Chỉ rõ tồn tại trong xử lý vi phạm về TN&MT ở Ninh Thuận

Thúy Nhi| 05/12/2022 13:10

(TN&MT) - Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Thông báo Kết luận số 17/KL-BTNMT về việc kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2021 tại tỉnh Ninh Thuận.

Theo đó, về áp dụng pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính (XPVPHC), trong năm 2021, mặc dù, bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trên địa bàn tỉnh, các cấp có thẩm quyền đã xử phạt 349 vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường với số tiền xử phạt là 6.058.181.000 đồng, trong đó, lĩnh vực đất đai là 231 trường hợp với tổng số tiền phạt chính là 2.170.985.000 đồng; lĩnh vực khoáng sản 81 trường hợp với tổng số tiền phạt chính là 875.924.000 đồng, hình thức xử phạt bổ sung là 2.338.772.000 đồng; lĩnh vực môi trường 32 trường hợp vi phạm với tổng số tiền phạt chính là 612.500.000 đồng, lĩnh vực tài nguyên nước 1 trường hợp vi phạm với số tiền phạt chính là 40.000.000 đồng; lĩnh vực đo đạc và bản đồ 2 trường hợp với số tiền phạt chính là 20.000.000 đồng.

Qua số vụ việc vi phạm được phát hiện, xử lý cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt, sát sao của UBND tỉnh Thuận và các cấp, các ngành tại địa phương trong công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, trong số 349 trường hợp có quyết định XPVPHC, có 10 Quyết định XPVPHC có đơn kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cho phép tồn tại các công trình vi phạm do điều kiện kinh tế khó khăn, không có chỗ ở nào khác; trong kỳ báo cáo không phát sinh đơn thư khiếu nại, khiếu kiện hành chính và không có trường hợp tái phạm.

Tuy nhiên, về áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), qua rà soát Báo cáo số 213/BC-UBN của UBND tỉnh, trong số 341 Quyết định XPVPHC có hình thức xử phạt tiền, đã có 261/341 Quyết định XPVPHC có hình thức xử phạt tiền đã thi hành xong (chiếm 77%), số Quyết định XPVPHC chưa thi hành xong là 80/341 Quyết định.

Trong số 80 Quyết định chưa thi hành thì có 63/802 đã hết thời hiệu thi hành quyết định XPVPHC theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật XLVPHC, với số tiền chưa thu được vào ngân sách nhà nước là 789.500.000 đồng.

Bên cạnh đó, trong số 6/6 Quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả (ADBPKPHQ) mà không ban hành Quyết định XPVPHC, có 1 Quyết định đã thi hành, 5/6 Quyết định đã ban hành Quyết định cưỡng chế. Đối với các BPKPHQ ban hành cùng với Quyết định XPVPHC, hầu hết các địa phương BPKPHQ chưa được thi hành hoặc có ra Quyết định cưỡng chế nhưng chưa thực hiện. Ngoài ra, rất nhiều trường hợp, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, xử phạt chưa đầy đủ BPKPHQ là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Về thẩm quyền XPVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong năm 2021, về cơ bản, việc XPVPHC trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận được thực hiện theo đúng thẩm quyền của pháp luật. Tuy nhiên, qua kiểm tra, một số địa phương, việc giao quyền XPVPHC cho cấp phó xử phạt chưa được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 54 Luật XLVPHC, Mẫu số 29 Nghị định số 97/2017/NĐ-CP, theo đó phải có văn bản riêng về việc giao quyền XPVPHC, trong đó, phải xác định được phạm vi giao quyền, nội dung giao quyền, thời hạn được giao quyền.

Bên cạnh đó, một số trường hợp xử phạt cần xem xét lại về thẩm quyền, đặc biệt là Quyết định xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã. Theo Phụ lục kèm theo Báo cáo số 213/BC-UBND, một số Quyết định XPVPHC của Chủ tịch UBND cấp xã trong lĩnh vực đất đai theo quy định tại Nghị định số 91/2019/NĐCP ngoài hình thức xử phạt chính còn ADBPKPHQ, trong đó, có những BPKPHQ không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã (theo quy định tại Điều 52 Luật XLVPHC trường hợp này thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện).

Qua kiểm tra theo xác suất 22 hồ sơ thuộc thẩm quyền XPVPHC của Chủ tịch UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã xử phạt trong năm 2021, còn một số tồn tại, sai sót.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, UBND tỉnh Ninh Thuận cần tiếp tục quan tâm công tác thi hành pháp luật về XLVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong thời gian tới; có các giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục kịp thời những hạn chế, đặc biệt là tăng cường thanh tra, kiểm tra và tăng cường năng lực của đội ngũ công chức tham gia công tác XPVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường; quan tâm bố trí nguồn lực, điều kiện cần thiết cho thi hành pháp luật về XLVPHC và thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia công tác XPVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận khẩn trương hoàn thiện, ban hành quy định mức độ buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu trước khi vi phạm đối với từng loại vi phạm đất đai theo thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về XPVPHC trong lĩnh vực đất đai.

Về xử lý sai phạm trong áp dụng pháp luật về XLVPHC, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo kiểm tra các Quyết định XPVPHC trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND cấp xã trong năm 2021; xử lý trách nhiệm của các cá nhân có liên quan trong trường hợp xử phạt không đúng thẩm quyền; không đúng, không đầy đủ các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm nếu thuộc trường hợp có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các Quyết định XPVPHC chưa thực hiện còn thời hiệu thi hành theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật XLVPHC; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện để quá thời hiệu thi hành các Quyết định XPVPHC...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ rõ tồn tại trong xử lý vi phạm về TN&MT ở Ninh Thuận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO