Cấp thiết xây dựng “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”

Thu Phương| 27/09/2019 16:36

(TN&MT) - Trong khuôn khổ phiên họp thứ 37 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn giai đoạn 2021 - 2025.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, thời gian qua, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng còn nhiều đầu mối xây dựng, quản lý, theo dõi (hiện còn 118 văn bản đề cập đến chính sách); nguồn lực phân tán, dàn trải; chưa phân định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành nên hiệu quả sử dụng vốn đầu tư thấp; chưa khai thác được tiềm năng, lợi thế của vùng, phát huy nội lực của đồng bào để đẩy mạnh phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi .

bo_truong_cn_ub_dan_toc_do_van_chien_2_4_ok.jpg

Đề án xác định mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng ít nhất 2,5 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 3% đến 5%; giảm 30% số xã đặc biệt khó khăn; 50% số thôn đặc biệt khó khăn so với năm 2020. Trên 80% lao động từ 18 tuổi trở lên có việc làm với thu nhập ổn định. Trên 90% đường ở thôn, bản được cứng hóa theo cấp kỹ thuật của Bộ Giao thông Vận tải. 100% xã có trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đủ cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu dạy và học; đảm bảo có từ 10 - 12% số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số trong độ tuổi trung học được hưởng chính sách trường phổ thông dân tộc nội trú…

Từ tình hình trên, rất cần thiết phải xây dựng “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc.

Về nội dung của đề án, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết Dự thảo Đề án gồm 6 phần. Đề án xác định quan điểm, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia; đi liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân… nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

toan_canh_3_ok.jpg

Mục tiêu cụ thể đến 2030 không còn hộ đói; hộ nghèo giảm 80% so với năm 2020. 80% hộ gia đình có mức sống bằng với mức sống dân cư trong khu vực. Giảm ít nhất 70% số thôn đặc biệt khó khăn; 80% số xã đặc biệt khó khăn so với năm 2020. Trên 85% xã vùng đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có cơ sở hạ tầng (đường, điện, trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc…) đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Giải quyết căn bản tình trạng di cư tự phát trong đồng bào đồng bào dân tộc thiểu số …

Để thực hiện được các mục tiêu, Đề án xác định 10 nhóm nhiệm vụ và giải pháp. Trong đó, về nguồn lực sẽ huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi , cụ thể nguồn lực Nhà nước giữ vai trò quan trọng, quyết định để huy động các nguồn lực khác.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cho biết, đa số ý kiến của Thường trực Hội đồng Dân tộc tán thành với sự cần thiết xây dựng đề án để có chính sách đủ mạnh đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thực hiện mục tiêu thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển và mức thu nhập; khắc phục tình trạng nguồn lực bị phân tán, dàn trải với hơn 100 chính sách vùng đồng bào dân tôc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực.

Đa số ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng, riêng với đồng bào vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thì phải vừa đầu tư, vừa hỗ trợ, vừa cho “cần câu”, vừa cho “con cá”.

Cho ý kiến tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, phải tập trung nguồn lực của cả hệ thống chính trị để thực hiện cho được đề án. Cần thu gọn đầu mối, có phân cấp; đi vào khâu cốt lõi, khâu đột phá, khâu yếu nhất trong tổ chức thực hiện những năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết xây dựng “Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO