Chư tăng chùa Thiên Tôn gương mẫu thân thiện với môi trường

Tuyết Chinh | 06/08/2021, 14:19

(TN&MT) - Sau gần 1 năm triển khai, mô hình điểm “Chùa tinh tiến về ANTT, gương mẫu thân thiện với môi trường” tại chùa Thiên Tôn (huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã mang lại những hiệu quả tích cực, lan toả hành động bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; không vứt rác bừa bãi, thu gom, đổ rác đúng nơi quy định; giảm thiểu phát sinh chất thải sinh hoạt, tăng cường tái sử dụng…

Từ mô hình điểm…

Nằm ở khu vực núi Dũng Đương, thuộc khu di tích lịch sử văn hóa cố đô Hoa Lư, Chùa và Động Thiên Tôn là một sự kết hợp đặc giữa Phật giáo và Lão giáo. Trên chùa cổ thờ Quan Âm Diệu Thiện, dưới động thờ Thần Trấn Vũ, và là một trong Hoa Lư tứ trấn, nơi thờ bốn vị thần thiêng để trấn giữ bốn hướng Đông Tây Nam Bắc của kinh đô Hoa Lư xưa, tạo nên một không gian văn hóa tín ngưỡng đặc trưng của vùng đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần.

Cổng Tam quan chùa và động Thiên Tôn. Ảnh: TH

Sống xanh, thân thiện với môi trường, cùng nhau có trách nhiệm với một môi trường bền vững đã trở thành thông điệp sống hàng ngày của phần lớn đồng bào các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình nói chung, các tăng ni, phật tử ở chùa Thiên Tôn (Hoa Lư) nói riêng. Từ các hành động, việc làm thiết thực cùng chung tay bảo vệ môi trường, các tăng ni, phật tử chùa Thiên Tôn đã nhân rộng nhiều mô hình điểm, tạo sự lan tỏa trong phong trào toàn dân bảo vệ môi trường. Điển hình trong số đó là mô hình “Chùa tinh tiến về an ninh trật tự, gương mẫu thân thiện với môi trường” được phát động ngày 25/9/2020.

Với việc xây dựng mô hình “Chùa tinh tiến về an ninh trật tự, gương mẫu thân thiện với môi trường”, lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình, Trụ trì chùa Thiên Tôn và đại diện đoàn viên, thanh niên của thị trấn Thiên Tôn đã thống nhất các nội dung về bảo vệ môi trường, xây dựng chùa đạt chuẩn về an ninh trật tự như: bảo vệ, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên; không vứt rác bừa bãi, thu gom, đổ rác đúng nơi quy định; giảm thiểu phát sinh chất thải sinh hoạt, tăng cường tái sử dụng.

Hồ bán nguyệt mang nét cổ kính nằm trong khuôn viên chùa Thiên Tôn. Ảnh: MĐ

Đồng thời, vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền nhân dân và phật tử loại bỏ những hủ tục mê tín, lạc hậu ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, gây mất an ninh trật tự; bảo vệ cơ sở vật chất nơi thờ tự, giữ gìn vệ sinh, tạo cảnh quan phù hợp với không gian tín ngưỡng mang đậm nét văn hóa Việt…

Bên cạnh đó, đại diện các gia đình trên địa bàn thị trấn Thiên Tôn cũng ký cam kết thực hiện các nhiệm vụ về bảo vệ môi trường và xây dựng chùa tinh tiến về an ninh trật tự.

Trụ trì chùa Thiên Tôn cho rằng, thực hiện lời phật dạy, người phật tử nói riêng và toàn dân nói chung, chúng ta nên bắt tay vào việc trồng cây xanh tạo thêm bóng mát để kích thích xã hội làm sạch môi trường. Mỗi người một tay, mỗi người một việc, mỗi chùa một khuôn viên xanh thì lo gì không có những vườn cây xanh tươi mát cho thế hệ ngày mai. Giữ gìn và bảo vệ trái đất luôn xanh sạch là bảo vệ sự sống của chúng ta, làm cho quê hương đất nước phát triển bền vững.

…tạo dựng những ngôi chùa “gần gũi với thiên nhiên”

Theo đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình, bảo vệ môi trường là một việc làm có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống hiện tại và vì các thế hệ mai sau. Chính vì vậy, Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh luôn tuyên truyền, vận động trong tăng ni, phật tử và cụ thể hóa bằng nhiều việc làm thiết thực. Điển hình nhất là việc giữ gìn những vườn cây xanh, tạo dựng những ngôi chùa gần gũi với thiên nhiên…

Chùa và Động Thiên Tôn là một sự kết hợp đặc giữa Phật giáo và Lão giáo. Ảnh: MĐ

Thực tế, còn một số người dân, cơ sở chưa tuân thủ việc bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh, vì lợi ích trước mắt mà gây tác động xấu đến môi trường. Ninh Bình hiện là tỉnh đang phát triển nhanh về công nghiệp - du lịch, trong đó các khu công nghiệp và khu sinh thái đóng góp lớn cho nền kinh tế nhưng cũng để lại hậu quả tiêu cực cho môi trường.

Do vậy, đề nghị các cấp, ngành và người dân tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường đồng thời khắp phục những hạn chế mà thiên nhiên gây ra. Cùng với đó, các sở, ban, ngành cần tiếp tục phát động thêm nhiều mô hình bảo vệ môi trường hơn nữa tại các điểm nóng trong tỉnh. Tích cực trồng, gìn giữ và chăm sóc cây xanh trên đường làng, khu dân cư, các cơ sở tôn giáo, ở mỗi gia đình; không đổ rác bừa bãi nơi công cộng; nhà nhà đổ rác đúng nơi quy định; người người cùng dọn vệ sinh thường xuyên nhà ở, đường làng, khu dân cư, các cở sở tôn giáo, nơi công cộng; giữ gìn và bảo vệ nguồn nước; nói không với chất thải nhựa; tham gia các hoạt động tập thể khác làm cho môi trường sống của chúng ta trong lành hơn, sạch đẹp hơn.

Đại diện các gia đình và Chùa Thiên Tôn ký cam kết bảo vệ môi trường

Các cơ quan, doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp và cơ sở sản xuất thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường; tăng cường cải tiến công nghệ sản xuất, tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu phát sinh chất thải; tích cực tìm hiểu khả năng áp dụng các nguồn năng lượng mới thân thiện môi trường, nhằm giảm phát thải khí nhà kính - một trong những nguyên nhân chính gây nên biến đổi khí hậu toàn cầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Nét đặc trưng Lễ hội thờ Thần nước vùng đất Tiền Bạt
Người dân vùng đất Tiền Bạt, phường Thạch Quý, thành phố Hà Tĩnh coi lễ hội ở Miếu Đôi rất quan trọng, có tác động không nhỏ đến sự an cư của làng. Bởi vậy, trong nghi lễ thờ thần nước, với quan niệm “đất có thổ công, sông có hà bá”, lễ cầu mưa là một trong những tín ngưỡng đặc trưng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO