Chủ động triển khai thi hành Luật Đất đai

10/07/2014 00:00

(TN&MT) - Luật Đất đai 2013 và các Nghị định đã có hiệu lực và đi vào cuộc sống, việc phổ biến, triển khai thi hành Luật đang là vấn đề cấp thiết ở các địa...

(TN&MT) - Luật Đất đai 2013 và các Nghị định hướng dẫn thi hành đã có hiệu lực và bắt đầu đi vào cuộc sống, việc phổ biến, triển khai thi hành Luật đang là vấn đề cấp thiết ở các địa phương. Nhân dịp UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tuyên truyền Luật Đất đai 2013, Báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc về những chủ trương lớn của địa phương để thực thi nhiệm vụ quan trọng này.
   
PV:Luật Đất đai và các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành đã có hiệu lực. Vậy Sở đã tham mưu xây dựng kế hoạch trình UBND tỉnh để triển khai thi hành luật, tuyên truyền và phổ biến tới người dân, doanh nghiệp trên địa bàn ra sao thưa ông?
   
  Ông Nguyễn Văn Lộc: Luật Đất đai năm 2013 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Đây là đạo luật quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới hiện đại hóa đất nước, đặc biệt là góp phần tăng cường quản lý đất đai chặt chẽ, hiệu quả.
 Ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc                Sở TN&MT Vĩnh Phúc.
    
  Để Luật Đất đai sớm đi vào cuộc sống khi luật có hiệu lực thi hành và triển khai thực hiện theo Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 22/1/2014 của Chính phủ đã ban hành. Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1722/KH-UBND ngày 10/4/2014 về triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 trên địa bàn tỉnh, trong đó giao nhiệm vụ cho Sở và các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Luật Đất đai tới người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
   
  Căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh về triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013. Sở đã chủ động cung cấp Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành luật đến các cấp, các ngành đồng thời triển khai đồng loạt từ cấp tỉnh, huyện và xã công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật đến các cán bộ chủ chốt cũng như cán bộ chuyên môn của ngành và cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh.
   
  Đặc biệt, mới đây Sở đã tham mưu UBND tỉnh mời Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển và đại diện Tổng cục Quản lý đất đai về phổ biến tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành cho hơn 300 đại biểu của các Sở, ngành và lãnh đạo cấp huyện nhằm thống nhất tư tưởng để triển khai thi hành Luật một cách hiệu quả.
   
PV:Được biết Luật Đất đai năm 2013 đã giao UBND cấp tỉnh phải hướng dẫn một số điều. Vậy thời gian qua Sở đã xây dựng và tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản hướng dẫn đó ra sao thưa ông?
   
  Ông Nguyễn Văn Lộc: Luật Đất đai và các Nghị định hướng dẫn thi hành năm 2013 giao cho  UBND cấp tỉnh quy định cụ thể hóa 29 vấn đề trong đó tập trung vào các vấn đề, giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng, hạn mức đất ở, giao đất ở nông thôn, đất ở đô thị…
   
  Căn cứ chức năng nhiệm vụ tham mưu quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai. Sở đã thành lập tổ soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật để xây dựng 4 văn bản gồm: Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và đơn giá bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định về hạn mức giao đất, hạn mức công nhận đất ở; quy định đất làm nghĩa trang, nghĩa địa và quy định cưỡng chế quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải than… Hiện, đến nay các văn bản này đã cơ bản hoàn thành và đang lấy ý kiến của các Sở ngành và sẽ trình UBND tỉnh ban hành trong tháng 7.
   
PV:Xin ông cho biết kết quả và những khó khăn, vướng mắc của công tác cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn?
   
  Ông Nguyễn Văn Lộc:  Tính đến hết năm 2013, tỉnh Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc cấp GCN cho 5 loại đất theo Chỉ thị số 1474/CT-TTg và Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội, cụ thể  đã cấp được 437.911 giấy chứng nhận lần đầu cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên tất cả các loại đất với tổng diện tích 85.172,4 ha; đạt  89,63%.
   
  6 tháng 2014, toàn tỉnh đã cấp thêm được tổng số 7.658 Giấy Chứng nhận các loại với tổng diện tích 335,93 ha (chủ yếu là loại đất ở đô thị và nông thôn, đất sản xuất kinh doanh, đất trụ sở cơ quan Nhà nước và một số ít cho đất nông nghiệp), trong đó có 1.761 giấy cấp lần đầu, diện tích 100,68 ha, còn lại là cấp đổi, cấp lại do chuyển nhượng, chia tách. Như vậy, tính đến 30/6/2014 toàn tỉnh đã cấp 439.672 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho các loại đất với diện tích 85.273,08 ha, đạt 89,73% diện tích.
   
   Tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác cấp GCN nói chung và lập cơ sở dữ liệu đất đai nói chung ngành tài nguyên môi trường Vĩnh Phúc cũng gặp một số khó khăn đó là: Sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở, kết hợp với sợ trách nhiệm của cán bộ thực thi dẫn đến chỉ đạo chưa sâu sát nhất là trong quá trình kiểm tra xác minh xét duyệt các trường hợp cấp giấy chứng nhận lần đầu và cấp đổi sau đo đạc.
   
Hội nghị phổ biến Luật Đất đai và các văn bản có liên quan cho các Sở, ngành và lãnh đạo địa phương.
   
  Bên cạnh đó, chính sách đất đai thay đổi nhất là điều kiện cần và đủ để được công nhận diện tích đối với đất ở sử dụng do ông cha để lại qua các thời kỳ, việc quy định hạn mức căn cứ vào giấy tờ quy định như Luật Đất đai năm 2003, mặt khác những trường hợp còn tồn tại hầu hết là vi phạm trong quản lý đất đai qua các thời kỳ do buông lỏng quản lý không được xử lý, mặc dù Nghị định 84/2007/NĐ-CP và Nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định rất rõ xử lý vấn đề này nhưng chính quyền cơ sở vẫn sợ vi phạm trong xử lý còn né tránh đùn đẩy thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, xử lý.
   
  Trong nhiều năm, công tác quản lí, lưu trữ các loại hồ sơ, sổ sách địa chính không được quan tâm, do đó, nên nhiều nơi không có đủ các loại hồ sơ địa chính cơ bản như bản đồ 299, sổ mục kê, sổ địa chính dẫn đến việc xác định về nguồn gốc, đối tượng sử dụng để làm cơ sở cấp Giấy Chứng nhận gặp nhiều khó khăn.
   
  Công tác cập nhật, chỉnh lí ýbiến động chưa thường xuyên, chưa liên tục dẫn đến việc tài liệu có lưu trữ được cũng lạc hậu, không chính xác với thực tế sử dụng, nhất là việc chia, tách, chỉnh lý hồ sơ sau khi Nhà nước thu hồi đất còn chưa được quan tâm ở các địa phương ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ công tác cấp giấy chứng nhận.
   
  Một số địa phương có đội ngũ công chức địa chính cấp xã khi thực hiện nhiệm vụ cấp GCN còn có hiện tượng sách nhiễu, gây khó khăn, làm sai lệch hồ sơ cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai.
   
  Định mức chi phí cho công tác cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất còn bất cập không phù hợp với thực tế, chi phí lao động kỹ thuật thấp hơn nhiều so với lao động phổ thông ở các địa phương nên việc huy động các lao động hợp đồng gặp nhiều khó khăn, cơ chế thực hiện đầu tư cho công tác quản lý đất đai từ nguồn thu tiền sử dụng đất còn hạn chế.
   
PV:Trân trọng cảm ơn ông!
   
Trường Giang(thực hiện)
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động triển khai thi hành Luật Đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO