Phát triển bền vững

Chính sách cấp nước sạch cho bà con dân tộc thiểu số

Thủy Nguyễn 10:38 19/06/2023

(TN&MT) - Hiện nay, nhiều thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, điều kiện cơ sở hạ tầng còn rất khó khăn và thiếu thốn, đặc biệt là thiếu nguồn nước sạch cho sinh hoạt của người dân. Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã đưa vấn đề hỗ trợ nước sinh hoạt bao gồm hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán và hỗ trợ nước sinh hoạt tập trung là một trong những trọng điểm.

Nhiều bất cập từ chính sách 

Nước sạch là tài nguyên quý giá, nhưng không phải là vô tận. Nước là cần thiết cho sự sống nhưng khi bị biến đổi, ô nhiễm có thể gây ra những hiểm họa khôn lường cho con người. Nước sạch không thể thiếu trong đời sống của con người, hàng ngày chúng ta sinh hoạt đều phải sử dụng nguồn nước sạch từ ăn uống, tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh… Ngoài ra, việc sử dụng nước sạch trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để tạo ra các thực phẩm sạch cũng là yếu tố quan trọng quyết định sức khỏe của con người.

Hiện nay, cấp nước an toàn khu vực nông thôn nói chung và khu vực dân tộc miền núi, thiểu số ít người luôn được nhà nước và nhân dân quan tâm. Việt Nam đã đạt được kết quả to lớn trong lĩnh vực cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn. Sau 40 năm, từ khi được sự hỗ trợ của tổ chức Quỹ nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) vào năm 1982, tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh từ 10% năm 1982) tăng lên gần 90% (2019), 51% sử dụng nước đạt QCVN02:2009/BYT. 44% dân số nông thôn (28,5 triệu người) được cấp nước từ các công trình cấp nước tập trung, 56% dân số nông thôn (36,3 triệu người), sử dụng công trình cấp nước nhỏ lẻ hộ gia đình.

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1566/QĐ-CP phê duyệt "Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 – 2025". Để thực hiện Quyết định 1566, Chính phủ và các Bộ ngành, địa phương đã ban hành một số chính sách để chỉ đạo, thực hiện chương trình nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư của nhà nước và đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổ chức UNICEF và các Bộ, ngành Việt Nam đã rà soát và phân tích những rào cản về các chính sách đã chỉ rõ: Chính sách xây dựng chưa được phù hợp với điều kiện thực tế và chưa dựa trên số liệu của Bộ Chỉ số Theo dõi – Đánh giá, chưa có chương trình về xử lý, trữ nước hộ gia đình phù hợp với giá thành phù hợp cho người nông dân nông thôn. Chính sách chưa cụ thể cho vùng miền. Thiếu sự hướng dẫn về duy trì bền vững các công trình cấp nước tập trung nông thôn hoặc quy định tính bền vững an toàn về dịch vụ, bao gồm khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, trách nhiệm giữa người sử dụng, nhà cung cấp dịch vụ và chính quyền chưa cụ thể...

Cùng với đó, một số cơ chế chính sách còn chậm ban hành, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với tính chất đặc thù của lĩnh vực cấp nước nông thôn, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ đầu tư cho các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, bãi ngang, ven biển, hải đảo, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, ô nhiễm nguồn nước.

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước giảm dần, nguồn lực huy động từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn hạn chế, mức tín dụng ưu đãi cho hộ gia đình vay vốn đầu tư xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh còn thấp, chưa phù hợp... Số công trình cấp nước tập trung hư hỏng, kém hiệu quả chiếm tỷ lệ khá cao (31,6%); các công trình đang hoạt động tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu.

Hiện nay, theo thống kê cả nước vẫn còn hơn 31 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn. Trong khi đó, tại một số nơi ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước, cụ thể: vùng miền núi phía Bắc đạt 31%, vùng Tây Nguyên đạt 26,6% so với mức trung bình 51% của cả nước.

z4372567795454_418aae27e857d546d6b7bfb158249feb.jpg
Niềm vui của bà con dân tộc vùng sâu vùng xa khi nước sạch về bản

Mong chờ trái ngọt …

Để tiếp tục phát huy thành tựu đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đồng thời chủ động vượt qua các khó khăn, thách thức trong giai đoạn tới, cùng với việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, hiện nay, các Bộ, Ngành, địa phương đang nỗ lực tập trung triển khai Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu tăng tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận với nước sạch một cách bền vững, đặc biệt là người dân tại các vùng khan hiếm, khó khăn về nguồn nước, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo, vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước.

Đặc biệt, Đề án đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 60% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn với số lượng tối thiểu 60 lít/người/ngày; nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung lên 51%.

z4372567796272_644c03308ad793b08d3e75c15c11ba08.jpg
Hồ nước tập trung vùng biên giới Cao Bằng, đã cứu giúp người dân vào những tháng mùa khô hạn

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, triển khai Đề án cấp nước sạch nông thôn giai đoạn 2021-2025 thể hiện sự quyết tâm vào cuộc rất lớn của Đảng, Chính phủ với mong muốn tất cả người dân đặc biệt là người dân ở những vùng dân tộc miền núi, khó khăn sẽ được hưởng nhiều hỗ trợ của Nhà nước. Điển hình như, Nhà nước sẽ đầu tư xây dựng các công trình kết nối, tạo nguồn, dẫn nguồn cấp nước sinh hoạt ổn định, kết hợp sử dụng nguồn nước từ các hệ thống công trình thủy lợi phục vụ đa mục tiêu để xây dựng các công trình cấp nước tập trung cho các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ, ngập lút, úng, ô nhiễm nguồn nước.

Nhà nước cũng đầu tư xây dựng các công trình cấp nước đặc thù cho các vùng khó khăn, khan hiếm về nguồn nước, vùng có địa hình, địa chất phức tạp đảm bảo cấp nước sinh hoạt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang, ven biển, biên giới, hải đảo; Sửa chữa, nâng cấp, cải tạo các công trình cấp nước hiện có đáp ứng yêu cầu chất lượng nước, nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo ứng phó thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu.

Đồng thời Nhà nước thực hiện giao kế hoạch đầu tư, cung cấp dịch vụ cấp nước sạch nông thôn tại các vùng thuận lợi và đặt hàng, giao nhiệm vụ tại các vùng khó khăn, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Đối với các hộ gia đình, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, Nhà nước hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình thu, xử lý, trữ nước an toàn hộ gia đình, cung cấp các thiết bị xử lý nước hộ gia đình đảm bảo chất lượng tại các khu vực chưa thể đầu tư cấp nước tập trung. Các địa phương được thực hiện chương trình vay vốn ưu đãi xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh nông thôn của các tổ chức tín dụng; huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ đầu tư mô hình cấp nước quy mô hộ gia đình. Đồng thời các địa phương là đơn vị trực tiếp thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước tại các công trình cấp nước quy mô hộ gia đình.

Bên cạnh đó, Đề án cũng giúp hỗ trợ phát triển thị trường cung ứng thiết bị xử lý nước đơn giản, phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Ưu tiên hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật, đầu tư xây dựng, cung cấp thiết bị cho xử lý và trữ nước an toàn hộ gia đình đối với khu vực khó khăn, gia đình chính sách, và đối tượng dễ bị tổn thương.

Đặc biệt, từ các nguồn vốn cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, nhiều công trình đưa nước sinh hoạt về cho người dân vùng khó khăn đã được thực hiện, đáp ứng được nhu cầu của nhiều người dân đồng bào thiểu số. Bà con cũng đã nhận thức rất rõ vai trò quan trọng của nước sạch; phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ nguồn nước.

Bài liên quan
  • Mường Tè (Lai Châu): Giải pháp đưa nước sạch về với đồng bào dân tộc thiểu số
    (TN&MT) - Mường Tè là một trong những huyện vùng cao có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở Lai Châu. Trước đây, người dân luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Từ khi có các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 30a, 135, nông thôn mới… của Nhà nước, đồng bào DTTS đã có nước sạch, hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt mỗi ngày. An ninh nguồn nước được đảm bảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO