Chủ động phòng ngừa trước thiên tai ngày càng cực đoan

Phạm Khải| 17/06/2020 11:12

(TN&MT) - Dự báo những tháng còn lại của năm 2020, tình hình thiên tai sẽ rất phức tạp, khó lường. Vì vậy, chủ động phòng ngừa, ứng phó… là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; trong đó, chủ động phòng ngừa cần được ưu tiên hơn.

14/21 loại hình thiên tai xảy ra tại Nam Bộ

Theo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, năm 2019, thiên tai ở Việt Nam không diễn ra dồn dập và khốc liệt nhưng mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước. Tại Nam Bộ, đã xảy ra 14/21 loại hình thiên tai, 141 trận mưa đá, dông, lốc, sét (chiếm 55% cả nước), 564 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài trên 834 km... Mặc dù giảm thiểu nhưng thiên tai đã làm 16 người chết và mất tích, thiệt hại ước tính khoảng 466 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với năm 2018.

Riêng trong 5 tháng đầu năm 2020, ĐBSCL đã xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt khiến 54.700 ha lúa bị hư hại, 96.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt, thiệt hại trên 3.000 tỷ đồng.

ĐBSCL đối mặt với thiên tai khốc liệt trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Dự báo, từ nay đến cuối năm sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão tập trung nhiều ở Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Lũ tại sông Cửu Long muộn và ở mức báo động 1-2.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn năm 2020 cũng đã tạo ra mốc lịch sử mới, khốc liệt hơn đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016 cả về thời gian và độ xâm nhập mặn, cho thấy sự biến đổi thời tiết vô cùng phức tạp, khó lường.

Thách thức từ khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng

Bên cạnh thời tiết cực đoan, bất thường, công tác phòng, chống thiên tai hiện nay, Phó Trưởng ban BCĐ, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài cho rằng, thách thức lớn nhất trong công tác phòng, chống thiên tai hiện nay của Việt Nam là khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng.

Theo ông Hoài, trên phạm vi toàn quốc hiện còn 230 vị trí trên các tuyến đê quốc gia, khoảng 200 hồ đập xuống cấp có nguy cơ xảy ra sự cố khi có mưa lũ lớn... Hệ thống tiêu, thoát nước ở nhiều đô thị chưa đáp ứng yêu cầu ứng phó khi xảy ra các trận thiên tai vượt tần suất thiết kế...

Cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai đã từng bước được đầu tư, nâng cấp nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đặc biệt là nhà cửa của người dân ĐBSCL ở khu vực ven sông, ven biển phần lớn có sức chống chịu rất thấp với bão, ngập lụt. Ngoài ra, trong khu vực còn thiếu các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định (mới chỉ đáp ứng 58% nhu cầu neo đậu).

Trong khi đó, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, trong khi việc quản lý xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, kênh, rạch, khai thác cát và nước dưới đất vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu (đến nay vẫn còn 28/57 điểm sạt lở nguy hiểm với tổng chiều dài 99/170km chưa xử lý).

Chưa kể, nhận thức của các cấp chính quyền, người dân ở một số nơi còn hạn chế, chưa thấy hết tính phức tạp, khẩn cấp và tầm quan trọng của công tác phòng chống thiên tai. Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở cơ sở nhiều nơi còn chưa được thành lập hoặc hoạt động chưa bài bản, kém hiệu quả do chưa được trang bị các kiến thức, kỹ năng cũng như công cụ và trang thiết bị cần thiết, chưa thống nhất về tổ chức và hoạt động, nhiệm vụ tại cơ sở…

Ưu tiên “chủ động phòng ngừa”

Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, ông Trần Quang Hoài nhận định, cả hệ thống chính trị và nhân dân phải chủ động và nỗ lực hơn nữa trong công tác phòng, chống thiên tai thông qua việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai.

Tổng cục trưởng Trần Quang Hoài nhấn mạnh, chủ động phòng ngừa, ứng phó… là giải pháp đặc biệt quan trọng để giảm rủi ro và thiệt hại do thiên tai gây ra; trong đó, chủ động phòng ngừa cần được ưu tiên hơn. Để làm tốt giải pháp này, ngay từ bây giờ, các địa phương cần quán triệt, thực hiện ngay Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 24-3-2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

ùng với nhiệm vụ này, các địa phương khẩn trương triển khai kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2020; trong đó, triển khai ngay nhiệm vụ rà soát, xây dựng chi tiết phương án ứng phó từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhân lực để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của người dân trước các tình huống mưa, lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất...

“Trong thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra những trọng điểm xung yếu trên hệ thống đê điều, hồ chứa, các khu neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy hải sản tại các địa phương ở Nam Bộ, đặc biệt là ĐBSCL; chuẩn bị sẵn sàng các vật tư, vật liệu, nhân lực và kịch bản ứng phó đối với tất cả các tình huống thiên tai có thể xảy ra”, ông Hoài cho hay.

Song hành với những nhiệm vụ trên, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT đề nghị các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ sửa chữa hư hỏng, sự cố công trình phòng, chống thiên tai, nhất là các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ; di dời dân cư khẩn cấp khỏi vùng thiên tai... Đặc biệt là chú trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã; tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các loại hình thiên tai cho người dân...

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định:

* Đỉnh lũ năm ở đầu nguồn sông Cửu Long trên sông Tiền tại Tân Châu và sông Hậu tại Châu Đốc ở mức BĐ1-BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2-0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào nửa cuối tháng 9.

*Ven biển Nam Bộ sẽ xuất hiện 4 đợt triều cường cao vào các ngày 18-21/9, 15-19/10, 14-18/11 và 13-17/12 với độ cao triều có thể ở mức kỷ lục vào ngày 18/10/2020 trong trường hợp trùng với kỳ hoạt động của gió chướng sẽ gây ngập lụt cho khu vực ven biển Nam Bộ.

* Nguy cơ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động phòng ngừa trước thiên tai ngày càng cực đoan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO