Thứ Tư, 2/7/2025 23:58 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Chợ trâu bò xã Tân Kỳ (Nghệ An): Công trình dở dang, nhà thầu “ôm” hồ sơ gốc “mất tích”

Thứ Năm 09/08/2018 , 19:56 (GMT+7)

(TN&MT) - Được xây dựng hơn 10 năm trước nhưng đến nay chợ trâu bò xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ vẫn còn dang dở, nhà thầu thi công thì “ôm” hồ sơ gốc cao chạy xa bay. Hơn nữa, việc thu hồi đất làm chợ đến nay vẫn chưa giải quyết xong.  

Chợ trâu bò xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ được xây dựng tại xóm 2 – Diễn Nam, sát tỉnh lộ 545 (đoạn thị trấn Lạt đi Cừa). Sau nhiều năm thi công dở dang, hiện nay chợ mới xây xong phần thô của hạng mục hàng rào và đình chợ. Do bỏ hoang lâu ngày, chợ này đã có dấu hiệu xuống cấp.

Một người dân ở xóm 2 – Diễn Nam, xã Kỳ Tân, bức xúc: “Chính quyền địa phương thu hồi một diện tích đất nông nghiệp của dân rồi xây chợ nhưng bỏ dở cả chục năm không ai đoái hoài. Lãng phí tiền của nhà nước, nhiều người đã có ý kiến nhưng mãi vẫn không xong được”.
 

Chợ trâu bò xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ xây dựng 15 năm chưa xong, giờ đã xuống cấp
Chợ trâu bò xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ xây dựng 15 năm chưa xong, giờ đã xuống cấp

Được biết, chợ trâu bò Kỳ Tân có diện tích khoảng 3.500 m2, được phê duyệt từ năm 2003, chủ đầu tư là UBND xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Lê Đồng. Dự án có tổng mức đầu tư 2,1 tỷ đồng, trong đó địa phương phải đối ứng một phần vốn. Hiện nay, ngân sách hỗ trợ của tỉnh đã bố trí được 1,1 tỷ đồng.  Lúc đầu lãnh đạo huyện Tân Kỳ cho phép xã Kỳ Tân đấu giá phần đất trước chợ giáp với đường tỉnh lộ 545 thu được lấy tiền để đối ứng nhưng sau đó do trùng với đồ án quy hoạch thị trấn mở rộng nên không thể đấu giá và dừng cho đến nay. Hiện nay công trình này vẫn trong tình trạng “án binh bất động”. Để giải quyết khó khăn về tiền vốn xây chợ, từ lâu, xã Kỳ Tân đã xin chủ trương của UBND huyện Tân Kỳ để giải quyết nhưng chưa có kết quả.

Ông Trần Văn Đông - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, cho biết: “Nhà thầu thi công năng lực tài chính yếu kém, họ chỉ nhằm vào 1,1 tỷ ngân sách hỗ trợ của tỉnh để xây dựng một số hạng mục và chờ đợi đối ứng từ đấu giá đất của địa phương để xây chợ. Nhưng sau đó, diện tích đất trên trùng với đề án quy hoạch khu dân cư và cụm công nghiệp nên huyện không cho đấu giá, phải bỏ dở từ ngày đó đến giờ. Vừa rồi, xã yêu cầu nhà thầu xuống Sở Tài chính quyết toán nhưng họ ôm hồ sơ gốc đi luôn hiện không liên lạc được. Vì thế hiện nay, hồ sơ gốc của dự án chúng tôi cũng không có nữa”.
 

Sau khi nhà thầu bỏ trốn, để tránh vi phạm nguyên tắc tài chính, xã Kỳ Tân đã báo cáo với UBND huyện tình hình thực tế để xin ý kiến chỉ đạo. Vừa rồi, dựa theo quy định về tài chính, xây dựng, xã đã xin cấp trên cho quyết toán cơ bản xong về khối lượng đã xây dựng. Do khó khăn về nhiều mặt, hiện, dự án chợ trâu bò đến nay vẫn là một tồn tại lớn mà địa phương Kỳ Tân không giải quyết được – ông Đông cho biết thêm.
 

Vùng đất trước cổng chợ xã cho thuê dựng trạm bê tông dã chiến
Vùng đất trước cổng chợ xã cho thuê dựng trạm bê tông dã chiến

Cũng cần phải nói thêm rằng, để có đủ diện tích thực hiện dự án xây dựng chợ trâu bò của xã Kỳ Tân, đã có hơn 10 hộ dân bị thu hồi đất. Hiện nay, có 4 hộ bị thu hồi đất nông nghiệp khoảng 2.000 m2 nhưng vẫn chưa được giải quyết triệt để.
 

Bà V, một trong 4 người có đất bị thu hồi để làm chợ thắc mắc: Năm 2003, khi đó, ruộng đang trồng lạc chưa đến kỳ thu hoạch thì xã đã thu hồi làm chợ. Sau khi phương án ban đầu gặp bế tắc thì các hộ đã nhiều lần làm đơn yêu cầu giải quyết nhưng chính quyền vẫn chưa giải quyết được.
 

Về vấn đề này, ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân khẳng định: Trước đây, khi thu hồi đất, các hộ này không nhận tiền mà muốn nhận đất để kinh doanh trước cổng chợ và xã đã nhất trí cam kết với các hộ, khi thực hiện đấu giá đất ở trước cổng chợ, các hộ sẽ được mua đất với giá ưu đãi. Tuy nhiên, do huyện dừng chủ trương đấu giá đất tại đó nên hiện nay vấn đề vẫn chưa giải quyết được.  Hiện nay, nếu có chủ trương mới được đấu giá đất thì sẽ giải quyết cho các hộ dân nói trên.
 

Được biết, chợ chưa xong, đất chưa đền bù nhưng vài năm nay, trên bãi đất trống trước cổng chợ chính quyền đã cho Công ty TNHH Mạnh Trường – một doanh nghiệp tại địa phương - xây dựng một trạm trộn bê tông tươi. Trạm bê tông này đã tập kết cát, đá trên một diện tích đất khá rộng để sản xuất phục vụ nhu cầu xây dựng công trình trên địa bàn.
 

Ông Đông cho biết thêm: Chợ xây không xong, bỏ hoang mặt bằng lãng phí nên cho doanh nghiệp thuê mặt bằng để đặt trạm bê tông dã chiến. Huyện cũng cho phép doanh nghiệp đặt trạm để phục vụ xây dựng một chợ khác của huyện. Khi xây xong chợ huyện thì phải tháo dỡ trạm trộn bê tông này.
 

Ông Vi Văn Quang - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tần huyện Tân Kỳ, cho biết: Mọi hồ sơ về đất đai, xây dựng của chợ trâu bò xã Kỳ Tân làm chủ đầu tư thì UBND xã phải lưu hồ sơ gốc, nói mất hồ sơ là không có cơ sở. Còn về trạm trộn bê tông tươi huyện chỉ cho phép doanh nghiệp đặt trạm một thời gian ngắn để sản xuất phục vụ xây dựng dự án xây chợ của huyện. Vị trí đặt trạm không có trong quy hoạch, vị trí đó đã được quy hoạch khu dân cư và cụm công nghiệp.

Xem thêm
Không cấp 'sổ đỏ' phải nói rõ lý do cho công dân

Nếu cơ quan chức năng không cấp 'sổ đỏ' cho công dân, trong thời gian giải quyết phải trả lời cụ thể, rõ ràng nêu rõ lý do cho công dân được biết.

Vụ Đà Nẵng ‘om’ giá đất dự án 13 năm: Cưỡng chế trái luật

Việc Cục thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng tiếp tục cưỡng chế thi hành án đối với tài sản đang có tranh chấp liệu đã phù hợp với quy định pháp luật?

Ca sĩ An Ngọc góp tiền xoá nhà tạm cho 5 hộ nghèo quê lúa

An Ngọc yêu nông sản - thương hiệu kết nối nông sản do ca sỹ An Ngọc xây dựng đã chung tay xóa 5 nhà tạm cho các hộ nghèo ở Thái Bình.

Nghiêm cấm ép buộc đổi thẻ căn cước và hộ chiếu

Công an TP Hà Nội khẳng định người dân không phải đổi thẻ căn cước, hộ chiếu sau khi sát nhập, thay đổi tên đơn vị hành chính.

Bình luận mới nhất