Chiến lược phát triển ngành Công thương sẽ lồng ghép nội dung về ứng phó BĐKH

29/12/2014 00:00

(TN&MT) - Bộ Công thương đã ra quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/1/2014 của Chính phủ.

(TN&MT) - Trong tháng 10/2014, Bộ Công thương đã ra quyết định về việc ban hành kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 23/1/2014 của Chính phủ thực hiện NQ số 24-NQ/TƯ của Ban Chấp hành TƯ Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
   
  Đối với nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Công thương đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 chú trọng việc nâng cao nhận thức, năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ trong chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời 100% các Chiến lược, Quy hoạch phát triển ngành từ sau năm 2015 do Bộ Công Thương ban hành, trình ban hành sẽ được rà soát, lồng ghép các nội dung về ứng phó với biến đổi khí hậu.
   
  Song song với đó Bộ Công thương thúc đẩy các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính trong công nghiệp và năng lượng góp phần thực hiện mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính.
   
  Lượng phát thải khí nhà kính từ các ngành công nghiệp ở Việt Nam là 234 triệu tấn CO2, trong đó nhiều nhất là các ngành sản xuất xi măng, thép và dệt nhuộm. Để hạn chế lượng khí phát thải, Bộ Công Thương đang đẩy mạnh triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”; Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn 2055”; Dự án “Nâng cao năng lực cho các ngành công nghiệp và thương mại Việt Nam nhằm kiểm soát phát thải khí nhà kính và tăng cường khả năng thích ứng với BĐKH”.
   
  Bộ cũng yêu cầu các nhà sản xuất đầu tư chiều sâu để cải tạo các thiết bị sẵn có, đồng thời áp dụng biện pháp kỹ thuật tiên tiến, tổ chức sắp xếp lại sản xuất nhằm giảm tiêu hao năng lượng, hạn chế đến mức thấp nhất lượng phát thải CO2, giảm thiểu tác động của BĐKH, bảo vệ môi trường.
   
  Dự án “Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn tại Việt Nam” (CPEE) triển khai năm 2012 và kết thúc năm 2016 đã thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Với tổng số vốn dành cho dự án là trên 4 triệu USD, dự án nhằm củng cố năng lực, thực hiện sử dụng năng lượng hiệu quả trong các ngành công nghiệp trọng điểm, dự án nghiên cứu quy định mức hiệu suất năng lượng cho từng ngành, góp phần nâng cao hiệu quả năng lượng trong công nghiệp và giảm phát thải khí nhà kính.
   
Lượng phát thải khí nhà kính từ các ngành công nghiệp ở Việt Nam là 234 triệu tấn CO2
   
  Sau khi hoàn thành, dự án sẽ tiết kiệm được khoảng 91.1 360,4 nghìn TOE và giảm 1,253.9 nghìn tấn CO2. Thực hiện lộ trình xóa bỏ dần các cơ chế, chính sách hỗ trợ giá đối với nhiên liệu hóa thạch; khuyến khích các dự án phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, tái chế chất thải, sản xuất điện từ chất thải.
   
  Thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, đào tạo về BĐKH. Đánh giá tác động của BĐKH đến những lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng, đánh giá tiềm năng phát triển carbon thấp theo định hướng phát triển kinh tế xanh. Đề xuất nội dung, kế hoạch nghiên cứu về BĐKH trong lĩnh vực tài chính, thương mại quốc tế, chủ động ứng phó với các rào cản thương mại, kỹ thuật liên quan đến BĐKH.
   
  Tiếp cận công nghệ mới và huy động nguồn lực cho giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH và bảo vệ môi trường. Xây dựng các dự án thí điểm ứng phó với BĐKH. Tăng cường trao đổi thông tin liên quan đến BĐKH. Chỉnh sửa, bổ sung kế hoạch phù hợp với tình hình mới theo hướng tập trung, gọn nhẹ và dễ hành động.
   
  Ngay từ nhiều năm trước, các đơn vị thuộc Bộ đã thực hiện hàng loạt dự án liên quan tới việc ứng phó với BĐKH như: Điều tra đánh giá tác động của BĐKH với ngành hóa chất, thép, điện, khoáng sản, các ngành thương mại, các cụm công nghiệp, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp các bon thấp theo định hướng phát triển kinh tế xanh. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành, liên vùng; cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa.
   
  Quán triệt nguyên tắc: người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường. Có chính sách khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã sớm áp dụng những giải pháp sản xuất ở mức tự động hóa cao, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, ít chất thải và carbon thấp; nghiên cứu phát triển và tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến cho ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
   
Nhị Giang
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược phát triển ngành Công thương sẽ lồng ghép nội dung về ứng phó BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO