Chi Lăng (Lạng Sơn): Sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất đai

Hoàng Nghĩa| 15/02/2022 22:05

(TN&MT) - Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn đã đạt nhiều kết quả khả quan. Đất đai được đưa vào sử dụng hợp lý, hiệu quả, từng bước theo hướng thân thiện với môi trường, góp phần phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.

Triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền

Để đưa Luật Đất đai 2013 vào cuộc sống, những năm qua, huyện Chi Lăng đã tổ chức 20 cuộc tập huấn với hơn 1.200 lượt người tham gia, với các nội dung quán triệt phổ biến các quy định của Luật Đất đai đến toàn thể cán bộ, đảng viên, UBND các xã, thị trấn và nhân dân trên địa bàn.

Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai được quan tâm thực hiện ở các cấp, các ngành với nhiều nội dung chuyên sâu và bằng nhiều hình thức đến mọi đối tượng với những nội dung thiết thực, phù hợp, được các cấp, các ngành và dư luận nhân dân đánh giá cao.

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch được quan tâm thực hiện nghiêm. Qua đó, giúp người sử dụng đất nắm bắt thông tin và nhận thức đúng vai trò, tầm quan trọng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong phát triển kinh tế - xã hội.

Ý thức chấp hành quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các cấp chính quyền đã được nâng lên; công tác kiểm tra, giám sát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người sử dụng đất quan tâm thực hiện, tình trạng vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất ở địa phương ngày một giảm.

img_20220215_153303.jpg
Đất đai tại Chi Lăng ngày càng được quản lý chặt chẽ, đưa vào sử dụng hợp lý, hiệu quả.

Cơ bản hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính

Trong công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giai đoạn 2014-2020, huyện Chi Lăng đã ban hành các quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng 29,75ha, trong đó, giao đất 0,37 ha; chuyển mục đích sử dụng 29,38 ha. Thực hiện đấu giá thành công 0,37ha đất, tổng giá trị trên 10 tỷ đồng.

Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đã thu hồi hơn 9ha đất phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh; hơn 227ha đất giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tổng diện tích đất đã thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 236,4ha, của hơn 3.900 hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư.

Công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính trên địa bàn huyện được quan tâm triển khai. Giai đoạn 2004-2008, đã hoàn thành đo đạc 21/21 xã, thị trấn (nay đã sáp nhập 2 đơn vị hành chính còn 20/20 xã, thị trấn) với diện tích trên 70.400ha. Trên cơ sở đó, đã triển khai cấp GCNQSDĐ lần đầu được 3.118 thửa đất, diện tích hơn 391ha; cấp đổi được 4.716 thửa/378ha. Lập sổ mục kê và sổ địa chính cho 3.118 thửa đất; chỉnh lý sổ địa chính cho 4.716 thửa đất.

Về xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, tỉnh Lạng Sơn đã sử dụng phần mềm Elis do Cục công nghệ thông tin chuyển giao, kết quả đến nay, trên địa bàn huyện đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 20/20 xã, thị trấn. Trong đó, tích hợp cơ sở dữ liệu địa chính đưa vào quản lý, khai thác vận hành hệ thống thông tin đất đai được 16/20 xã thị trấn; 4 xã đang thực hiện tích hợp để quản lý, khai thác vận hành hệ thống thông tin đất đai gồm Gia Lộc, Nhân Lý, Y Tịch, Hòa Bình.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng cho biết, những năm qua, công tác quản lý đất đai trên địa bàn huyện đã đạt nhiều kết quả khả quan. UBND huyện đã kịp thời ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền cấp huyện và triển khai các văn bản của cơ quan cấp trên theo quy định của Luật Đất đai, phù hợp với thực tế, đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi chính sách pháp luật về đất đai được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai.

Cùng với đó, huyện đã tập trung kiểm tra, rà soát, bãi bỏ những thủ tục hành chính không cần thiết; cắt giảm, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; công bố công khai các thủ tục hành chính mới theo quy định của Luật Đất đai 2013, để cho người dân và doanh nghiệp thuận tiện tra cứu, áp dụng.

Tiếp tục từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý đất đai tại địa phương; đẩy mạnh công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ; tăng cường trang thiết bị, máy móc công nghệ mới đáp ứng cho các hoạt động quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn hạn chế, vẫn nảy sinh tình trạng người sử dụng đất tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Việc giao đất có thu tiền và cho thuê đất theo hình thức đấu giá thực hiện còn hạn chế; việc giám sát sử dụng đất tại các dự án, công trình chưa sát sao, còn tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng đã nhiều năm mà không xử lý; việc chuyển sang thuê đất đối với các tổ chức sự nghiệp công lập tự chủ tài chính vẫn chưa được triển khai thực hiện quyết liệt.

img_1639142421225_1644913991084.jpg
Huyện Chi Lăng đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 20/20 xã, thị trấn.

Đáng lưu ý, dù công tác đo đạc lập bản đồ địa chính đã hoàn thành, song có 2 thị trấn bản đồ địa chính được đo vẽ từ năm 1999, nay biến động rất lớn do đô thị hóa và công tác chỉnh lý biến động không kịp thời, dẫn tới một số nơi hệ thống hồ sơ địa chính không đáp ứng được yêu cầu phục vụ quản lý nhà nước về đất đai. Năm 2014, huyện đã thực hiện đo đạc chỉnh lý biến động bản đồ địa chính song việc chỉnh lý còn chưa đáp ứng được yêu cầu về hiện trạng sử dụng đất.

Công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên địa bàn huyện đã cơ bản hoàn thành trên 85%. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Việc xác minh nguồn gốc sử dụng đất do không có giấy tờ về thửa đất, một số hồ sơ lưu trữ cũ, hư hỏng, thất lạc; thủ tục mua bán, chuyển nhượng đất đai tại khu vực nông thôn chỉ có giấy viết tay, không đăng ký với UBND cấp xã khá phổ biến…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi Lăng (Lạng Sơn): Sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO