Cấp gần một trăm héc-ta đất rừng trái pháp luật

08/05/2014 00:00

C(TN&MT) - Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân nói: "Cả năm tôi ký nhiều công văn quá nên không nhớ hết, có lẽ là tôi quên, mong anh thông cảm!".

   
(TN&MT) - Trong khi người dân không có đất sản xuất phải đi nơi khác làm thuê, thì UBND huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) cấp trái thẩm quyền cho Công ty TNHH TMDV-XNK Nam An (Công ty Nam An) hơn 80 ha tại 2 xã miền núi đặc biệt khó khăn Lương Sơn và Yên Nhân. Việc làm này không những gây bức xúc trong quần chúng nhân dân mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến tài nguyên - môi trường lòng hồ thủy lợi, thủy điện Cửa Đặt.
   
Ông Trần Hợp Bảng, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn đang trao đổi với người dân
   
  Từ trung tâm xã Lương Sơn dọc theo đường Bát Mọt khoảng 20 km, rẽ trái men theo con đường mòn hàng chục cây số với những ổ voi, ổ gà nhấp nhô, chúng tôi về nơi giáp ranh giữa 2 xã Lương Sơn và Yên Nhân. Chỉ tay về phía ruộng ớt ông Trần Hợp Bảng, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết: Đây là khu đất mà UBND huyện Thường Xuân giao cho Công ty Nam An, sau khi được giao Công ty Nam An đã tiến hành phát quang chặt phá cây rừng để trồng ớt. Đây là khu rừng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên quản lý, đáng lẽ ra huyện nên giao cho người dân 2 xã lấy đất sản xuất thì đúng hơn. Ngay từ khi được tin UBND huyện cấp cho doanh nghiệp, UBND xã Lương Sơn và Yên Nhân cũng đã kịch liệt phản đối.
   
  Gặp chị Lò Thị Quỳnh, người dân thôn Lửa, xã Yên Nhân ngay tại khu rừng, chị Quỳnh nói: Người dân chúng tôi không hiểu tại sao huyện lại không giao đất, giao rừng cho bà con sản xuất mà lại giao cho một Công ty nào đó. Trong khi gia đình tôi có 6 khẩu là người dân tộc lại không có đất sản xuất, tôi phải đi chăn bò thuê, vào rừng kiếm củi, ra suối để bắt con tôm con cá sống qua ngày.
   
  Được biết, ngày 16/7/2013, UBND huyện Thường Xuân có Công văn số 887/UBND-TN&MT về việc đồng ý cho Công ty Nam An được mượn khoảng 80 từ cos 108 đến cos 120 thuộc địa bàn 2 xã Lương Sơn và Yên Nhân. Đây là khu đất trong phạm vi giải phóng vùng ngập lòng hồ Thủy điện Cửa Đặt để triển khai dự án  trồng cao su và trồng ớt làm dược liệu theo mô hình liên kết với hộ gia đình có điều kiện về đất đai trên địa bàn các xã trong huyện và triển khai trồng ớt dưới tán cao su từ 1-3 năm tuổi.
   
  Trao đổi với PV Báo Tài nguyên & Môi trường, ông Đỗ Xuân Nam, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thường Xuân cho biết: Định hướng của Huyện ủy và UBND huyện là chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang rừng sản xuất và diện tích mía năng suất thấp sang trồng cây cao su là đúng. Nhưng việc UBND huyện có Công văn giao gần một trăn héc-ta rừng cho Công ty Nam An thì Thường vụ Huyện ủy và bản thân tôi không nắm được. Khi được hỏi: Trong Công văn số 887/UBND-TN&MT về việc đồng ý cho Công ty Nam An mượn đất có kết quả làm việc thống nhất giữa Huyện ủy, UBND huyện và Công ty, thì Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thường Xuân Đỗ Xuân Nam cho biết thêm: Có lẽ chỉ Bí thư Huyện ủy (nay đã chuyển công tác khác - PV) và Chủ tịch UBND huyện họp với nhau, còn tôi không được tham gia(?!). Ngay cả Công ty Nam An là Công ty nào tôi cũng không nắm được, vì trên địa bàn huyện Thường Xuân không có Công ty Nam An(!?). Việc UBND huyện ban hành Công văn số 887 cho Công ty Nam An mượn đất là không đúng pháp luật và trái thẩm quyền, vì việc mượn đất và cho thuê đất là thẩm quyền của UBND tỉnh.
   
  Ông Trần Hợp Bảng, Chủ tịch UBND xã Lương Sơn cho biết thêm: Ngay sau khi nhận được Công văn số 887/UBND-TN&MT cho Công ty Nam An mượn đất, HĐND xã đã có văn bản kiến nghị Huyện ủy, UBND huyện vì đây là diện tích đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2020. Nếu xác định Cos 108 đến 120 là diện tích bán ngập thì giao cho bà con để bà con có đất yên tâm sản xuất. Việc huyện cho Công ty Nam An mượn là không phù hợp, sẽ gây bất bình trong nhân dân, dễ nảy sinh các vấn đề tiêu cực trong xã hội, gây nhiều bất lợi cho công tác quản lý của chính quyền địa phương…
   
  Khi được hỏi: Dựa trên cơ sở nào để UBND huyện ra Công văn số 887/UBND-TN&MT về việc đồng ý cho Công ty Nam An mượn khoảng 80 ha đất tại 2 xã Lương Sơn và Yên Nhân, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện nói: Làm gì có chuyện UBND huyện có Công văn đồng ý cho Công ty Nam An nào đó mượn đất(!?). Nhưng khi chúng tôi đưa ra Công văn số 887/UBND-TN&MT có chữ ký của chính ông Xuân, thì ông Xuân nói: Cả năm tôi ký nhiều công văn quá nên không nhớ hết, có lẽ là tôi quên, mong anh thông cảm!.
   
Khu đất UBND huyện Thường Xuân cho Công ty Nam An mượn
    
   
  Rõ ràng việc UBND huyện Thường Xuân ban hành Công văn số 887/UBND-TN&MT về việc đồng ý cho Công ty Nam An mượn khoảng 80 ha là trái với khoản 1, khoản 2, Điều 37 Luật Đất đai quy định: “Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với tổ chức; giao đất đối với cơ sở tôn giáo; giao đất, cho thuê đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài. Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; giao đất đối với cộng đồng dân cư”. Vả lại trong Công văn “cho mượn” cũng không đả động gì đến nghĩa vụ, quyền lợi của các bên và cũng không có thời gian cho mượn!.
   
  Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao ông Chủ tịch UBND huyện lại trả lời quanh co, cố tình che giấu sự thật?. Phải chăng việc UBND huyện cho Công ty Nam An mượn 80 ha đất là vì mục đích cá nhân, trá hình?. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cần sớm điều tra, làm rõ những khuất tất trên, xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân vì lợi ích riêng cố tình vi phạm pháp luật./.
   
  Bài & ảnh: Tuyết Trang
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp gần một trăm héc-ta đất rừng trái pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO