Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 5/4: Ý xác nhận số ca tử vong tăng thấp nhất hàng ngày

Mai Đan| 05/04/2020 08:59

(TN&MT) - Ngày 4/4, Ý xác nhận thêm 681 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên đến 15.632 kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Đây là mức tăng tử vong hàng ngày thấp nhất kể từ ngày 23/3.

Ý: Số bệnh nhân nhiễm COVID-19 được chăm sóc đặc biệt giảm lần đầu tiên

Ý ghi nhận mức tăng thấp nhất hàng ngày về số ca tử vong vì COVID-19 trong gần hai tuần vào ngày 4/4 và cho biết số bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt đã giảm lần đầu tiên.

Mặc dù các ca nhiễm mới tăng thêm 4.805 người vào ngày 4/4, cao hơn một chút so với mức tăng hàng ngày gần đây nhưng giới chức trách Ý kêu gọi nước này không được coi thường biện pháp phong tỏa chặt chẽ mà họ cho rằng đang bắt đầu có kết quả.

Ngày 4/4, Cục Bảo vệ Dân sự Ý xác nhận thêm 681 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên đến 15.632 kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát ở miền Bắc đất nước vào ngày 21/2. Đây là mức tăng tử vong hàng ngày thấp nhất kể từ ngày 23/3.

Tính đến hết ngày 4/4, tổng số ca nhiễm được xác nhận đã tăng lên 124.632 từ 119.827 tính đến một ngày trước đó. Tuy nhiên, lần đầu tiên số bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt kéo dài đã giảm, với 3.994 bệnh nhân được điều trị, giảm 74 ca so với 4.068 người trong ngày 3/4.

Trong nhiều ngày, giới chức trách Ý cho rằng mức tăng nhẹ trên diện rộng trong số các ca nhiễm COVID-19 cho thấy ổ dịch đã đến một “cao nguyên” và con số sẽ bắt đầu giảm nếu người dân thực thi nghiêm túc lệnh phong tỏa.

Người lao động trong thành phố phát khẩu trang và găng tay tại chợ Rialto ở Venice, Ý vào ngày 4/4/2020. Ảnh: Reuters

Nhưng với việc người dân tham gia lễ Phục sinh và các đoạn video công bố trên mạng xã hội của các nhóm đi bộ bên ngoài tại các thành phố bao gồm Naples, Rome và Milan, đã có nhiều lo ngại rằng các dấu hiệu tiến bộ đang khiến nhiều người bỏ qua các quy định.

Chính quyền của vùng Bologna, khu vực phía Bắc nước Ý, tâm chấn của cuộc khủng hoảng, nơi có hơn 49.000 ca nhiễm đã được ghi nhận, ra lệnh cho mọi người che miệng và mũi mỗi khi ra ngoài.

Ý vẫn là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19, chiếm gần một phần tư số ca tử vong trên toàn thế giới do đại dịch.

Tuy nhiên, khi nhiều quốc gia ở châu Âu xác nhận sự bùng phát nghiêm trọng của dịch bệnh COVID-19, Ý không phải là một nước duy nhất chịu tác động nặng nề.

Tây Ban Nha gia hạn tình trạng khẩn cấp đến ngày 26/4

Ngày 4/4, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết, ông sẽ yêu cầu Quốc hội gia hạn các biện pháp phong tỏa trong 15 ngày cho đến ngày 26/4, khi tỷ lệ số ca nhiễm mới và tử vong chậm lại ở một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất thế giới.

Trong một bài phát biểu trên truyền hình trong nước, ông Sanchez cho biết lệnh phong tỏa hiện tại đang bắt đầu cho thấy kết quả, nhưng ông cảnh báo việc gia hạn tình trạng khẩn cấp trong ngày 4/4 sẽ không phải là lần cuối.

“Chúng ta sẽ không kéo dài sự bế tắc của hoạt động kinh tế. Tuy nhiên, các cửa hàng, quán bar và nhà hàng sẽ vẫn đóng cửa” – Thủ tướng Sanchez tuyên bố.

Ông Sanchez cũng nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với việc các thành viên khu vực đồng euro công bố nợ chung nhằm chống lại tác động của virus corona đối với nền kinh tế. Đây là ý tưởng nhận được sự đồng tình của Tây Ban Nha và Ý nhưng bị Đức và các thành viên khác của Liên minh châu Âu (EU) từ chối.

Các sĩ quan cảnh sát thành phố đeo khẩu trang kiểm tra một chiếc xe hơi trên đường Gran Via trong khi dịch COVID-19 bùng phát ở Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 4/4/2020. Ảnh: Reuters

“Tổng số người chết vì COVID-19 ở Tây Ban Nha đã tăng lên 11.744 tính đến hết ngày 4/3 – chỉ đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong, sau Ý. Tuy nhiên, con số 809 người chết trong 24 giờ qua thấp hơn so với 932 ca tử vong trong ngày 3/4 và cũng giảm so với con số cao kỷ lục trong ngày 2/4 – 950 người chết vì COVID-19”, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết.

Như vậy, số ca tử vong tăng 7%, so với mức tăng khoảng 20% ​​của một tuần trước.

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Tây Ban Nha đã tăng từ 117.710 trong ngày 3/4 đến 124.736 người trong ngày 4/4, đưa Tây Ban Nha vượt lên trên Ý về số ca nhiễm khi Ý xác nhận 124.632 ca nhiễm trong ngày 4/4.

Pháp: Số ca tử vong tăng cao khi xác nhận nhiều người chết tại viện dưỡng lão

Tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Pháp đã đạt đến một mức cao mới vào ngày 4/4 khi chính phủ nước này thống kê số người chết không được báo cáo trước đây trong các viện dưỡng lão.

Bộ y tế Pháp ghi nhận 441 trường hợp tử vong mới do COVID-19 tại các bệnh viện trong nước vào ngày 4/4 - thấp hơn mức cao 588 người được xác nhận hôm 3/4 - với tổng số ca tử vong của bệnh viện là 5.532.

Trong ngày thứ ba liên tiếp, Bộ này cũng xác nhận tổng số người chết trong các viện dưỡng lão kể từ khi bắt đầu dịch bệnh vào đầu tháng 3, trước đây không được báo cáo.

Theo đó, xác nhận thêm 2.028 trường hơp tử vong trong ngày 4/4, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp lên 7.560, tăng 1.053 vào con số tích lũy được báo cáo trong ngày 3/4.

Số ca tử vong tại các viện dưỡng lão hiện chiếm gần một phần ba tổng số ca tử vong vì COVID-19 trên cả nước Pháp.

Bộ trưởng Y tế Pháp Jérôme Salomon cho biết, số ca nhiễm COVID-19 tại bệnh viện đã tăng thêm 4.267 ca trong ngày 4/4, nâng tổng số ca nhiễm lên đến 68.605 - tăng 7% nhưng chậm hơn so với 9% của một ngày trước.

Tuy nhiên, ông Salomon cũng cho rằng số lượng các ca nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm trong các viện dưỡng lão đã tăng 20% ​​lên 21.348.

Người dân bày tỏ lòng kính trọng đối với nhân viên y tế khi Pháp đối mặt với sự tiến triển mạnh mẽ của dịch bệnh COVID-19 tại Nice, Pháp vào ngày 4/4/2020. Ảnh: Reuters

Với các ca nhiễm bổ sung tại bệnh viện và viện dưỡng lão, Pháp có tổng cộng 89.953 trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm. Các nhà dịch tễ học thừa nhận con số khó so sánh với các quốc gia khác vì họ có chính sách xét nghiệm rộng rãi hơn Pháp.

Theo ông Salomon, 28.143 người đang ở trong bệnh viện bị nhiễm COVID-19. Con số này tăng 711 lượt nhập viện so với ngày hôm trước, sau khi có 2.111 người được xuất viện.

Ông Salomon cho biết tổng cộng có 6.838 ca nhiễm COVID-19 nghiêm trọng được chăm sóc đặc biệt tại Pháp. Trong 24 giờ qua, có 502 ca nhiễm mới được chăm sóc đặc biệt - tăng 3% - so với 641 ngày 3/4 và 729 trong ngày 2/4.

“Số người hồi phục cũng đang tăng nhanh, bởi vì Pháp có 15.438 người được ra viện và hàng ngàn người khác đang ở trong nhà và cũng đã hồi phục”, người đứng đầu Bộ Y tế Pháp cho biết thêm.

Tình hình dịch COVID-19 tại một số quốc gia khác cho đến sáng 5/4:

* Trung Quốc xác nhận thêm 30 ca nhiễm mới, trong đó có 25 ca nhiễm “nhập khẩu”, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 81.669 người. Trong khi đó, ngày 4/4, nước này xác nhận 3 ca tử vong mới, nâng tổng số người chết vì COVID-19 lên 3.329 ca.

* Dẫn lời Ủy ban tối cao về giải quyết khủng hoảng và xử lý thiên tai của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), hãng tin WAM đưa tin: “Kể từ 20h ngày 4/4 theo giờ địa phương, Thành phố Dubai đã áp dụng lệnh phong tỏa trong vòng 2 tuần”.

Dubai cảnh báo sẽ hạn chế đi lại và sẽ xử phạt đối với các trường hợp vi phạm. Theo WAM, các siêu thị, nhà thuốc và dịch vụ giao thực phẩm, thuốc men vẫn được phép hoạt động bình thường.

UAE xác nhận 1.505 ca nhiễm COVID-19.

* Đại học Johns Hopkins cho biết, tại Mỹ, trong ngày 4/4, số ca nhiễm COVID-19 đã tăng ít nhất 27.867 ca, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này tính đến hết ngày 4/4 lên 305.820. Cùng ngày, Mỹ cũng xác nhận ít nhất 1.139 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 8.291 người.

Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận chơn 3.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số người nhiễm COVID-19 tại nước này lên 23.934 ca tính đến hết ngày 4/4. Cùng ngày, thông báo trên Twitter, Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ Fahrettin Koca cho biết số ca tử vong đã tăng thêm 76, nâng tổng số người chết tại nước này lên 501.

Tại Canada, tính đến ngày 4/4, nước này xác nhận 12.924 ca nhiễm, tăng từ 11.747 ca của một ngày trước. Trong khi đó, số ca tử vong tại nước này cũng tăng lên 214 người, từ 152 ca tính đến ngày 3/4.

Cập nhật lúc 7h40 ngày 5/4/2020:

Thế giới: 1.201.443 người mắc; 64.675 người tử vong, trong đó:

- Mỹ: 311.357 người mắc; 8.452 người tử vong.

- Ý: 126.168 người mắc; 15.362 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 124.632 người mắc; 11947 người tử vong.

- Trung Quốc: 81.639 người mắc; 3.326 người tử vong.

Việt Nam: 240 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:

16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).

74 bệnh nhân (BN17, BN18, BN20, BN22, BN23, BN 24, BN25, BN27,BN29, BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN 45, BN46, BN47, BN 48, BN 49, BN51, BN53, BN 54, BN55, BN56, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64, BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN73, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79,BN80, BN81, BN82, BN83, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN99, BN100, BN107, BN110, BN112, BN113, BN121, BN129, BN130, BN 131, BN132, BN138, BN140, BN179, BN187, BN198) mắc COVID-19, tính từ ngày 06/3 đến 04/4 được chữa khỏi (giai đoạn 2).

Đến 6h sáng 5/4, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới.

Theo Tổng hợp từ Reuters, Tân Hoa Xã & CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 5/4: Ý xác nhận số ca tử vong tăng thấp nhất hàng ngày
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO