Châu Phi hành động hướng tới COP27: Thúc đẩy chuyển đổi xanh

Mai Đan - Tổng hợp từ UN News| 08/09/2022 10:12

(TN&MT) - Tại Tuần lễ Khí hậu châu Phi 2022 (ACW) ở Thủ đô Libreville của Gabon chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2022 (COP27) gần đây với sự tham dự của lãnh đạo 42 quốc gia châu Phi, các nhà chức trách từ các cơ quan chủ chốt của Liên hợp quốc và tổ chức đa phương, Tổng thống nước chủ nhà Ali Bongo Ondimba đã kêu gọi xóa bỏ sự bất công về khí hậu.

Châu Phi phải tận dụng COP27 để đưa ra các giải pháp sáng tạo, cụ thể và bền vững, đồng thời cung cấp cho các quốc gia thuộc châu lục này giải pháp hữu hiệu để chống lại biến đổi khí hậu (BĐKH).

Khuyến khích hành động vì một tương lai carbon thấp

Châu Phi vốn quay cuồng với hàng loạt cú sốc khí hậu. Đã đến lúc châu lục này phải có tiếng nói chung và đưa ra các đề xuất cụ thể tại COP27 ở Ai Cập vào tháng 11 năm nay.

16.jpg

Các rạn san hô có tính đa dạng sinh học cao nhất so với bất kỳ hệ sinh thái nào trên toàn cầu.

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, những dự báo về tình hình thời tiết từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay cho thấy vùng Sừng châu Phi có nguy cơ bị khô hạn cao hơn mức trung bình. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) cảnh báo, vùng Sừng châu Phi đang trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong hơn 40 năm qua, khiến người dân phải đối mặt với nạn đói sau 4 mùa thiếu mưa liên tiếp. Theo các dự đoán mới nhất, từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay có thể thiếu mưa, dẫn đến thảm họa chưa từng có. Khu vực này sẽ trải qua mùa khô hạn thứ 5 liên tiếp, trong đó 3 nước Ethiopia, Kenya và Somalia đứng trước nguy cơ lâm vào thảm họa nhân đạo chưa từng có do hạn hán.

Hiện có 22 triệu người ở vùng Sừng châu Phi phải hứng chịu nạn đói do hạn hán, trong khi các nước ở miền Nam châu Phi thường xuyên trải qua lốc xoáy, nước biển dâng cao đe dọa các thành phố như Dakar, Lagos, Cape Town và Libreville. Cần sớm có hành động để ngăn chặn điều tồi tệ nhất xảy ra tại khu vực trên trong những tháng tới, do đó, OCHA đã kêu gọi thành lập các quỹ khẩn cấp, giúp ngăn chặn thảm họa nhân đạo nơi này.

Thất vọng về việc thế giới không đạt được các mục tiêu về khí hậu, Tổng thống Bongo nhấn mạnh châu Phi và các khu vực còn lại của thế giới cần giải quyết vấn đề BĐKH, trong bối cảnh Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC) nhận định châu Phi dễ bị tổn thương nhất. Tất cả điều này đang làm mất đi nhiều năm tiến bộ và cản trở các mục tiêu phát triển bền vững.

Trong khi đó, theo Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry, chủ tọa COP27, dù chiếm chưa đầy 4% lượng khí thải toàn cầu, nhưng châu Phi là một trong những châu lục bị tàn phá nặng nề nhất do tình trạng biến đổi khí hậu. Ngoài ra, dù nguồn lực tài chính và hỗ trợ hạn chế, nhưng châu lục này phải dành khoảng 2 - 3% GDP mỗi năm để thích ứng với tác động của BĐKH. Do đó, không có thời gian cũng như bất kỳ sự trì hoãn nào đối với các cam kết.

Trước tình hình trên, Liên minh Công lý khí hậu liên châu Phi (PACJA), một tổ chức vận động hành lang xanh có trụ sở tại thủ đô Nairobi của Kenya vừa phát động chiến dịch Ngọn đuốc công lý khí hậu (CJT) nhằm khuyến khích các hành động địa phương hướng tới việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang một tương lai carbon thấp. Chiến dịch này sẽ tìm cách tập hợp các cộng đồng cơ sở hướng tới các hoạt động thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh ở châu Phi.

Ai Cập chuẩn bị cho COP27

Các chính quyền khu vực ở Ai Cập, nước chủ nhà của COP27 cũng đang đẩy mạnh các sáng kiến để nâng cao tín nhiệm về môi trường quốc gia và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.

Cụ thể, Ai Cập đang tiến hành một số sáng kiến liên quan đến COP27, bao gồm các dự án liên quan đến giao thông bền vững, tái chế chất thải, sức khỏe phụ nữ, chuyển đổi sang năng lượng sạch, thành phố bền vững, các biện pháp thích ứng trong lĩnh vực nước và nông nghiệp và mối liên hệ giữa hòa bình và khí hậu.

Tiến sĩ Samir Tantawy, chuyên gia về BĐKH tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, chính phủ Ai Cập nhận thấy trách nhiệm to lớn trong việc tổ chức hội nghị thành công. Hội nghị thượng đỉnh cần chứng minh những thiệt hại do khủng hoảng khí hậu gây ra, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Chẳng hạn, chính quyền Aswan ở miền Nam Ai Cập lần đầu tiên phải hứng chịu bão, tuyết và mưa lớn. Các nước đang phát triển cần được đền bù xứng đáng.

Ngoài COP27, Ai Cập đang hướng tới chiến lược khí hậu quốc gia năm 2050, dựa trên việc giảm phát thải trong tất cả các lĩnh vực và thích ứng với những thay đổi tiềm ẩn của khí hậu - trong nông nghiệp, tài nguyên nước, vùng ven biển và y tế.

Chiến lược quốc gia cũng nhằm gắn kết xã hội dân sự, chính phủ và công dân ở cấp địa phương, khu vực và quốc gia. Một số tổ chức xã hội dân sự đang tham gia các hội thảo và tọa đàm để nâng cao nhận thức về hội nghị thượng đỉnh, với hy vọng sẽ giúp Ai Cập đạt được các mục tiêu chiến lược khí hậu.

Để chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, các chính quyền khu vực ở tỉnh Biển Đỏ của Ai Cập đang phối hợp với một số tổ chức nhà nước khác tổ chức một loạt các sự kiện nhằm nâng cao nhận thức về các mối quan tâm về môi trường và bền vững. Các sự kiện này sẽ tiếp tục kéo dài đến tháng 11.

Việc Ai Cập đăng cai tổ chức COP27 tại Sharm El-Sheikh là cơ hội tuyệt vời để thúc đẩy hành động khí hậu quốc tế và thống nhất nhu cầu của các nước châu Phi và các nước đang phát triển, đặc biệt khi liên quan đến các vấn đề về tài chính và thích ứng với tác động của BĐKH.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Châu Phi hành động hướng tới COP27: Thúc đẩy chuyển đổi xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO