Chàng trai Mông cõng dứa lên ngàn

Trần Hương| 07/03/2023 12:42

(TN&MT) - Seo Chỉnh không biết chữ, dáng người nhỏ thó, nhanh nhẹn, nước da đen như bồ hóng. Nghề chính của Seo Chỉnh trước đây chăn trâu và nuôi vợ con. Bẵng một dạo người ta không thấy Chỉnh chăn trâu… rồi trở thành “vua dứa”, ông chủ của cả mấy ngọn đồi to toàn dứa. Và cũng chính Seo Chỉnh, người đầu tiên đưa dứa về bản Mông trồng trên đất dốc… Bây giờ, dứa trở thành cây chủ lực xóa đói giảm nghèo của cả xã Na Sang.

Bản Na Sang, xã Na Sang, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên nằm ngay trên quốc lộ 12, tuyến Điện Biên – Mường Chà. Qua khu vực đó, rất dễ nhận ra Na Sang hai bên lề đường dứa bán đầy đường. Tất thảy là của đồng bào Mông ở Na Sang. Chúng tôi không khó để tìm đến nhà Giàng Seo Chỉnh. Ngôi nhà to rộng, 6 gian, cột kê, vách ván dựng theo kiến trúc truyền thống của người Mông. Seo Chỉnh kể: Thời gian của mình lúc nào cũng ngắn, đi nương cùng vợ từ lúc mặt trời còn chưa dậy, cho đến lúc con ron, con rúi đi ngủ mới về. Lúc nằm xuống ngủ một mạch tới sáng lại lên nương. Hàng ngày công việc của mình chỉ thế thôi. Con đi học thì kệ nó học. Mình và cả vợ mình không biết chữ. Chỉ hỏi nó hôm nay có đi học không? Nó nói đi thì đi.. Nghỉ thì nghỉ. Kệ nó. Nó không học thì đầu nó không sáng, cỏ mọc đầy. Nó không biết chữ người ta cười cho...- Seo Chỉnh cười đáp.

vo-chong-seo-chinh-ben-nuong-duajpg.jpg
Vợ chồng Seo Chỉnh bên nương dứa

Seo Chỉnh vốn là người Mông gốc tỉnh Lào Cai, theo vợ về Na Sang sinh sống. Nghề chính của Seo Chỉnh trước đây chăn trâu và nuôi vợ con. Seo Chỉnh kể quãng thời gian đầu về sống ở Na Sang, nhìn cả một vùng đất rộng mà chỉ thấy toàn cây chó đẻ. Vụ này làm đám nương này, vụ sau lại bỏ đi làm nơi khác để chờ cho đất tốt lên sẽ quay trở lại làm. Cứ làm đi làm lại như thế, càng ngày đất càng xấu, cây ngô, cây sắn trồng chỉ ra mầm thành cây rất nhỏ mà không có bắp, không có củ. Đám nương trồng lúa của vợ trồng Seo Chỉnh trước đây vụ đầu cho 8 bao thóc, các vụ sau chỉ còn một nửa. Đến vụ thứ 3 thì hạt thóc gieo xuống cũng không thấy lên. Vợ chồng Seo Chỉnh chỉ còn biết trông cậy vào nghề nuôi trâu. Nhưng bệnh long móng, lở mồm năm 2010 xảy ra ở bản Na Sang, khiến cho nghề nuôi trâu của vợ chồng Seo Chỉnh cũng có nguy cơ mất trắng cơ nghiệp. Con đường thoát nghèo ngày càng chông chênh.

Hai vợ chồng Seo Chỉnh kể mà như đánh vật với từng con chữ của người Kinh. Chúng tôi gật đầu định viết gì đó nhưng không hiểu lại hỏi. Vợ chồng Seo Chỉnh nhìn nhau cười rồi lại diễn đạt tiếp. “Mình lên thăm quê trên Lào Cai, về có mang mấy mắt dứa về trồng. Cũng chỉ định trồng cho con ăn thôi. Nhưng ăn nhiều chúng nó cũng chán, muốn ăn kẹo, ăn bỏng ngô trộn đường… Mình cho vợ mang bán dọc đường. Cán bộ và cô giáo mua ăn thấy ngon lần sau lại hỏi mua nữa, vườn dứa lúc đó gần 500 quả bán cũng được khoảng gần 2 triệu đồng. Cứ như thế, vụ sau mình lại nhân rộng thêm lên gần 1ha, rồi 2ha...rồi 5ha. Người Kinh ở các nơi kéo đến mua mang đi Mường Nhé, Điện Biên, Lai Châu…

Đoạn Seo Chỉnh muốn nói gì đó nhưng lại vò đầu không diễn đạt nổi. Chỉnh nhìn vợ cười, rồi nhìn chúng tôi cười. Vợ Seo Chỉnh bập bõm tiếng Việt nói đỡ cho chồng: “Hai thằng vợ chồng mình không biết chữ thì cứ đi làm nương thôi. Phải như thế mới có cơm ăn.. không thì đói bụng lắm. Chết đấy…” Họ lại nhìn nhau cười. Chúng tôi cũng cười. Nhìn đôi bàn tay của vợ chồng Seo Chỉnh vô vàn vết sẹo không sâu nhưng vằn ngang, vằn dọc lên da non trắng bệch. Tôi hiểu rằng: có sự no ấm nào mà không đổ mồ hôi.

Theo như lời của bà Sùng Thị Nhè, bản Na Sang thì những hộ gia đình trồng dứa đầu tiên ở Na Sang ngoài vợ chồng Giàng Seo Chỉnh thì còn có hộ ông Giàng Seo Hồ (anh trai của Seo Chỉnh – PV), hộ ông Lý A Khay, Lý A Vừ, Lý A Chu… và cả hộ nhà bà bắt đầu tham gia trồng cùng thời điểm năm 2014.

z4149757662366_64867925abca1ec3fcd454c76e77d146.jpg

Bà Sùng Thị Nhè, bổ dứa bán cho khách.

Cứ như vậy, mô hình trồng dứa của vợ chồng Seo Chỉnh được nhân lên bắt đầu từ dòng họ. Rồi đến bản Na Sang1, bản Na Sang 2, bản Co Đứa… rồi dần rà nhân lên cả xã Na Sang trồng dứa. Đến nay, diện tích trồng dứa của toàn xã Na Sang khoảng gần 200ha. Một số bản của một số xã như: Sa Lông, Huổi Lèng cũng trồng dứa, đẩy diện tích trồng dứa của huyện Mường Chà lên khoảng 300ha và duy trì ổn định.

Mỗi 1ha dứa trồng được khoảng 10 vạn cây, tương đương là 10 vạn quả, thu về khoảng 20 – 30 triệu đồng/ha. Giá mỗi quả dứa loại 1 dao động từ 8.000đ – 10.000đ/quả. Loại 2 dao động từ 5.000đ -6.000đ/quả. Loại nhỏ nhất 10.000đ/3 quả. Hiện tại, bình quân mỗi ngày gia đình bà Nhè và gia đình Seo Chỉnh bán ra khoảng 200 quả dứa chín cho người đi đường. Những khách mua buôn đi Mường Tè, Lai Châu, Mường Nhé mỗi ngày cũng 400 – 500 quả.

Bà Nhè kể: “Từ tháng 9/2022 đến nay, mình bán được khoảng 150 triệu tiền dứa và trên nương còn khoảng 5 vạn quả chuẩn bị cho thu hoạch. Mùa cao điểm dứa chín là vào tháng 6, tháng 7. Nhớ nhất năm 2020 dịch Covid 19 xảy ra, khắp cả bản mình, xã mình dứa chính rất nhiều mà không có ai về mua. Mãi về sau có HTX Na Sang liên lạc với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông sản Tiến Phát để tìm cách bán dứa cho bà con. Mãi đến tháng 4/2021 dịch bệnh đỡ hơn, tình hình chống dịch nới lỏng công ty nayf bắt đầu mới đánh xe lên thu mua. ”

z4152936424946_a12b6332e9b500b9d71dcc481e64ee8e.jpg
Vợ Seo Chỉnh giới thiệu giống dứa mới được trồng ở xã Na Sang.

Seo Chỉnh nói thêm: “Lúc đó, toàn bộ nương dứa của mình khoảng 7 tấn, chín hết mà không đi lại để bán được. Người ở Sơn La lên mua rất rẻ, 3.000đ/kg. Trong khi lúc chưa có địch mình đang bán 8.000đ – 10.000đ/kg. Trước đây, dứa chín theo vụ nên giá lúc rẻ lú đắt. Bây giờ dứa chín quanh năm, lúc nào người Mông ở Na Sang cũng có dứa bán, giá cũng cứ đều đều 8.000đ/10.000đ/kg.” Được biết, từ năm 2012 đến nay, vợ chồng Seo Chỉnh mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn dứa. Trừ các chi phí mỗi năm vợ chồng Seo Chỉnh để ra gần 200 triệu đồng.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Lường Văn Khiêm, Bí thư Đảng ủy xã Na Sang, nhận định: Ở xã chúng tôi trước đây cũng có rất nhiều mô hình trồng khoai lang, sắn, ngô, gấc, gừng… nhưng chỉ được vụ đầu vì không có người mua. Cũng có một số cây như ngôi, sắn bà con không có kỹ thuật nên sản lượng rất thấp. Từ khi mô hình cây dứa của một số hộ tự phát ở Na Sang phát triển và nhân rộng. Qua nhiều năm quan sát, chúng tôi dứa rất hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở Na Sang, cho năng xuất cao hơn trồng ngô, lúa.

Đặc biệt, vị dứa ở Na Sang ngọt đậm, không như ở một số huyện khác đang trồng. Do đó, nhiều hộ dân đã chọn dứa là cây chủ lực để phát triển kinh tế ở vùng đất dốc. Sản lượng bình quân từ 20 – 30 tấn/ha. Giá bán lẻ trung bình 8.000đ/quả. Bán buôn khoảng 6.000đ/quả. Hiện có một số HTX và cả các công ty về thu mua cho bà con. Nên có thể nói, dứa là cây chủ lực giúp bà con xóa đói giảm nghèo của Na Sang. Và chúng tôi cũng cảm thấy hãnh diện, biết ơn Giàng Seo Chỉnh - người đàn ông Mông đầu tiên “cõng dứa” về ngàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chàng trai Mông cõng dứa lên ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO