Chi tiết hóa dữ liệu để đưa vào Trung tâm dữ liệu liên ngành vùng Đồng bằng sông Cửu Long

T.Chinh| 13/09/2019 14:05

(TN&MT) – Sáng 13/9, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp với các đơn vị trực thuộc Bộ có liên quan đến các lĩnh vực: KTTV, tài nguyên nước và viễn thám để lắng nghe báo cáo về việc chuẩn bị dữ liệu thuộc các lĩnh vực này tích hợp vào Trung tâm dữ liệu liên ngành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Phú - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ngày 27/10/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Quyết định số 2657/QĐ-BTNMT về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Tiểu dự án 4 “Đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long tích hợp dữ liệu tài nguyên và môi trường của khu vực phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu” thuộc Hợp phần 1, dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long”.

Thực hiện Quyết định này, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng đã triển khai các thủ tục liên quan đến lập, trình phê duyệt hồ sơ thiết kế thi công - dự toán. Tuy nhiên trong việc lấy ý kiến về điều khoản tham chiếu tuyển chọn tư vấn lập hồ sơ thiết kế thi công - dự toán, Ngân hàng Thế giới có đưa ra các nhận xét và yêu cầu tuyên chọn các Tư vấn hỗ trợ kỹ thuật thực hiện các nhiệm vụ: điều tra, lập nhiệm vụ thiết kế thi công mô hình trung tâm.

ông Nguyễn Đức Phú - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng
Ông Nguyễn Đức Phú - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng báo cáo tại cuộc họp

Theo ông Nguyễn Đức Phú, nhóm tư vấn được tuyển chọn đã phối hợp cùng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường lập, phê duyệt kể hoạch thực hiện khảo sát tại 17 đơn vị thuộc các Bộ, ngành, 12 đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Hà Nội và các cơ quan có liên quan tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Về kết quả thu được, ông Nguyễn Đức Phú cho biết: Thực hiện 2 đợt khảo sát tham vấn trực tiếp nhóm tư vấn đã khảo sát 10 đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; các đơn vị đã khảo sát trong 2 đợt được phân loại theo nhu cầu khai thác/ trao đổi dữ liệu và hiện trạng cơ sở dữ liệu (CSDL) quản lý; tổng hợp hiện trạng dữ liệu có thể đưa vào phục vụ Trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long của các đơn vị cấp Bộ đã khảo sát.

Ông Nguyễn Bảo Trung – Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường cho biết: Trung tâm CSDL là Trung tâm vùng, liên kết vùng, được đầu tư về hạ tầng công nghệ thông tin tương đối hiện đại. CSDL liên ngành để tạo lập môi trường kết nối các dữ liệu lại, tổng hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin.

Ông Nguyễn Bảo Trung cho rằng hiện đang thiếu khung pháp lý cấp Chính phủ để yêu cầu các bộ, ngành cùng phối hợp để cùng tham gia xây dựng, chia sẻ CSDL trong Trung tâm tích hợp CSDL Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại cuộc họp, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước đánh giá dữ liệu nền địa hình rất quan trọng. Ông cũng cho rằng tham gia vào CSDL tích hợp là điều cần thiết và quan trọng.
 

Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu
Ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước phát biểu

Theo ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra Tài nguyên nước quốc gia, Trung tâm có dữ liệu trong 10 năm gần đây và sẵn sàng tích hợp vào Trung tâm CSDL.

Báo cáo tại cuộc họp, bà Huỳnh Thị Lan Hương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết: Năm 2016, Viện đã thiết kế CSDL trên nền Web GIS cho kịch bản BĐKH 2016 của một số yếu tố mưa, nhiệt độ và bản đồ nguy cơ ngập, dùng Bản quyền của ESRI (Mỹ). Hiện nay, trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, Viện được giao nhiệm vụ xây dựng CSDL về BĐKH, dự án dự kiến kết thúc vào năm 2020, ưu tiên trong năm 2019 tập trung cho vùng ĐBSCL.

CSDL sẽ được sắp xếp theo các nội dung chính gồm: CSDL về Bộ chuẩn khí hậu; CSDL về Đánh giá khí hậu; CSDL về Kịch bản BĐKH; CSDL Thông tin, dữ liệu về phát thải khí nhà kính; CSDL Thông tin, dữ liệu về tác động của thiên tai khí tượng thủy văn và BĐKH; CSDL Tài chính BĐKH; CSDL Tri thức phục vụ tra cứu.

Với 306 Trạm tự động, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV La Đức Dũng cho biết Tổng cục KTTV sẵn sàng truyền về Trung tâm CSDL.

Ông Chu Hải Tùng, Phó Cục trưởng Cục Viễn thám quốc gia nhấn mạnh hiện nay Cục sẵn sàng cung cấp nền dữ liệu viễn thám 4 thời kỳ. Đánh giá và lấy dẫn chứng về tính thông minh của dữ liệu số, ông cho rằng các đơn vị cần nghiên cứu xây dựng phần mềm quét được dữ liệu giấy thành dữ liệu số.

Quang cảnh cuộc họp
Quang cảnh cuộc họp

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và Cục Công nghệ thông tin trình Bộ chủ trương chung về chuẩn hóa dữ liệu và trách nhiệm các đơn vị trong việc kết nối dữ liệu; rà soát lại các công việc cần làm để kết nối dữ liệu trong Bộ (vì có đơn vị đã có dữ liệu nhưng chưa tổng hợp, dữ liệu đã có nhưng chưa số hóa).

Thứ trưởng cho rằng phần mềm dùng chung nên chia sẻ cho các đơn vị có thể dùng chung.

Về các đơn vị chuyên môn, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị này chi tiết hóa các dữ liệu để đưa vào Trung tâm. “Về dữ liệu tài nguyên nước, Cục Quản lý tài nguyên nước là đầu mối tổng hợp để đưa vào Trung tâm CSDL Đồng bằng sông Cửu Long. Tương tự, liên quan đến dữ liệu KTTV, BĐKH và viễn thám thì các đơn vị tương ứng: Tổng cục KTTV, Cục Biến đổi khí hậu và Cục Viễn thám quốc gia là đầu mối” – Thứ trưởng chỉ rõ.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, các đơn vị trên lập bảng chi tiết danh mục CSDL để dự kiến sẽ tích hợp vào Trung tâm CSDL Đồng bằng sông Cửu Long, báo cáo gửi Thứ trưởng trước ngày 15/11, và cũng gửi đến Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và Cục Công nghệ thông tin.

Thứ trưởng đề nghị các cơ quan trên có kế hoạch xây dựng và ban hành quy định về chuẩn dữ liệu số trong lĩnh vực của từng cơ quan quản lý, đồng thời phân loại dữ liệu cần chia sẻ miễn phí và dữ liệu có thể thành giá trị gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi tiết hóa dữ liệu để đưa vào Trung tâm dữ liệu liên ngành vùng Đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO