Xã hội

Câu chuyện hiến đất bên dòng Nậm Xái

Đình Tiệp 27/09/2023 - 17:49

Dòng Nậm Xái thường ngày êm đềm, trong xanh là vậy. Thế nhưng, mỗi khi mùa mưa lũ đến lại trở thành nỗi ám ảnh của nhiều bậc phụ huynh, học sinh ở bản Nậm Xái khi con em mình phải liều mình băng qua dòng lũ dữ để đến trường, thậm chí phải nghỉ học. Với suy nghĩ “vì tương lai con em chúng ta”, ông Lô Văn Quyền, ở bản Nậm Xái đã không hề tiếc công, tiếc của, hiến cả đồi keo xây dựng trường học.

Tặng cả đồi keo cho sự nghiệp "tìm chữ"

Chúng tôi về bản Nậm Xái (xã Quang Phong, huyện Quế phong, tỉnh Nghệ An) vào một buổi trưa cuối thu năm 2023. Con đường đất nối từ Quốc lộ 48D vào bản Nậm Xái khá nhỏ hẹp, được bao phủ bởi những đồi keo đã cao quá đầu người che khuất tầm nhìn. Do là mùa mưa nên đường rất trơn trượt, các phương tiện khác không thể ra vào bản mà chỉ còn cách “cuốc bộ” vài cây số mới ra vào được bản.

Thấy khách lạ đến, ông Lô Văn Quyền (SN 1981) bỏ dở công việc để tiếp chúng tôi. Căn nhà sàn lợp ngói của ông Quyền nằm cheo leo giữa lưng chừng đồi. Đây là căn nhà sàn được thiết kế theo kiểu mới của người dân tộc Thái vùng miền Tây xứ Nghệ. Nhìn quanh căn nhà rất kiên cố nhưng có thể nhận biết nhà ông Quyền cũng không phải diện khá giả lắm so với mặt bằng chung của dân bản.

anh-1(1).jpg
Đường vào bản Nậm Xái.

Vừa rót nước mời khách, ông Quyền vừa chậm rãi kể rằng: “Nhiều năm trước, điểm Trường tiểu học Nậm Xái (thuộc Trường tiểu học Quang Phong 2) và Trường mầm non Nậm Xái nằm ở phía bên kia suối. Điểm trường cũng đã được xây dựng khá lâu nên cũng đã xuống cấp. Ngặt nữa là cứ vào mùa mưa tháng 9 đến khoảng tháng 11 là mưa lụt khiến cho các cháu học sinh không thể qua suối đi học được. Rất nhiều cháu vì thế đã phải nghỉ học. Do đó, việc học hành của thế hệ trẻ ở bản chúng tôi cũng trở nên rất bấp bênh, cơ cực hơn so với nơi khác”.

Nhấp sâu chén nước chè, ông Quyền, kể tiếp: Vào năm 2012, tôi được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản Nậm Xái. Khi làm trưởng bản, nhận thấy ngôi trường cũ đã xuống cấp, xã và các thầy cô có bàn bạc mong muốn chuyển trường đi khu vực khác thuận lợi hơn nhưng lại không biết tìm đâu ra mặt bằng, mà có tìm được thì cũng phải đền bù tiền cho chủ đất thì họ mới dành đất cho xã làm nhà trường được. Nhưng nhà trường và xã lấy đâu ra tiền cơ chứ? Khi đó, tôi nảy sinh ý tưởng hay là mình hiến phần đất đang trồng keo gần nhà để cho các thầy cô làm điểm trường?

anh-2.jpg
Ông Lô Văn Quyền rất tự hào cầm trên tay Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Quế Phong tặng vì đã có thành tích trong hiến tặng đất xây dựng trường lớp học mới.

Nghĩ là làm, ông Quyền sau đó đã về nhà bàn bạc với vợ con. Lúc đầu, vợ ông là bà Vi Thị Lan không đồng ý vì đất canh tác của cả gia đình chỉ có chừng đó mà nhường hết đất để xây điểm trường thì sau này lấy đất ở đâu mà canh tác, làm ăn, sinh sống và để nuôi con cái ăn học. Tuy nhiên, bằng những phân tích về lợi ích của việc xây dựng điểm trường ở nơi thuận lợi thì sẽ tạo điều kiện cho các thế hệ tương lai được đến lớp, tới trường học chữ dễ dàng hơn, tạo ra những thế hệ tương lai có thể tiếp cận được cái chữ, văn hóa của thời đại. Thế là cả vợ con ông Quyền sau đó đã vui vẻ đồng ý nhường lại 3.650m2 đất…

Thế là năm 2014, khu đất mà gia đình ông Quyền trồng keo đã được nhường lại cho nhà trưởng để sau đó Tập đoàn Bảo Sơn đã ủng hộ việc chặt cây, san ủi mặt bằng giao lại cho chính quyền địa phương. Đến năm 2018, Tập đoàn Tecco, một doanh nghiệp lớn kinh doanh bất động sản đã tiến hành tài trợ toàn bộ kinh phí xây dựng điểm Trường tiểu học Nậm Xái.

“Tiếc thì đã không hiến…”

Ngôi trường khang trang, thoáng đãng với đầy đủ tiện nghi để phục vụ cho việc học tập của gần 70 em học sinh tiểu học hiện lên trước mắt chúng tôi. Ngôi trường chỉ cách nhà ông Quyền vài chục mét. Bên cạnh là điểm Trường mầm non Nậm Xái. Chúng tôi thấy hơi lạ khi cả quá trình nói chuyện ông không nhắc gì đến điểm trường mầm non này. “Đất của điểm trường mầm non cũng là đất nhà tôi cả đấy. Khi Trường tiểu học về đây rồi thì điểm trường mầm non cũng muốn chuyển về gần đây luôn. Thế là còn 500m2 đất nữa của gia đình tôi lại hiến nốt để năm 2020 xây dựng xong điểm Trường mầm non này”.

Đến đây, chúng tôi càng cảm kích trước tấm lòng của gia đình ông Quyền đã hy sinh cái riêng vì lợi ích chung của cả cộng đồng, vì sự nghiệp giáo dục của địa phương. “Điểm trường mầm non không hiến toàn bộ đâu Nhà báo. Đó là các thầy cô còn “hỗ trợ” cho tôi ít tấm tôn lợp cũ của điểm trường mầm non bên kia suối đấy” – Ông Quyền, gượng gạo.

anh-3(1).jpg
Ông Lô Văn Quyền dẫn PV lên thăm điểm Trường tiểu học Nậm Xái.

Người hàng xóm của ông quyền nghe vậy liền nhanh nhảu giải thích thêm: “Anh Quyền nói thế chứ hiến đất cả đấy. Mấy tấm tôn cũ thì giá trị bao nhiêu đâu so với diện tích đất mà gia đình anh Quyền đã hiến tặng cho địa phương để làm 2 điểm trường mầm non và tiểu học đó. Bà con, chính quyền và thầy cô biết ơn gia đình anh Quyền nhiều lắm”.

Khi được hỏi hiến hết đất sản xuất nhiều như vậy có tiếc không? Cả hai vợ chồng ông Quyền quay sang nhìn nhau. Bằng nụ cười hiền từ, bà Vi Thị Lan (vợ ông Lô Văn Quyền), nhẹ nhàng: “Tiếc thì đã không hiến nhà báo ạ. Dù không còn đất để trồng keo, canh tác nhưng chúng tôi sẽ làm việc khác để sinh sống, con trai đầu của tôi cũng đã lấy vợ, có cháu nội rồi và cháu đang đi làm công nhân cũng kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống gia đình. Nhưng vui nhất là các thế hệ con cháu tương lai có chốn để học hành đàng hoàng thì dù có hiến hơn nữa gia đình tôi cũng sẽ chẳng hề tiếc”.

anh-4.jpg
Khu đất 500m2 còn lại của gia đình cũng được ông Quyền hiến nốt cho điểm Trường mầm non Nậm Xái để xây dựng vào năm 2020.

Thầy giáo Lang Văn Nhàn - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Phong 2, tâm sự rằng: “Trước đây, điểm Trường tiểu học Nậm Xái nằm xa xôi, lại còn phải đi qua khe suối nên rất vất vả cho các thầy cô và học sinh mỗi khi đến trường. Đặc biệt là vào mùa mưa thì nước lũ lên các cháu không thể đến lớp được. Từ vài năm nay khi gia đình ông Quyền hiến đất để xây dựng điểm trường mới thì cơ sở vật chất của điểm trường đã khang trang hơn, quãng đường cũng rút ngắn lại và thuận lợi cho việc dạy và học của các thầy cô giáo. Nhà trường rất cảm kích trước tấm lòng thơm thảo của gia đình ông Quyền đã hy sinh quyền lợi riêng để hướng tới lợi ích chung của cộng đồng”.

Ông Vi Thái Điệp – Bí thư Đảng ủy xã Quang Phong, cho biết: “Việc ông Quyền hiến cả quả đồi trồng keo hàng nghìn mét vuông đất để cho xã xây dựng trường học cho các cháu học sinh có chỗ học tập là một việc làm tuyệt vời, một tấm gương sáng. Mặc dù sau khi hiến đất xong, ông Quyền đã không còn đất canh tác nữa nhưng ông và gia đình hoàn toàn tự nguyện, tất cả vì cái chung, vì các cháu học sinh, vì tương lai các thế hệ tương lai của bản, của xã. Chúng tôi rất ghi nhận tấm lòng thơm thảo của ông Quyền và gia đình. Mong sao việc làm tốt của ông Quyền sẽ có sức lan tỏa lớn trong quá trình xã chúng tôi đang phấn đấu hoàn thành các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện hiến đất bên dòng Nậm Xái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO