Châu Đức ( Bà Rịa – Vũng Tàu): Nhiều giải pháp BVMT đồng bào DTTS

Linh Nga | 25/10/2021, 14:04

(TN&MT) - Thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác bảo bệ môi trường (BVMT) khu vực nông thôn, ngoài việc phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nhiều giải pháp BVMT, huyện Châu Đức còn tập trung công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức BVMT cho người dân, nhất là người dân tộc thiểu số (DTTS).

Nhiều nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

Huyện Châu Đức hiện có 13 DTTS đang sinh sống, với 2.161 hộ, với 9.456 nhân khẩu, chiếm 5,86% dân số toàn huyện, trong đó đồng bào dân tộc Châu Ro chiếm đa số, với 5.141 nhân khẩu.  Đây cũng là địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống nhất trên toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Người đồng bào DTTS nơi đây sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi. Vì vậy, việc sản xuất của người DTTS đã có nhiều tác động đến môi trường, sinh thái.

Theo UBND huyện Châu Đức, hiện nay toàn huyện có hơn 10 hồ chứa nước, trong đó, một số hồ có chức năng cấp nước tưới tiêu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp và một số hồ cấp nước sinh hoạt. Tuy nhiên, quanh khu vực các hồ chứa nước đều có dân cư sinh sống và sản xuất nông nghiệp, do đó vẫn còn tình trạng người xả nước thải chăn nuôi gia súc trực tiếp ra môi trường, vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Việc nuôi gia súc thả rông cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Cụ thể, ở khu vực nông thôn, lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV không được thu gom, xử lý đúng nơi quy định sau khi sử dụng đang xảy ra ở nhiều địa bàn; người dân rửa bình bơm thuốc và dụng cụ pha chế chưa đúng quy trình, lượng dư thuốc BVTV còn sót lại trong các chai lọ bị vứt xuống ao, hồ làm cho nguồn nước và môi trường đất ô nhiễm, đe doạ nghiêm trọng tới các hệ sinh thái và đặc biệt là sức khoẻ của con người.

Bên cạnh đó, một số hộ dân người đồng bào DTTS vẫn còn duy trì nếp sống theo thói quen, tập tục như chăn nuôi gia súc thả rông, phân gia súc vương vãi xung quanh nhà và đường đi, khi gặp nắng bốc mùi, gặp mưa bị rửa trôi làm ô nhiễm nguồn nước; đồng thời vẫn còn nhiều hộ dân chăn nuôi heo nhỏ lẻ, không xây dựng hệ thống bioga mà thải trực tiếp ra môi trường…  

Ngoài ra, cũng còn một số người đồng bào DTTS chưa có ý thức thu gom và vứt rác vào đúng nơi quy định. Rác thải như túi ni nông, xác động vật nuôi bị chết, các đồ dùng phế thải của gia đình… vứt vừa bãi và thả xuồng suối đã làm cho môi trường sống mất đi mỹ quan và gây ô nhiễm môi trường.

Tuyên truyền nâng cao ý thức BVMT

Ông Hoàng Nguyên Dinh, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, thời gian qua, huyện Châu Đốc đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý môi trường, BVMT khu vực nông thôn, đặc biệt là bảo vệ các hồ chứa nước.

Theo đó, huyện đã thường xuyên tổ chức tập huấn, tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, nhất là người DTTS về bảo vệ, cải thiện cảnh quan, môi trường nơi sinh sống và sản xuất. Đồng thời, phối hợp với các đoàn thể xây dựng và nhân rộng các mô hình trong khu dân cư; hằng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra đối với các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và chuồng trại tại các hộ chăn nuôi.

Nhà văn hóa Bàu Chinh không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa nhằm giữ gìn bản sắc dân tộc của đồng bào DTTS mà còn là nơi tuyên truyền các chính sách pháp luật nâng cao nhận thức về BVMT cho đồng bào DTTS.

Đối với việc quản lý chất thải nguy hại nông nghiệp và nông thôn, từ năm 2019 đến nay, UBND các huyện đã sử dung kinh phí sự nghiệp môi trường tại địa phương để tiến hành lắp đặt các bể chứa và thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng. Xây dựng quy chế phối hợp công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV an toàn, không vứt bao bì, chai lọ thuốc BVTV ra môi trường tự nhiên đặc biệt là các suối, kênh rạch…; thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng vào bể chứa rác thải thuốc BVTV.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng tăng cường phối hợp với các sở, ngành chuyên môn để theo dõi diễn biến bất thường của nguồn nước sinh hoạt, thực hiện việc lấy mẫu nước, xét nghiệm phân tích chất lượng nguồn nước, nhằm phát hiện sớm các chỉ số biến động bất thường của nguồn nước.

Cũng theo ông Hoàng Nguyên Dinh, đến nay, công tác BVMT ở địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, BVMT nhìn chung vẫn là nhiệm vụ khó, phức tạp đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng và cần phải có nhiều thời gian mới thực hiện được. Bởi thực tế, có những vấn đề liên quan đến công tác BVMT không chỉ yêu cầu đầu tư kinh phí mà còn phải làm thay đổi tư duy, phong tục tập quán, nhất là phong tục tập quán của đồng bào DTTS.

Do đó, thời gian tới, UBND huyện Châu Đức sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp các sở ngành, tập trung công tác quản lý, kiểm soát, xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó sẽ tập trung tuyên truyền các chính sách BVMT, nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, về những tác động tiêu cực làm ảnh hưởng đến môi trường, từ đó làm thay đổi hành vi, thói quen trong cuộc sống hàng ngày hướng tới BVMT góp phần giảm thiểu ô nhiễm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO