Chiều 28/4, thêm 8 ca nhập cảnh mắc COVID-19

Khánh Linh| 29/04/2021 01:24

(TN&MT) - Theo bản tin chiều 28/4 của Bộ Y tế, Việt Nam có thêm 8 ca mắc COVID-19 là người nhập cảnh và được cách ly ngay tại Nam Định, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Ảnh minh họa

Số ca mắc ở Việt Nam

Tính đến 18h ngày 28/4, Việt Nam có tổng cộng 1.571 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 911 ca.

Tính từ 6h đến 18h ngày 28/4, có 8 ca mắc mới, đều được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.

Thông tin ca mắc mới

CA BỆNH 2858 (BN2858) ghi nhận tại Nam Định: Bệnh nhân nam, 38 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Ngày 20/4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VJ2723 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Nam Định. Kết quả xét nghiệm ngày 27/4, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

CA BỆNH 2859 (BN2859) ghi nhận tại Đà Nẵng: Bệnh nhân nam, 27 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Ngày 23/4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Đà Nẵng trên chuyến bay VJ3613 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại thành phố Đà Nẵng. Kết quả xét nghiệm ngày 27/4, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

CA BỆNH 2860 (BN2860) ghi nhận tại Khánh Hòa: Bệnh nhân nữ, 29 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Ngày 24/4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ7837 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 28/4, bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Da liễu tỉnh Khánh Hòa.

CA BỆNH 2861 (BN2861) ghi nhận tại Khánh Hòa: Bệnh nhân nữ, 29 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh.

CA BỆNH 2862 (BN2862) ghi nhận tại Khánh Hòa: Bệnh nhân nữ, 31 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng.

Ngày 24/4/2021, BN2861-2862 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ7837 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 28/4, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

CA BỆNH 2863 (BN2863) ghi nhận tại Khánh Hòa: Bệnh nhân nam, 24 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.

CA BỆNH 2864 (BN2864) ghi nhận tại Khánh Hòa: Bệnh nhân nam, 27 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 24/4, BN2863-2864 từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ7837 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 28/4, các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện các bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hòa.

CA BỆNH 2865 (BN2865) ghi nhận tại Khánh Hòa: Bệnh nhân nam, 31 tuổi, là công dân Việt Nam có địa chỉ tại huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Ngày 11/4, bệnh nhân từ Nhật Bản nhập cảnh Sân bay Cam Ranh trên chuyến bay VJ8645 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Khánh Hòa. Kết quả xét nghiệm ngày 28/4 bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2. Hiện, bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa.

Số người cách ly

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 38.520, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 523 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 23.189 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 14.808 người.

Tình hình điều trị

Theo báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, trong số các bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế, số ca âm tính lần 1 với SARS-CoV-2 là 13 ca; số ca âm tính lần 2 với SARS-CoV-2 là 15 ca và số ca âm tính lần 3 với SARS-CoV-2 là 20 ca.

Bộ Y tế hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2

Ngày 28/4, Bộ Y tế vừa có Quyết định số 2022/QĐ-BYT ban hành Hướng dẫn sử dụng sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2. Hướng dẫn này được áp dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh, y tế dự phòng và các phòng xét nghiệm trên toàn quốc.

Hướng dẫn nêu rõ, việc chẩn đoán mắc COVID-19 thời gian qua chủ yếu dựa vào xét nghiệm Realtime RT-PCR. Đến nay trên toàn quốc đã có 169 phòng xét nghiệm phát hiện SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR với công suất xét nghiệm tối đa gần 64.000 mẫu/ngày. Trong số đó, có 114 phòng xét nghiệm đủ năng lực khẳng định nhiễm SARS-CoV-2 với công suất xét nghiệm tối đa hơn 52.000 mẫu/ngày. Từ năm 2020 đến nay, cả nước đã thực hiện xét nghiệm Realtime RT-PCR được hơn 2.600.000 mẫu cho 3.500.000 lượt người.

Ngoài sinh phẩm xét nghiệm bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR, nhiều loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên cũng đã được phát triển, góp phần đa dạng hóa các kỹ thuật xét nghiệm phát hiện vi rút SARS-CoV-2. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên có ưu điểm thuận tiện khi sử dụng, cho kết quả nhanh trong vòng 30 phút, có thể sử dụng ở ngoài phòng xét nghiệm, chi phí thấp hơn so với xét nghiệm Realtime RT-PCR. Xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả tốt nhất trong vòng 5-7 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng.

Một số nghiên cứu cho thấy kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 có thể giảm xuống dưới ngưỡng phát hiện sau 5 ngày khởi phát triệu chứng dẫn đến việc xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính trong khi các xét nghiệm có độ nhạy cao như Realtime RT-PCR cho kết quả dương tính. Điều này có nghĩa là xét nghiệm nhanh kháng nguyên có độ nhạy thấp hơn so với xét nghiệm Realtime RT-PCR nên có thể cho kết quả âm tính giả.

Ở cộng đồng có tỷ lệ mắc thấp, kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính cũng chưa thể xác định tình trạng nhiễm vi rút SARS-CoV-2 mà cần được khẳng định lại bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR.

Tại Việt Nam hiện nay đã có một số loại sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Để sử dụng sinh phẩm xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 hiệu quả và đáp ứng tình hình dịch, Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên.

Mục tiêu nhằm hỗ trợ thực hiện giám sát dịch tễ đối với một hoặc nhiều nhóm quần thể; Hỗ trợ trong các nghiên cứu về dịch tễ học quần thể; Sử dụng hiệu quả, hợp lý các nguồn lực xét nghiệm SARS-CoV-2.

Nguyên tắc áp dụng: Xét nghiệm nhanh phát hiện kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 không dùng để thay thế cho xét nghiệm phát hiện vật chất di truyền của vi rút SARSCoV-2 (Realtime RT-PCR) mà chỉ dùng để hỗ trợ trong việc giám sát, phát hiện, chẩn đoán mắc COVID-19. Áp dụng tại các cơ sở đủ năng lực và có thể thực hiện được xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Các cơ sở xét nghiệm căn cứ nguồn lực, tình hình dịch bệnh, nhu cầu xét nghiệm để triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên trong việc giám sát bệnh COVID-19. Phòng xét nghiệm thực hiện đánh giá các giá trị chẩn đoán (độ nhạy, độ đặc hiệu) của sinh phẩm xét nghiệm nhanh kháng nguyên vi rút SARS-CoV-2 trước khi triển khai và chịu trách nhiệm về chất lượng xét nghiệm. Việc lấy mẫu, thực hiện xét nghiệm tại phòng xét nghiệm hoặc các điểm giám sát lưu động phải bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm cho người và ra môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiều 28/4, thêm 8 ca nhập cảnh mắc COVID-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO