quảng Nam là tỉnh duyên hải miền Trung có dân số gần 1,5 triệu người. Trong đó, dân số của 9 huyện miền núi của tỉnh khoảng 330 nghìn người, chiếm 22% dân số toàn tỉnh. Tại các huyện miền núi, dân cư thường phân bố theo bản, nóc rất chật chội; nhiều điểm ở những địa bàn rất khó khăn, không có điều kiện để đầu tư kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất. Các huyện miền núi cũng là địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao. Do địa hình có độ dốc lớn, bị chia cắt bởi nhiều sông, suối nên tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét. Vùng đồng bằng, các khu vực trũng thấp thì dễ bị ngập lụt.
Lực lượng chức năng tìm kiếm các nạn nhân tại hiện trường sạt lở Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: TTXVN |
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, năm 2017, do mưa lớn, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 12 vụ sạt lở đất, trong đó huyện Bắc Trà My 6 vụ; huyện Nam Trà My 2 vụ; huyện Phước Sơn 2 vụ; làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hỏng. Năm 2020, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 5 vụ sạt lở đất làm thiệt hại nghiêm trọng về người, nhà ở của người dân (Nam Trà My: 2 vụ, Phước Sơn: 1 vụ, Bắc Trà My: 2 vụ), làm chết 30 người, mất tích 17 người.
Bên cạnh Quảng Nam, Hà Giang là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp với nhiều dãy núi cao. Tỉnh có đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa Bắc Á, Trung Hoa, có 2 mùa rõ rệt, mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều và mùa đông lạnh, khô hạn. Do điều kiện tự nhiên, các loại thiên tai thường xảy ra ở Hà Giang gồm: Mưa lớn, mưa đá, lũ ống, gió lốc, sét, rét đậm rét hại kéo dài, hạn hán, lũ quét, sạt lở đất... Năm 2020, tỉnh chịu ảnh hưởng của 25 trận thiên tai làm 14 người chết; 20 người bị thương; 7.845 nhà bị ảnh hưởng, thiệt hại. Ước tính giá trị thiệt hại khoảng 840 tỷ đồng.
Cùng với các tỉnh miền núi phía Bắc, Hà Giang là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng lớn nhất từ loại hình thiên tai rét đậm, rét hại. Do đó, công tác phòng chống rét đậm, rét hại luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hà Giang chú trọng. Hàng năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành tổ chức triển khai thực hiện phương án ứng phó thiên tai, trong đó có phương án phòng chống rét nghiêm túc theo phương châm “4 tại chỗ”.
Phòng, chống đói rét cho trâu, bò là nhiệm vụ quan trọng đối với tỉnh Hà Giang khi mùa đông về. Ảnh minh họa. |
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai cho biết, tính riêng khu vực miền núi phía Bắc trong năm 2020, thiên tai diễn ra khốc liệt và hết sức cực đoan với sự xuất hiện của 13/21 loại hình, làm 56 người chết và mất tích, 118 người bị thương; 1.693 nhà sập đổ, 56.214 nhà hư hỏng, tốc mái; 18.631 ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, 32.808 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi…
Trước diễn biến khốc liệt của thiên tai, đặc biệt là trong năm 2020, nhiều địa phương ở miền núi dù còn nhiều khó khăn nhưng đã chủ động thực hiện quyết liệt các giải pháp khắc phục sự cố, từng bước ổn định đời sống cho người dân.
Tại Quảng Nam, sau sự cố lũ quét, sạt lở đất, tỉnh đã thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư trên địa bàn 9 huyện miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Cụ thể, tổng kinh phí UBND tỉnh đã bố trí trong 4 năm (2017-2020) cho 9 huyện miền núi thực hiện cơ chế sắp xếp, ổn định dân cư là 385 tỷ đồng. Đến 30/9/2020, có tổng số 6.462 hộ tham gia sắp xếp di dời chỗ ở, bao gồm: Hộ dân vùng thiên tai 2.836 hộ; hộ dân tộc thiểu số 1.488 hộ; hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn: 2.115 hộ; hộ ra khỏi khu vực bảo vệ của rừng phòng hộ, đặc dụng 10 hộ; hộ dân khác cần thiết phải sắp xếp: 13 hộ.
: Khu tái định cư Bằng La (xã Trà Leng, Nam Trà My) được xây dựng sau sự cố sạt lở đất năm 2020 giúp người dân ổn định cuộc sống. Ảnh: Giang Ngọc. |
Ngày 15/12/2020, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-UBND và xây dựng dự thảo Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả do thiên tai năm 2020 gây ra. Theo đó, đối với các hộ gia đình có nhà ở bị trôi, sập hoàn toàn, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương chủ động sử dụng ngân sách địa phương, ngân sách tỉnh và nguồn xã hội hóa để hỗ trợ sửa chữa nhà cho người dân xây dựng nhà tạm đối với những hộ có nhà bị sập, trôi, chưa có mặt bằng ổn định.
Cùng với đó, UBND các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn khẩn trương khảo sát, xác định vị trí, lập hồ sơ, thủ tục xây dựng khu tái định cư cho người dân có nhà ở bị trôi, sập hoặc có nguy cơ sạt lở; lấy ý kiến của người dân, cơ quan khoa học chuyên môn đánh giá địa chất, mức độ an toàn, ổn định, quy mô đầu tư, dự kiến nguy cơ tác động để có giải pháp an toàn tại khu vực xây dựng khu tái định cư; đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tập trung huy động các lực lượng và nguồn lực để xây dựng hạ tầng khu tái đinh cư, làm nhà mới cho các hộ dân...
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam, công tác di dời, bố trí dân cư vùng thiên tai (như vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt sâu nguy hiểm) trên địa bàn tỉnh những năm qua đã góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tính mạng và tài sản của nhân dân.
Còn tại tỉnh Hà Giang, hàng năm, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã có nhiều văn bản hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh rét đậm, rét hại nhất là đối với người già, trẻ nhỏ, học sinh. Thực hiện thường xuyên việc rà soát, tổng kiểm tra việc thực hiện các giải pháp phòng, chống rét cho gia súc và cây trồng. Thường xuyên theo dõi cập nhật diễn biến thời tiết để chủ động ứng phó với các đợt rét đậm, rét hại xảy ra. Tích cực tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc công tác chuẩn bị phòng, chống rét đậm, rét hại theo phương châm “4 tại chỗ”.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2020, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ kịp thời để người dân yên tâm sản xuất và sinh hoạt. Theo đó, tiến hành hỗ trợ khắc phục lốc, sét, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất miền núi phía Bắc (Quyết định số 1930/QĐ-TTg ngày 26/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ): 381,8 tỷ đồng. Trong đó, Hà Giang: 75 tỷ đồng; Bắc Cạn: 13,4 tỷ đồng: Cao Bằng: 30 tỷ đồng; Lào Cai: 28 tỷ đồng; Sơn La: 20 tỷ đồng; Điện Biên: 45 tỷ đông; Lai Châu: 78,2 tỷ dồng; Phú Thọ: 40 tỷ đổng; Hòa Bình: 20 tỷ dồng; Tuyên Quang: 30 tỷ đồng. Lạng Sơn: 2,2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Sở Y tế tỉnh Hà Giang đã ban hành các văn bản hướng dẫn người dân các biện pháp phòng tránh rét hại. Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn chỉ đạo các cơ sở giáo dục chủ động cho học sinh nghỉ học khi nhiệt độ xuống thấp. Trong đợt rét từ 7/12/2020-15/12/2020 tỉnh có 16 trường mầm non, 16 trường tiểu học và một số trường cấp 2, 3 (hầu hết trên địa bàn huyện Đồng Văn) cho học sinh nghỉ học.
Sở NN&PTNT đã ban hành văn bản chỉ đạo rà soát, thống kê chuồng trại, thực hiện các biện pháp dự trữ thức ăn cho gia súc trong vụ Đông - Xuân năm 2020-2021. Riêng trong vụ Đông Xuân 2020-2021, toàn tỉnh có 108.688 hộ, chiếm 97,8% tổng số hộ chăn nuôi trâu bò ký cam kết thực hiện các biện pháp phòng chống đói rét cho trâu, bò. Các hộ có trâu, nghé bị thiệt hại do rét đã được UBND huyện sử dụng ngân sách dự phòng, hỗ trợ kịp thời theo định mức quy định tại Nghị định 02/2017/NĐ-CP.