Kinh tế

Chi Lăng (Lạng Sơn): Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển thương mại, dịch vụ

PV 26/12/2023 - 17:31

(TN&MT) - Triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công thương theo Kế hoạch số 209/KH-UBND của UBND tỉnh Lạng Sơn, năm 2023, huyện Chi Lăng đã xây dựng kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cụ thể đến các cơ quan, đơn vị, địa phương. Bước đầu đã ghi nhận một số kết quả trên các lĩnh vực.

Theo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, trong năm, Phòng đã tham mưu UBND huyện triển khai thực hiện tốt các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh về phát triển thương mại, dịch vụ. Rà soát, đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phát triển thương mại, dịch vụ trong tình hình mới và các chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của huyện.

Tập trung nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về chuyển đổi số; hỗ trợ doanh nghiệp về kỹ thuật chuyển đổi số, xây dựng, quản lý thương hiệu sản phẩm; khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong kinh doanh thương mại, dịch vụ; tận dụng hiệu quả thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp.

img_20231010_213210.jpg
Lượng du khách đến địa bàn Chi Lăng tham quan và dự các sự kiện ước đạt khoảng 15.000 lượt người, tăng trên 300% so với năm 2022

Cùng với đó, Chi Lăng đã chú trọng thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thị trường và các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, thuận lợi.

Kiểm soát chặt chẽ, triển khai hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, nhất là các mặt hàng tiêu dùng. Quản lý chặt chẽ hoạt động thương mại điện tử, đấu tranh chống các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng... Qua đó, đã kiểm tra 217 vụ, phát hiện 129 vụ vi phạm, tổng tiền phạt gần 1,3 tỷ đồng.

Đồng thời đã phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch ngành thương mại, đảm bảo tính định hướng và phù hợp thực tiễn. Khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình kinh doanh đầu tư xây dựng siêu thị, siêu thị mini, các cửa hàng tiện lợi tại trung tâm các xã, thị trấn.

Thông qua triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, trong năm 2023, hoạt động thương mại trên địa bàn huyện duy trì ổn định, thị trường hàng hóa phong phú, đa dạng, không có tình trạng tăng giá đột biến, khan hiếm nguồn hàng, các mặt hàng thiết yếu được cung ứng đầy đủ, kịp thời đến các xã, thôn bản. Tổng mức lưu thông hàng hóa bán lẻ trong kỳ đạt 1.227 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Lượng du khách đến địa bàn ước đạt khoảng 15.000 lượt người, tăng trên 300% so với năm 2022. Các dịch vụ nhà nghỉ, ăn uống, bưu chính, viễn thông được cải thiện, nâng cao về chất lượng, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt, viễn thông được phủ sóng tới các thôn. Vận tải hàng hoá, hành khách đi lại thông suốt, phương tiện vận tải tăng cả về số lượng, chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân.

Đặc biệt, Chi Lăng đã quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ duy trì nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP của huyện như: Quả Na, Hồi, Lạp xưởng, khau nhục, cao khô, miến dong, trà diếp các, tinh bột nghệ… Triển khai các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới trang thiết bị, công nghệ sản xuất chế biến miến dong trên địa bàn.

Tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp, áp dụng các mô hình phân phối, giao dịch hiện đại nhằm phát triển nhanh thị trường; thúc đẩy giao lưu hàng hóa, từng bước hoàn thiện hệ thống bán buôn, bán lẻ, chuỗi liên kết phục vụ sản xuất và đời sống người dân; phát triển các điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP rộng khắp trên toàn huyện.

8cb43b38f81d05ebb8e10da160dac5b6.jpg
Trên địa bàn huyện hiện đã có 455 cửa hàng kinh doanh thiết lập hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt

Để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, UBND các xã, thị trấn đã phối hợp với chi nhánh Viettel Chi Lăng hỗ trợ 455 cửa hàng kinh doanh thiết lập hệ thống phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; phát triển các điểm giao dịch của ngân hàng tại các khu trung tâm, điểm dịch vụ, ứng dụng các dịch vụ thanh toán mới, hiện đại.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, năm 2024, huyện Chi Lăng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu ngành Công Thương trên cơ sở đảm bảo phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển theo Đề án tái cơ cấu ngành Công thương giai đoạn đến năm 2030 trên địa bàn huyện.

Mở rộng phát triển công nghiệp đa chiều, khai thác triệt để thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lợi thế thương mại để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, giá trị gia tăng của sản phẩm.

Chú trọng thu hút các ngành công nghiệp vật liệu mới, chế biến thực phẩm chất lượng cao vào hoạt động tại khu, cụm công nghiệp phía Đông Nam, khu công nghiệp Đồng Mỏ.

img_1703556455087_1703556656094.jpg
Sắp đơn hàng để giao cho khách thông qua sàn thương mại điện tử

Bên cạnh đó, khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư các hoạt động thương mại lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết các hoạt động thương mại, dịch vụ, tạo thế mạnh về cung ứng dịch vụ, hàng hóa, đẩy mạnh hoạt động thương mại, dịch vụ phục vụ phát triển các sản phẩm hàng hóa là đặc thù, thế mạnh địa phương.

Đồng thời tiếp tục siết chặt công tác quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, kinh doanh trái phép.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi Lăng (Lạng Sơn): Đẩy mạnh chuyển đổi số trong phát triển thương mại, dịch vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO