Chất lượng công nghệ xử lý nước thải công nghiệp đang bị thả nổi

17/12/2013 00:00

Nước thải của mỗi doanh nghiệp (DN) hoạt động trong từng ngành nghề khác nhau đòi hỏi phải có công nghệ xử lý khác nhau...

(TN&MT) - Nước thải của mỗi doanh nghiệp (DN) hoạt động trong từng ngành nghề khác nhau đòi hỏi phải có công nghệ xử lý khác nhau. Tuy nhiên, hiện chưa có một tiêu chí nào đánh giá về hiệu quả của các loại thiết bị xử lý nước thải được đưa ra, tất cả phụ thuộc vào sự “tự nguyện” của khách hàng, doanh nghiệp xả thải. Chính điều này đang gây nguy cơ ô nhiễm môi trường càng gia tăng khi chất lượng nước thải sau xử lý của hệ thống xử lý nước thải tập trung (HTXLNTTT) không đạt tiêu chuẩn.
   
Thị trường rộng mở, cơ sở thẩm định không!
   
  Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường, trong khoảng 20 năm gần đây, tại Việt Nam, ngành công nghệ môi trường nói chung và công nghệ xử lý chất thải nói riêng đã và đang hình thành trên cơ sở kết quả nghiên cứu trong nước và du nhập công nghệ thế giới. Trong vài năm nay, Bộ Công thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường bắt đầu xây dựng các chiến lược, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy phát triển công nghệ môi trường thành ngành công nghiệp môi trường.
   
   
  Công nghệ môi trường tại Việt Nam đã từng bước đáp ứng được nhu cầu thực tế. Trình độ thiết kế, chế tạo, quản lý, vận hành các công trình xử lý chất thải đã ngày càng được nâng lên. Tiềm năng và thị trường ứng dụng công nghệ môi trường còn rất lớn. Hiện nay, cả  nước có trên 700 đô thị các loại, thì chưa tới 5% số đô thị có công trình HTXLNTTT. Trong số khoảng 200 khu công nghiệp (KCN) thì chỉ có khoảng 1/3 số KCN có HTXLNTTT. Tổng số các nhà máy có HTXLNT cục bộ chiếm khoảng 15%. Đó là chưa kể đến hàng trăm cụm công nghiệp, các làng nghề, các trang trại, bệnh viện, trường học... vẫn thải trực tiếp nước thải vào môi trường. Đây chính là “mảnh đất màu mỡ” cho các công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường nước ngày càng “nở rộ” và nhiều “đất” kinh doanh.
   
   Tuy nhiên, việc phát triển công nghệ đã không đi đôi với công tác kiểm soát chất lượng cũng như thẩm định công nghệ. Theo quy định hiện hành,  không bắt buộc các đơn vị tư vấn công nghệ, chế tạo thiết bị phải thẩm định chất lượng công nghệ trước khi chuyển giao, lắp đặt cho các DN. Vì vậy, chỉ một vài đơn vị vì các mục đích khác nhau đã yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ hay Sở Khoa học và Công nghệ thẩm định công nghệ, thiết bị trước khi chuyển giao. Sự tự nguyện trên không mang lại hiệu quả cao. Do đó, đã đến lúc Bộ Khoa học và Công nghệ cần xây dựng và ban hành tiêu chuẩn đánh giá về chất lượng đối với công nghệ xử lý môi trường. Đây sẽ là cơ sở để DN dễ dàng lựa chọn công nghệ xử lý môi trường, đồng thời, các cơ quan chức năng địa phương cũng có căn cứ để kiểm tra, đánh giá và xử phạt.
   
Cần siết chặt kiểm tra, tăng kiểm soát
   
  Phải thấy rằng, chất lượng công nghệ của hệ thống xử lý nước thải tập trung đang bị buông lỏng quản lý không chỉ có trách nhiệm của cơ quan đo lường chất lượng mà một phần còn do các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương vẫn còn buông lỏng công tác quản lý, kiểm tra chất lượng nước thải sau xử lý của các HTXLNTTT.
   
  Để khắc phục tình trạng này, trong khi cơ quan quản lý đo lường chất lượng chưa xây dựng được bộ tiêu chí chuẩn cho công nghệ xử lý của từng loại nước thải, nhất thiết phải nâng cao ý thức tự giác của chủ DN; xử phạt thật nặng các chủ DN cố tình xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các HTXLNTTT thông qua lượng điện tiêu thụ (lắp đặt đồng hồ điện có kẹp chì riêng cho HTXLNTTT, nếu không tiêu tốn điện có nghĩa là hệ thống này không hoạt động), sổ nhật ký vận hành, hóa đơn mua hóa chất, phiếu xuất nhập hóa chất phục vụ cho vận hành HTXLNTTT, phiếu phân tích định kỳ nước thải sau xử lý. Ngài ra, cần  lắp đặt thiết bị giám sát tự động lưu lượng nước thải và giám sát tự động một số thông số chính trong nước thải; truyền tự động số liệu giám sát lưu lượng và chất lượng nước thải về trung tâm quản lý dữ liệu đặt tại các cơ quan quản lý môi trường quốc gia và địa phương, thông qua đường truyền vô tuyến hay hữu tuyến. Có như vậy mới có thể ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm từ chính HTXLNTTT tại các KCX-KCN gây ra.
   
  Ngoài ra, về phía chủ đầu tư, để HTXLNTTT đạt tiêu chuẩn quy định thì cần phải tuân thủ các nguyên tắc như: thiết kế phải đúng và phù hợp với điều kiện thực tế; kiểm soát nguồn nước thải từ các DN phải đạt yêu cầu trước khi đấu nối vào HTXLNTTT; các hạng mục công trình xây dựng cũng như thiết bị lắp đặt phải đúng như thiết kế; tiêu hao hóa chất và quy trình vận hành phải đảm bảo đúng theo hướng dẫn; cán bộ, nhân viên vận hành HTXLNTTT phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ; phải lấy mẫu, phân tích nước thải trước và sau xử lý thường xuyên để kịp thời điều chỉnh chế độ vận hành; phải tiến hành bảo trì, sửa chữa thường xuyên thiết bị của HTXLNTTT.
   
Minh Vũ 
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng công nghệ xử lý nước thải công nghiệp đang bị thả nổi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO