Chơi vơi Bạch Mã: Cân nhắc khi xây dựng khu tâm linh và dịch vụ

17/10/2017 00:00

(TN&MT) - Việc triển khai Đồ án phân khu xây dựng khu tâm linh, dịch vụ đã được Công ty Cổ phần dịch vụ Bạch Mã thuê tư vấn nước ngoài phối hợp với các Sở ngành chức năng nghiên cứu, xây dựng và gửi các Bộ ngành lấy ý kiến tiếp thu, sửa đổi. Song, cũng còn không ít các chuyên gia, người nghiên cứu, cơ quan chức năng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng…

Trao đổi với chúng tôi, TS. Huỳnh Văn Kéo, Giám đốc VQG Bạch Mã cho rằng, thực tế, quy hoạch du lịch Vườn Quốc gia Bạch Mã đã có từ lâu. Nhiều năm trước, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nhiều lần kêu gọi, xúc tiến đầu tư và có đã rất nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, đầu tư, mục tiêu cùng phát triển, theo dạng bền vững, trong vườn quốc gia. Việc xây dựng đồ án mới chỉ quy hoạch, khi nào duyệt quy hoạch mới kêu gọi đầu tư, các nhà đầu tư mới vào chọn đầu tư từng hợp phần. Hiện, đối với Vườn Quốc gia Bạch Mã đã có nhiều quy chế để bảo vệ môi trường sống của các loài trong khu vực như: xây dựng nhà cửa, không thể làm 10 -15 tầng trong vùng lõi, các công trìn phải đảm bảo có độ cao dưới tán cây…

Về ý kiến lo ngại việc xây dựng sẽ ảnh hưởng tới hồ sơ công nhận Vườn, TS. Kéo cho rằng, đã nghe một vài nhà khoa học có nói ảnh hưởng đến hồ sơ Vườn di sản. Song mục đích trở thành Vườn di sản là để thành thương hiệu thu hút du khách Việt Nam và thế giới đến. Trên thế giới cũng có nhiều Vườn cũng thực hiện việc này để tạo nguồn tài chính cho bảo tồn. “Về sau này, Vườn được đồng ý quy hoạch và xây dựng, phải làm tốt khâu giám sát thực hiện, Khu bán đảo Sơn Trà là bài học. Cần thắt chặt vấn đề thi công, còn các vấn đề khác bắt buộc phải làm”, TS. Kéo nói.

Phối cảnh đồ án
Phối cảnh đồ án

“Vấn đề cần làm là phải xây dựng Báo cáo đánh giá tác động môi trường cho thật tốt và giám sát xây dựng hiệu quả tránh như trường hợp ở Sơn Trà, Formosa. Tôi nghĩ giờ xây dựng ĐTM đã rất chặt nhưng giám sát còn nhiều kẽ hở, chẳng hạn Vườn có xây 2 trạm gác phải chi gần 200 triệu đồng để xây dựng ĐTM, nhưng đến khi xây dựng, không có cơ quan nào giám sát, kiểm tra”, TS Kéo nói.

TS. Huỳnh Văn Kéo cũng lưu ý, việc thực hiện Đồ án quy hoạch du lịch cần phải chọn được người có tâm, có kinh nghiệm làm du lịch, quản lý tốt. Nếu là người không có tâm họ bóc lột tự nhiên để thu tiền, điều đó dư luận lên án, chúng tôi làm công tác bảo tồn sẽ phản đối ngay.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Việt Hùng, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Thừa Thiên - Huế cho hay, đối với công tác bảo tồn kết hợp với du lịch sinh thái, chúng tôi đồng tình. Bởi lẽ, Huế có nhiều tiềm năng du lịch nhưng nguồn thu lại thấp chỉ bằng 1/3 – 2/3 thành phố Hội An (Quảng Nam) vấn đề là làm như nào, triển khai ra sao cho phù hợp.

Liên quan tới việc giám sát ĐTM, ông Hùng cho rằng, dự án này thẩm quyền phê duyệt ĐTM của Bộ TN&MT, do đó, Bộ TN&MT sẽ giám sát thực hiện. Xong theo quy định các Bộ ngành 1 năm chỉ thanh kiểm tra một lần cũng rất khó. “Địa phương có giám sát nhưng có bị động, ví dụ như hai bên có phối hợp, trường hợp nào Bộ làm rồi, tỉnh phối hợp, Bộ không làm thì Sở làm, tỉnh tập hợp danh sách đề nghị Bộ làm, nếu Bộ không làm có văn bản ủy quyền cho tỉnh, việc giám sát rất khó”, ông Hùng nói.

Gần đây, sau khi nghiên cứu đồ án phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái tâm linh và nghỉ dưỡng, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế điều chỉnh một số chi tiết quan trọng của dự án như: Phải làm rõ cơ sở đề xuất quy mô phục vụ 500.000 lượt khách/năm trong giai đoạn 2020 - 2030 và 1 triệu lượt khách/năm sau năm 2030; bổ sung đánh giá tác động của quy hoạch đối với di tích cấp quốc gia địa đạo Bạch Mã... Trao đổi với Phóng viên về vấn đề này, ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, hiện nay, Sở Xây dựng đang phối hợp các đơn vị liên quan rà soát phương án xây dựng tuyến cáp treo để làm rõ về hướng tuyến, quy mô và giải pháp xây dựng.

Riêng về hồ sơ đánh giá tác động môi trường đối với tuyến cáp treo, theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 27, Luật Xây dựng 2014 và các Khoản 22, 23 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2014, trong quá trình lập quy hoạch phân khu xây dựng, công tác phân tích, dự báo và đề xuất giải pháp bảo vệ môi trường chỉ dừng ở mức độ đánh giá môi trường chiến lược Việc đánh giá tác động môi trường chỉ được thực hiện khi có các dự án đầu tư cụ thể.

Qua rà soát, hồ sơ quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã đã thực hiện các nội dung Đánh giá môi trường chiến lược theo quy định tại Điều 13 Thông tư số 01/2011/TT-BXD ngày 27/1/2011 của Bộ Xây dựng về Hướng dẫn đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Các nội dung đánh giá về tác động môi trường đối với hệ thống cáp treo sẽ được bổ sung ở mức độ phù hợp với tính chất của đồ án Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2.000).

Về một số nội dung liên quan đến việc xây dựng của đồ án này có diện tích khu vực lập quy hoạch khoảng 400 ha, trong đó, bao gồm: Khu vực trạm cơ sở khoảng 100ha (phần lớn thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Bạch Mã) và Khu vực đỉnh Bạch Mã khoảng 300ha (thuộc phân khu dịch vụ hành chính của Vườn Quốc gia Bạch Mã). “Có nhiều cơ quan báo chí đến hỏi chúng tôi về dự án cáp treo ở Bạch Mã.

Tuy vậy, đây không phải là dự án cáp treo mà cáp treo là một giải pháp giao thông, đây là nó phù hợp với núi cao, địa hình rừng tự nhiên, hiểm trở như nhiều dự án khác. Đồng thời, là giải pháp ưu việt, không phá hủy các thực thể tự nhiên tránh những tác động can thiệp trực tiếp và nó đảm bảo yêu cầu về lưu lượng giao thông”, ông Trung nói.

Bài và ảnh: Trường Giang

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chơi vơi Bạch Mã: Cân nhắc khi xây dựng khu tâm linh và dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO