Chủ động ứng phó

Ngọc Lý| 22/10/2020 14:57

(TN&MT) - Những con số về tăng trưởng kinh tế đang làm nức lòng không ít người. Hàng trăm khu đô thị mới đang mọc lên, các khu công nghiệp, khu chế xuất cũng đang dần hiện hữu. Các đô thị lớn đang như một công trường xây dựng… Tất cả như một khối năng lượng khổng lồ kích thích nền kinh tế ngày một phát triển.

Thế nhưng, đằng sau những khu công nghiệp, những khu đô thị mới, những công xưởng, nhà máy… đang mọc lên, chúng ta cần phải bình lòng mà nhìn ra rằng phía sau những ánh hào quang ấy còn tiềm ẩn bao mối lo cho mai sau, cho sự phát triển bền vững của những vùng đất vốn đang được coi là phồn thịnh.

Và, với những gì đang diễn ra ở miền Trung đang cho thấy, mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam còn gặp không ít chông gai.

Trong đó, mối quan tâm lớn đang được nhắc đến trên cả phạm vi quốc gia và quốc tế đó là những tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu đem tới. Trong đó, các thành phố (TP) là nơi dễ bị ảnh hưởng nhất (cũng là nơi góp phần gia tăng ảnh hưởng). Đây là nơi tiêu thụ nhiều hàng hoá và phát thải nhiều khí nhà kính. Mặt khác, đây cũng là nơi tập trung dân số và các hoạt động kinh tế và khi chịu tác động của biến đổi khí hậu thì các thiệt hại về kinh tế và xã hội sẽ là rất lớn, lớn hơn tất cả các nơi khác. Chính vì vậy, các thành phố có vai trò chính trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc ứng phó của các thành phố càng hiệu quả bao nhiêu thì tương lai của trái đất càng sáng sủa bấy nhiêu.

Các đô thị ven biển cần chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu 

Từ thực tiễn ở Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, cho thấy, các đô thị ven biển thực sự đang đứng trước quá nhiều đe dọa, thách thức. Không chỉ là những đợt đe dọa của mưa lũ, bão lớn, triều cường… mà còn cả vấn đề các thảm họa môi trường tác động trực tiếp đến sự sinh tồn của hàng triệu cư dân ven biển.

Trước thực tế gia tăng của bão, lụt chính quyền các thành phố sẽ phải quy hoạch phát triển đô thị tránh xa những vùng đất gần sông, biển và áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt phòng chống thiên tai hoặc di chuyển các cơ sở hạ tầng hay công trình trọng yếu ra khỏi các khu vực dễ bị lũ lụt.

Các chiến lược xã hội bao gồm việc xác định các thành phần dân số dễ bị tổn thương trong trường hợp có bão và lũ. Các khu vực dân cư ở vùng bão lụt cần chuẩn bị để người dân có thể sử các công trình công cộng như trụ sở Ủy ban, trường học… làm nơi lánh nạn khi bão lụt xảy ra. Nhiều thành phố (đặc biệt với 41 đô thị có biển) cần áp dụng các biện pháp tiết kiệm và tái sử dụng nước ngay từ hôm nay để đối phó với việc thiếu nước sinh hoạt trong tương lai.

Các đô thị ven biển cần chuẩn bị để đối phó với các hiện tương thiên tai bất thường. Kịch bản về nước biển dâng cần được lồng ghép vào tất cả các quyết định về quy hoạch phát triển đô thị. Dự báo về sự gia tăng các trận bão, lũ đòi hỏi chính quyền thành phố và các cơ quan có trách nhiệm cần áp dụng các tiêu chuẩn thiết kế và xây dụng cao hơn.

Các số liệu nghiên cứu cho thấy, hơn 50% dân số sinh sống ở khu vực ven biển sẽ chịu tác động trực tiếp bởi biến đổi khí hậu nói chung và nước biển dâng nói riêng. Hơn 400 đô thị vùng duyên hải sẽ chịu ảnh hưởng, trong đó hơn 100 đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp của thảm họa lâu dài này.

Thế nhưng, với những gì đang diễn ra tại khu vực các tỉnh miền Trung cho thấy, ngoài những tác động của thiên nhiên, còn rất nhiều mối lo khác do chính con người gây ra trong phát triển khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO