Chi Lăng (Lạng Sơn): Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường

Hoàng Nghĩa| 11/11/2022 16:48

(TN&MT) - Những năm qua, huyện Chi Lăng (Lạng Sơn) đã triển khai hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường, tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động của tổ chức, cá nhân trong chấp hành pháp luật về đất đai, môi trường.

Giám sát, xử lý nghiêm vi phạm về đất đai

Thực hiện Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, huyện Chi Lăng đã đa dạng hóa công tác tuyên truyền pháp luật về đất đai đến người sử dụng đất bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền tại các buổi tiếp công dân của Chủ tịch UBND huyện; tuyên truyền tại các cuộc làm việc với người sử dụng đất để xác minh, giải quyết đơn thư; triển khai ở các cuộc họp giải phóng mặt bằng tại thôn, khu phố; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh…

Theo Trưởng phòng TN&MT huyện Chi Lăng Lê Anh Tùng, riêng trong 9 tháng đầu năm 2022, UBND huyện đã ban hành trên 350 văn bản chỉ đạo, điều hành về tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; chỉ đạo quyết liệt việc sử dụng đất đảm bảo tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thành thống kê đất đai năm 2021; tổ chức đấu giá thành công 21 thửa đất. Công tác giao đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất bám sát Kế hoạch sử dụng đất hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt.

img_1639142421231_1639192254638.jpg
Huyện Chi Lăng xử lý nghiêm các vi phạm về đất đai, từng bước đưa công tác này đi vào nền nếp.

Đặc biệt, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về đất đai, xây dựng lộ trình xử lý các vi phạm về đất đai đã tồn tại từ các năm trước. Chấn chỉnh việc cho phép đổ đất lên đất trồng lúa, đất trồng cây hàng năm khác với lý do cải tạo đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa, đất trồng cây hàng năm khác. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm phát sinh mới như lấn, chiếm đất công, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, tự ý khai thác tài nguyên đất sử dụng cho san lấp, đổ trộm đất thải dọc các tuyến đường.

Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã ban hành 39 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đất đai với tổng số tiền phạt gần 300 triệu đồng, buộc các tổ chức, cá nhân vi phạm nộp lại số lợi bất hợp pháp, buộc đăng ký đất đai, khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Đưa Luật Bảo vệ môi trường vào cuộc sống

Song song với công tác quản lý đất đai, huyện Chi Lăng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân hiểu rõ và thực hiện đúng các quy định mới. Thực hiện treo băng rôn, khẩu hiệu tại các tuyến phố chính, nơi tập trung đông dân cư để tuyên truyền bằng trực quan và thực hiện hàng chục lượt tuyên truyền lưu động trên địa bàn các xã, thị trấn. Duy trì hoạt động tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh đến từng nhà văn hóa thôn, bản. Các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện, UBND các xã, thị trấn cũng đã tổ chức hơn 100 cuộc họp triển khai Luật Bảo vệ môi trường đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động, nhân dân với gần 12.000 lượt người tham dự.

Cùng với đó, Chi Lăng đã phát động các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động vì môi trường, Tuần lễ quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn... Tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí, xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn huyện. Gắn việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải rắn khu vực nông thôn với việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Triển khai quan trắc hiện trạng môi trường tại các khu vực đang có hoạt động khai thác khoáng sản.

Theo đánh giá của UBND huyện, qua các hoạt động trên, ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện trong việc tuân thủ quy định về đất đai, bảo vệ môi trường đã được nâng lên. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tài nguyên, môi trường đã được các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn hưởng ứng, nhiệt tình tham gia. Công tác quản lý chất thải có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản giải quyết được những bức xúc về xử lý rác thải, đem lại cảnh quan, môi trường sáng xanh sạch đẹp. Thông qua hoạt động thanh, kiểm tra, đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hành vi vi phạm, bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực, góp phần hạn chế vi phạm về đất đai, môi trường.

ls-1.jpg
Đoàn viên thanh niên và người dân thị trấn Đồng Mỏ (Chi Lăng) vớt rác trên sông Thương.

Trưởng phòng TN&MT huyện Chi Lăng Lê Anh Tùng cho biết, thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về tài nguyên, môi trường. Hoàn thành xây dựng kế hoạch sử dụng đất năm 2023 đảm bảo tiến độ theo quy định. Tăng cường tuyên truyền, vận động để các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân chấp hành tốt chủ trương thu hồi đất của Nhà nước, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng các công trình, dự án. Kiểm tra, rà soát, xử lý phù hợp các khu đất công để tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ kế hoạch bảo vệ môi trường đối với các dự án, công trình triển khai trên địa bàn huyện. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường... Chú trọng tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ môi trường, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tài nguyên - môi trường trên toàn huyện…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi Lăng (Lạng Sơn): Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO