Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân: Con người là nguồn vốn quan trọng nhất

03/11/2016 00:00

(TN&MT) - Phát biểu trong phiên thảo luận chiều 03/11 Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân - Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, trong tái cơ cấu nền kinh tế, cần nhiều nguồn vốn nhưng nguồn vốn con người là vốn quan trọng nhất.

GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN - ĐBQH tỉnh Trà Vinh
GS.TS Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN - ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Phát biểu về vấn đề vốn, SG.TS Nguyễn Thiện Nhân phân tích: trong điều kiện ngân sách công chúng ta thời gian tới không nhiều do nợ công còn cao, mà vốn trong dân thì đã khó, làm thế nào phát huy được tốt, đặc biệt là vốn nước ngoài thì trong đó kiều hối rất đáng quan tâm.

Bình quân thời gian vừa qua một năm kiều hối từ 8-10 tỷ trong khi ODA giải ngân hàng năm từ 4-5 tỷ, nếu tận dụng tốt cái này thì gấp 2 lần ODA. Cho nên nguy cơ phụ thuộc vào ODA là không phải đáng kể. “Vấn đề là thu hút đầu tư nước ngoài như thế nào thì hiệu quả cao?” - ông Nguyễn Thiện Nhân đặt vấn đề

Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân phân tích: Hiện nay có 116 nước đang đầu tư vào Việt Nam. Chúng ta không cần xúc tiến tại 116 nước mà chỉ cần tập trung vào 10 nước; và 12 nước mà thôi. 10 nước như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapor vv.. thì đầu tư 78% tổng đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Còn 12 nước trong 16 nền kinh tế lớn nhất thế giới còn lại như: Đức, Ý, Anh, Ấn Độ vv thì tổng đầu tư vào Việt Nam chỉ chiếm 6,1% tổng FDI Việt Nam, chỉ hơn lãnh thổ Hồng Kông là 5,4%. Như vậy để thu hút đầu tư, chúng ta cần tập trung thu hút của 10 nước đang đầu tư lớn nhất; và 12 nước có tiềm năng lớn nhất nhưng đầu tư rất ít vào Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà bên hành lang Quốc hội ngày 21/10/2016. Ảnh: Việt Hùng
Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà bên hành lang Quốc hội ngày 21/10/2016. Ảnh: Việt Hùng

Về vấn đề nguồn nhân lực, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu: Năm 1996 chúng ta có 35 triệu lao động, năm 2016 có 54 triệu lao động, tức là 20 năm số lao động tăng 19 triệu người. Đây là một tài sản rất quý giá và dự kiến đến năm 2035 chúng ta có 68 triệu lao động. Vì sao đây là lợi thế vô cùng quan trọng? Thứ nhất tất cả các nước phát triển đều đang trong quá trình giảm lao động và thiếu lao động vì đẻ ít. Để lao động ổn định thì mỗi phụ nữ trong đời người phải đẻ 2 cháu. Nhưng ở các nước này, Hàn Quốc đẻ 1,25; Singapor đẻ 1,26; Nhật Bản 1,4 con…

“Như vậy chúng ta có lợi thế lao động trong 30 năm nữa. Lao động Việt Nam cần cù sáng tạo và trình độ ngày càng nâng cao và đặc biệt là chi phí lao động chúng ta thấp so với các nước. Bởi vì chi phí lao động luôn luôn tỷ lệ với GDP/ đầu người, chừng nào GDP/đầu người của chúng ta còn thấp, thì chi phí lao động một giờ còn thấp” - ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, có thể hình dung nếu GDP chúng ta chưa vượt ngưỡng 25 ngàn USD trong 30 năm tới thì chi phí lao động khó có khả năng cạnh tranh. Một giờ lao động ngành chế tạo máy hiện nay ở Nhật Bản gấp chúng ta 29 lần; ở Singapor gấp 20 lần, Hàn Quốc gấp 17 lần và Đài Loan gấp 8. Một câu hỏi giản di vì sao Sam Sung vào Việt Nam, họ có công nghệ ở nhà, có vốn đầy đủ, họ chỉ thiếu lao động nên họ đầu tư vào Việt Nam. Trong vòng 5 năm họ đầu tư hàng tỷ USD, xuất khẩu hàng chục tỷ.

Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu bên hành lang Quốc hội chiều 03/11. Ảnh: Việt Hùng
Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao bên hành lang Quốc hội chiều 03/11. Ảnh: Việt Hùng

Về năng suất lao động, nếu người công nhân Việt Nam đứng 1 máy dệt, hay máy tiện như công nhân các nước khác thì năng suất hoàn toàn tương đương. Tức là năng suất về sản phẩm không thua các nước khác nhưng tính năng suất về tiền bao giờ cũng thấp hơn vì lương của chúng ta thấp nên năng suất thấp. Chúng ta trồng lúa, điều bao giờ cũng cao nhất . Vì vậy trong thời gian tới chúng tôi cho rằng cần coi trọng tối đa việc  sử dụng phát huy vốn lớn nhất của chúng ta chính là con người. Sử dụng vốn con người phát huy vốn con người là ưu tiên số 1.

“Tóm lại, để tái cơ cấu kinh tế cần tái cơ cấu tư duy, thay đổi tư duy. Câu hỏi không phải tiền đâu? mà là thị trường ở đâu? làm gì? thế giới đang cần gì?. Câu hỏi thứ hai là người ở đâu thì cái này chúng ta đang có và cố gắng làm tốt hơn. Câu hỏi thứ ba có làm chủ khoa học công nghệ không? theo tôi tuy có hạn chế nhưng người Việt Nam trước thách thức nào cũng vươn lên làm chủ được. Câu hỏi thứ tư vốn ở đâu? đất ở đâu? sẽ được giải quyết khi các câu hỏi trên có lời giải. Cuối cùng là ví dụ về đầu ra” - Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân phân tích.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN cho rằng nếu tập trung vào 20 nước thì chúng ta sẽ đảm bảo tỷ lệ xuất khẩu tăng, gần đây chúng ta cũng chưa có chiến lược xuất khẩu vào từng thị trường quốc gia. Đây cũng là vấn đề cần quan tâm vì xuất khẩu hiện nay gặp nhiều khó khăn lần đầu tiên trong 30 lịch sử phát triển kinh tế tốc độ phát triển nông lâm nghiệp giảm . Tóm lại tái cơ cấu kinh tế trong cơ chế thị trường thì phải xuất phát thị trường và trước hết là thị trường hàng hóa tái cơ cấu sản phẩm của nền kinh tế của ngành, của địa phương, của từng doanh nghiệp.

“Cần phát huy vốn con người là vốn quan trọng nhất mà chúng ta có trong 30 năm và sẽ còn phát triển trong khi các nước phát triển nguồn vốn này đang teo lại. Thứ ba để tái cơ cấu ngành cần có hợp tác công tư trong tái cơ cấu ngành. Và cuối cùng cần thiết kế lại hệ thống hành chính 4 cấp và làm rõ chức năng mỗi cấp trong quá trình tái cơ cấu kinh tế...” - Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Việt Hùng - Hải Ngọc(lược ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch MTTQVN Nguyễn Thiện Nhân: Con người là nguồn vốn quan trọng nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO