Chất thải điện tử: Thải nhiều - tái chế chẳng được bao nhiêu!

19/11/2013 00:00

Việc gia tăng nhanh về số lượng chất thải điện tử đã gây cho nước ta những hiểm họa môi trường không thể lường hết…

   
(TN&MT) - Những năm gần đây, ngành công nghiệp công nghệ thông tin ở Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, cùng với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng, chất thải điện tử đã mở ra tiềm năng cho thị trường tái chế tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp tái chế rác thải không được đầu tư song hành với sự phát triển công nghệ đã và đang để lại những hiểm họa môi trường không thể lường hết…
   
Tái chế - quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu
   
  Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học và Môi trường cho thấy, tỉ lệ thu hồi chất thải điện, điện tử (WEEE) hiện nay đạt kết quả rất thấp tại các khu vực thu gom công. Hiện, việc xử lý đồ điện và điện tử thải bỏ ở Việt Nam chủ yếu thực hiện tại cơ sở tư nhân. Những thiết bị này thường được tháo dỡ bằng cách đốt, phân tách và giữ lại những linh kiện có giá trị, sau đó chuyển tới các cơ sở tái chế, lắp ráp một cách tự phát. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của người dân.
   
   
  Hơn nữa hệ thống cơ sở hạ tầng và công nghệ tái chế đạt chuẩn ở Việt Nam còn rất hạn chế. Qua khảo sát cho thấy chỉ có 3/15 cơ sở được cấp phép có đầy đủ công nghệ, trang thiết bị tái chế WEEE, có khả năng phục hồi và tái chế sử dụng nguyên liệu và xử lý đúng quy cách chất thải phát sinh trong quá trình tái chế. Quy mô tái chế của các cơ sở này chỉ đạt khoảng 25 đến 30 tấn/ngày, chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng chất thải điện, điện tử phát sinh (theo tính toán, số lượng WEEE phát sinh đạt từ 61.000 tới 113.000 tấn/năm 2010). Ngoài ra, tất cả các cơ sở khảo sát đều than phiền về chi phí tái chế cao và thiếu sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý khiến cho hoạt động tái chế hiện nay không mang lại lợi nhuận. Hoạt động tái chế không chính thức ở Việt Nam đang ngày càng gây áp lực cho doanh nghiệp công nghệ thông tin trong việc triển khai và xây dựng hệ thống thu gom chính thức.
   
   
Cần hơn “quyết sách” đủ mạnh!
   
  Theo nhiều chuyên gia môi trường, việc thu gom, xử lý loại chất thải điện, điện tử tại Việt Nam hiện vẫn chưa được các cơ quan chức năng quan tâm và hướng dẫn xử lý đúng quy trình mà chủ yếu do lực lượng cơ sở tư nhân đảm nhiệm. Tình trạng này kéo dài sẽ gây nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, tác động nghiêm trọng đến chất lượng môi trường sống cũng như sức khỏe cộng đồng.
   
  Để khắc phục tình trạng trên, Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg ngày 9/8/2013 về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ. Từ ngày 1/1/2015 các sản phẩm thải bỏ như ắc quy và pin, thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp, hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản và thuốc sử dụng cho người, dầu nhớt, mỡ bôi trơn… sẽ bị thu hồi và xử lý. Với quyết định này, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thải bỏ phải chịu trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, vận chuyển đến cơ sở xử lý...
   
  Cùng với đó, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng, cơ sở thu gom và xử lý sản phẩm thải bỏ được hưởng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thiết lập điểm thu hồi để tiếp nhận sản phẩm thải bỏ là chất nguy hại thì được miễn đăng ký chủ nguồn thải chất thải gây nguy hại. Theo lộ trình, từ ngày 1/1/2016, thu hồi và xử lý máy sao chụp giấy (photocopier), tivi, tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ, máy giặt và săm, lốp các loại thải bỏ. Tiếp đến, các loại phương tiện giao thông như xe môtô, xe gắn máy, xe ôtô các loại thải bỏ sẽ bị thu hồi và xử lý từ ngày 1/1/2018.
   
  Việc triển khai thực hiện Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng quy định cụ thể trách nhiệm, nghĩa vụ các bên liên quan trong việc sản xuất, lưu thông, sử dụng và thu hồi, xử lý các sản phẩm thải bỏ.
   
Nguyễn Cường
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất thải điện tử: Thải nhiều - tái chế chẳng được bao nhiêu!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO