Chiến dịch Hồ Chí Minh - kết thúc thắng lợi 30 năm kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam

 Đại tá Nguyễn Văn Minh| 30/04/2021 08:24

(TN&MT) - Ngày 31/3/1975, Bộ chính trị nhận định: Cuộc chiến tranh cách mạng đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt một ngày bằng 20 năm, thời điểm tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi. Bộ chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất-chậm nhất là trong tháng 4 không thể để chậm.

Đây là quyết tâm chiến lược rất sáng suốt và chính xác của Đảng, mà tập trung là Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, chứng tỏ Đảng ta hết sức nhạy bén, sáng suốt, chủ động điều khiển cuộc chiến tranh kết thúc đúng với ý định của mình.

Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975. Ảnh: Tư liệu

Thực hiện quyết tâm của Bộ chính trị và Quân ủy Trung ương, hậu phương lớn miền Bắc đã huy động toàn bộ lực lượng và phương tiện chuyển vào miền Nam 230.000 tấn vật chất, kỹ thuật; riêng trong 11 ngày chuẩn bị nước rút cho chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Bắc đã đưa vào miền Đông Nam Bộ 51000 tấn vật chất các loại. Ở miền Nam, hậu cần miền đã huy động 63324 dân công hỏa tuyến vận chuyển đạn, gạo, thực phẩm vào các kho dự trữ chiến dịch trên năm hướng.

Cùng với việc vận chuyển vật chất, kỹ thuật quân sự, các binh đoàn chiến lược binh chủng hợp thành của Quân đội nhân dân Việt Nam vừa đánh địch, mở đường, vừa hành quân thần tốc, táo bạo vào mặt trận Sài Gòn trên cả năm hướng Bắc, Tây Bắc, Đông, Đông Nam, Tây Nam. Mỗi hướng lực lượng chủ lực ta có từ 30.000 đến 50.000 quân và hàng ngàn xe tăng, thiết giáp, xe cơ giới khác. Tối ngày 7.4, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra mệnh lệnh cho các cánh quân đang tiến về Sài Gòn: "Mệnh lệnh: 1/Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới Mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2/ Truyền đạt tức khắc đến Đảng viên và chiến sĩ" 1. Nhận được mệnh lệnh, các đơn vị bộ binh và binh chủng đã tăng tốc độ hành quân đến vị trí chiến dịch đúng quy định.

Ngày 8/4/1975, Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn-chiến dịch Hồ Chí Minh-được thành lập do đại tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, Phạm Hùng làm chính ủy; các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện, phó tư lệnh; Lê Ngọc Hiền quyền tham mưu trưởng chiến dịch.

Tình hình diễn biến mau lẹ từng ngày, đòi hỏi lực lượng tham gia chiến dịch hết sức khẩn trương. Để giành thắng lợi cho trận quyết chiến cuối cùng này và để nhanh chóng đè bẹp sự kháng cự của quân nguỵ Sài Gòn, giữ cho thành phố không bị đổ nát, Bộ tư lệnh chiến dịch họp bàn và đề ra cách đánh chiến dịch là: Dùng một bộ phận của từng hướng bao vây, chia cắt, ngăn chặn không cho lực lượng địch co cụm về Sài Gòn, diệt và làm tan rã các sư đoàn chủ lực địch ở vòng ngoài; đồng thời dùng lực lượng mạnh nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm bàn đạp vùng ven để mở đường cho các binh đoàn chiến lược đột kích thẳng vào các mục tiêu then chốt đã lựa chọn trong nội đô.

Trong lúc Bộ chỉ huy chiến dịch bàn cách đánh, thì phi công Nguyễn Thành Trung lái chiếc F5E ném bom Dinh độc lập, rồi bay ra vùng giải phóng an toàn. Trận ném bom Dinh độc lập đã làm cho địch hoang mang, nội bộ nghi kỵ lẫn nhau góp phần thúc đẩy nhanh quá trình suy sụp của chính quyền Sài Gòn, tạo thuận lợi cho các binh đoàn chủ lực của ta triển khai thế trận.

Ngày 9/4/1975, Quân đoàn 4 tiến công vào tuyến phòng thủ của địch ở Xuân Lộc. Ngày 14/4/1975 ở hướng Đông, Quân đoàn 2 nổ súng tiến công tuyến phòng thủ Phan Rang. Cũng trong ngày này, Bộ chính trị quyết định đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngày 21/4/1975 cuộc tiến công mạnh mẽ của Quân đoàn 4 và Trung đoàn 95B đã đè bẹp mọi sức kháng cự của địch, tiêu diệt và làm tan rã sư đoàn 18 ngụy, giải phóng Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh. Cánh cửa thép hướng Đông tiến vào Sài Gòn đã mở. Thấy không thể cứu vãn được chính quyền Sài Gòn, Tổng thống Mỹ G.Pho ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn. Ngày 21.4 Nguyễn Văn Thiệu từ chức, Trần Văn Hương lên thay thề sẽ cùng "tử thủ" với binh lính.

Ngày 22/4/1975, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng theo sát cuộc tiến công đã điện chỉ đạo Bộ tư lệnh chiến dịch là: "Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không thể để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về chính trị, quân sự. Kịp thời hành động lúc này là đảm bảo chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn...". Thực hiện sự chỉ đạo của đồng chí Lê Duẩn, ngày 23/4, quân đoàn 2 mở cuộc tiến công giải phóng thị xã Hàm Tân và toàn tỉnh Bình Tuy, áp sát lực lượng vào Biên Hòa.

Theo kế hoạch của Bộ chỉ huy chiến dịch, ngày 27/4, các hướng sẽ đồng loạt tiến công địch, chiếm bàn đạp ven đô. Song lúc 17 giờ ngày 26/4, Quân đoàn 2 nổ súng tiến công vào tuyến phóng thủ của địch ở hướng Đông và Đông Nam, đánh chiếm trường huấn luyện thiết giáp; căn cứ Nước Trong, chi khu Long Thành, vượt đường 15, giải phóng Phước Thường, bao vây Long Tân, đánh chiếm chi khu Đức Thạnh. Quân đoàn 4 đánh chiếm chi khu Trảng Bom, diệt và làm tan rã lữ dù 3, lữ thủy quân lục chiến 468... Chiến dịch Hồ Chí Minh mờ màn! Quân ta trên các hướng Bắc, Tây Bắc, Đông và Đông Nam, Tây và Tây Nam đã kết hợp tiến công với nổi dậy diệt và làm tan rã các sư đoàn địch phòng thủ vòng ngoài, chiếm bàn đạp vùng ven, sẵn sàng tổng công kích vào nội đô.

Trước tình hình trên, ngày 28/4/1975 Trần Văn Hương phải nhường chức Tổng thống ngụy quyền cho Dương Văn Minh. Minh vừa nhậm chức thì không quân ta dùng máy bay A37 lấy được của Mỹ ném bom sân bay Tân Sơn Nhất, Tổng thống Mỹ buộc phải hủy bỏ kế hoạch di tản bằng máy bay có cánh cố định, chuyển sang thực hiện chiến dịch di tản "người liều mạng" bằng máy bay trực thăng.

Phối hợp với cuộc tiến công của các binh đoàn chủ lực, 26000 cán bộ, chiến sĩ đặc công, biệt động, an ninh vũ trang, tự vệ và cơ sở cách mạng trong nội thành áp sát các mục tiêu địch, đánh chiếm và giữ các đầu mối giao thông trên năm hướng tiến vào nội đô. Thành ủy Sài Gòn-Gia Định cử 7000 cán bộ cơ sở xuống các xã, phường, quận, huyện tổ chức cho quần chúng nổi dậy và tiếp tế cơm nước, dẫn đường cho bộ đội tiến công. Do chuẩn bị chu đáo nên trong quá trình cuộc tiến công, nhân dân và lực lượng vũ trang Sài Gòn-Gia Định, các tỉnh vùng ven đã nổi dậy chiếm các công sở, nhà máy, giữ trật tự an ninh, truy bắt tàn binh địch vẫn còn lẩn trốn, tiếp tế cơm nước và dẫn đường cho bộ đội phát triển tiến công. Sự phối hợp nhịp nhàng của nhân dân nổi dậy và làm công tác binh vận đã góp phần rất quan trọng hỗ trợ tích cực cho các binh đoàn chủ lực phát triển tiến công nhanh vào nội đô.

Nhân dân Sài Gòn mittinh mừng Ùy ban quân quản thành phố ra mắt ngày 7/5/1975. Ảnh: Tư Liệu của TTXVN

5 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân ta từ bốn hướng đồng loạt đánh vào năm mục tiêu đã lựa chọn: Bộ tổng tham mưu ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Dinh độc lập, Tổng nha cảnh sát đô thành, Biệt khu thủ đô.

Trên hướng Tây và Tây Nam: Sư đoàn 9, đoàn 232 đánh chiếm khu Nhà Bè, cầu Nhị thiên đường, cầu Chữ Y, Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia, Bộ tư lệnh lục quân, chiếm khu Tân Tạo và khu ra đa Phú Lâm...; Sư đoàn 5 và các trung đoàn 16, 24, 88 độc lập đánh diệt, làm tan rã sư đoàn 22, giải phóng thị xã Tân An, chi khu Thủ Thừa, chiếm cầu Bình Điền, An Lạc, phát triển cùng nhân dân giải phóng quận 5, 6, phối hợp với sư đoàn 9 chiếm Bộ tư lệnh cảnh sát quốc gia...

Bộ đội đặc công phối hợp với nhân dân đánh địch, giải phóng quận Tân Bình, quận Bình Chánh và đặc khu rừng Sát.

Trên hướng Tây Bắc: Quân đoàn 3 sau khi đánh chiếm căn cứ Đồng Dù, Trảng Bàng, diệt sư đoàn 25 ngụy, tiến công chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ tư lệnh sư đoàn 5 không quân, Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh quân dù và phối hợp với quân đoàn 1 ở cánh Bắc đánh chiếm Bộ tổng tham mưu ngụy.

 Hướng Bắc: Quân đoàn 1 diệt căn cứ Phú Lợi, phát triển tiến công diệt và làm tan rã sư đoàn 5 ngụy, giải phóng tỉnh Bình Dương. Binh đoàn thọc sâu quân đoàn 1 diệt lữ đoàn 3 kỵ binh tại cầu Bình Triệu, qua ngã tư Phú Nhuận, theo đường Võ Tánh tiến công vào cổng số 2 và 3 phối hợp với quân đoàn 3 chiếm Bộ tổng tham mưu.

Hướng Đông: 7 giờ, quân đoàn 4 tiến công chiếm Bộ tư lệnh quân đoàn 3 ngụy, Bộ tư lệnh sư đoàn 3 không quân, sân bay Biên Hòa, đánh tan địch ngăn chặn ở Hố Nai, sau đó tiến công sang quận Thủ Đức, phát triển vào nội đô đánh chiếm bộ chỉ huy thủy quân lục chiến, căn cứ hải quân, Bộ quốc phòng, cảng Bạch Đằng, Đài phát thanh... Sư đoàn 3 quân khu 5 giải phóng Vũng Tàu, phát triển tiến công chiếm Cần Giờ.

Quân đoàn 2 tổ chức vượt sông Sài Gòn tiến công địch, giải phóng quận 9 và Thủ Thiêm. Binh đoàn thọc sâu quân đoàn 2 do sư đoàn 304 và lữ đoàn xe tăng 203 đảm nhiệm đã vượt cầu xa lộ Đồng Nai, đánh tan quân địch ngăn chặn, thần tốc tiến về Dinh độc lập. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ Mặt trận nửa đỏ nửa xanh, ngôi sao vàng được kéo lên đỉnh cột cờ của Dinh độc lập, báo tin chiến dịch Hồ Chí Minh đã toàn thắng. Tổng thống Dương Văn Minh và nội các Vũ Văn Mẫu đã tuyên bố đầu hàng cách mạng không điều kiện.

Cùng với cuộc tiến công giải phóng Sài Gòn-Gia Định, một bộ phận chủ lực ta nhanh chóng tiến công địch, giải phóng các đảo ven biển miền Trung và quần đảo Trường Sa. Nhân dân và lực lượng vũ trang các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Đồng Bằng sông Cửu Long tiến công và nổi dậy diệt và làm tan rã quân đoàn 4 ngụy, giải phóng phóng các tỉnh Long An, Bình Dương, Tây Ninh, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Rạch Giá, Bạc Liêu, Phú Quốc (30.4); Ngày 1.5 quân và dân ta tiếp tục giải phóng các tỉnh Mỹ Tho, Gò Công, Vĩnh Long, Chương Thiện, Cà Mau, Long Xuyên, Kiến Tường, Sa Đéc, Châu Đốc, Côn Đảo.

Như vậy đến ngày 1/5/1975 toàn bộ các tỉnh, các thành phố trên đất liền, các đảo và quần đảo ở biển Đông trên toàn miền Nam được hoàn toàn giải phóng.

Thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc vẻ vang sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân, toàn dân ta, mở ra kr nguyên mới trong lịch sử phát triển của đất nước; kỷ nguyên độc lập, tự do, thống nhất; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta chung sức chung lòng xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến dịch Hồ Chí Minh - kết thúc thắng lợi 30 năm kháng chiến chống xâm lược, giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO