Chai, lọ thủy tinh chưa sử dụng là chất thải rắn thông thường hay nguy hại?

09/10/2018 17:27

(TN&MT) – Công ty của tôi chuyên sản xuất chai, lọ thủy tinh. Trong quá trình sản xuất,  có nhiều mẫu chai, lọ không còn hợp với kiểu dáng, nhu cầu của thị trường nên tồn kho khá nhiều. Những chai này từ lúc sản xuất vẫn để nguyên, chưa tiếp xúc với thuốc hay bất cứ dung dịch gì. Nay, chúng tôi muốn bán thanh lý những chai lọ trên cho các đơn vị khác để tái chế. Xin hỏi, những chai lọ này có được tính là chất thải rắn thông thường hay không? Có phải xử lý theo chất thải công nghiệp?

Chai lọ hũ thủy tinh trong
Ảnh minh họa. Nguồn Internet.

Trả lời        

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường xin tư vấn như sau:

Khoản 1, 2, Điều 3 của NĐ 38/2015/NĐ-CP quy định: Chất thải rắn là chất thải ở thể rắn hoặc sệt (còn gọi là bùn thải) được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc các hoạt động khác; Chất thải thông thường là chất thải không thuộc danh mục chất thải nguy hại hoặc thuộc danh mục chất thải nguy hại nhưng có yếu tố nguy hại dưới ngưỡng chất thải nguy hại.

Căn cứ vào các quy định trên, những chai lọ đã được sản xuất nhưng chưa qua sử dụng thì được tính là chất thải rắn thông thường. Công ty của bạn hoàn toàn có thể bán thanh lý cho các đơn vị khác để họ tái chế.

Trước và trong quá trình chuyển giao những chai lọ trên, công ty của bạn phải đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về phân định, lưu trữ, thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường theo đúng quy định Nghị định số 38/2015/NĐ-CP như sau:

Về phân định, phân loại và lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường: Chất thải rắn công nghiệp thông thường phải được phân định, phân loại riêng với chất thải nguy hại, trường hợp không thể phân loại được thì phải quản lý theo quy định về chất thải nguy hại. Việc phân định, phân loại, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.

Về trách nhiệm của chủ nguồn thải chất thải rắn công nghiệp thông thường: Thực hiện trách nhiệm phân định, phân loại, lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định; Tự tái sử dụng, sơ chế, tái chế, xử lý, đồng xử lý, thu hồi năng lượng hoặc ký hợp đồng chuyển giao cho đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường; Định kỳ báo cáo tình hình phát sinh, quản lý chất thải rắn công nghiệp thông thường trong báo cáo giám sát môi trường định kỳ.

Về thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường: Việc thu gom, vận chuyển, trung chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường phải bảo đảm không được làm rơi vãi, gây phát tán bụi, mùi hoặc nước rò rỉ và đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý theo quy định.

Các chủ xử lý chất thải nguy hại đã được cấp Giấy phép xử lý chất thải nguy hại được phép thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường.

Tổ chức, cá nhân thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường có trách nhiệm chuyển giao chất thải cho cơ sở xử lý chất thải rắn công nghiệp thông thường được phép hoạt động theo quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chai, lọ thủy tinh chưa sử dụng là chất thải rắn thông thường hay nguy hại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO