Cấp bách bảo vệ bờ biển Đà Nẵng

07/04/2017 00:00

(TN&MT) - Thời gian gần đây, bờ biển Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng một cách bất thường, gây ảnh hưởng đến môi trường và hoạt động kinh doanh du lịch. Đây là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh, du lịch Đà Nẵng trông chờ cả vào bãi biển này, nếu không gấp rút triển khai các giải pháp chống sạt lở thêm, du lịch Đà Nẵng sẽ mất thương hiệu.

Sóng biển đã cuốn trôi một số kết cấu bê tông, hoặc làm trơ gốc của hàng dừa chạy dọc bãi biển trước đây cách mép nước hàng chục mét
Sóng biển đã cuốn trôi một số kết cấu bê tông, hoặc làm trơ gốc của hàng dừa chạy dọc bãi biển trước đây cách mép nước hàng chục mét

Dọc tuyến ven biển Đà Nẵng, từ phường Mân Thái (quận Sơn Trà) đến phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn), hàng chục km bờ biển bị sạt lở diễn ra theo diện rộng. Điểm sạt lở nặng nhất là khu vực trước tòa nhà khu chung cư cao cấp Mường Thanh đang xây dựng sắp hoàn thành và tổ hợp khách sạn Holiday thuộc phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn). Tại 2 điểm này, bãi cát bị khoét thành bậc cao đến hơn 1,5 m. Nhiều chòi lá phục vụ du khách và một số công trình khác đang có nguy cơ đổ sập xuống biển. Cũng tại những điểm này, sóng biển đã cuốn trôi một số kết cấu bê tông, hoặc làm lộ chân móng các công trình khiến bãi tắm trở nên tan hoang. Hàng dừa chạy dọc bãi biển trước đây cách mép nước hàng chục mét hiện đang trơ gốc, chênh vênh bên “vực” cát.

Theo nhiều người dân sống quanh khu vực, hiện tượng sạt lở bất thường này đang diễn biến theo chiều hướng khá phức tạp, tạo thành những lòng chảo nước khá nguy hiểm cho hoạt dộng tắm biển của du khách và có nguy cơ lây lan ra cả một khu vực kéo dài hàng chục km của Đà Nẵng nếu không có những giải pháp ngăn chặn sớm.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ hộ kinh doanh ở bãi tắm Mỹ Khê, quận Sơn Trà cho biết: Từ năm 2016 đã diễn ra tình trạng sạt lở, nhưng đây là lần đầu tiên nước biển xâm thực sâu vào đất liền như vậy. Sóng biển làm trôi quầy phục vụ, tài sản. “Nếu cơ quan chức năng không có giải pháp ngăn chặn tình trạng này thì trong tương lai không xa, bãi biển Đà Nẵng sẽ sạt lở giống như ở Cửa Đại, TP. Hội An”- chị Tuyết kiến nghị.

Ông Lê Quang Nam- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, nguyên nhân xâm thực bờ biển do tác động gió mùa. Ngoài ra, qua khảo sát thực tế, hiện nay dọc bãi biển Đà Nẵng có 50 cửa thoát nước mưa, trực tiếp thải ra bãi biển Đà Nẵng. Sau mỗi trận mưa, khoảng 5.000m3 cát dọc bãi biển bị cuốn trôi, bãi biển bị xé toạc biến dạng. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến tình trạng sạt lở tại bờ biển Đà Nẵng diễn ra nhanh chóng.

Bờ biển Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng gây tác động lớn đến ngành du lịch địa phương
Bờ biển Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng gây tác động lớn đến ngành du lịch địa phương

Theo ông Mai Mã- Giám đốc Công ty Thoát nước và  xử lý  nước thải, trên tuyến bờ biển thuộc địa phận thành phố có 5 trạm xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng hơn 10 năm, đến nay đã quá tải, giảm hiệu suất hoạt động.  Thời gian gần đây, mưa gió kéo dài, lượng nước mưa lớn, khi thoát ra tạo dòng chảy mạnh, gây xói lở cát… cũng gây tác động không nhỏ đến tình trạng xâm thực nêu trên.

Còn Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Phương- Trưởng khoa Môi trường và công nghệ hóa (Trường Đại học Duy Tân), qua tìm hiểu của nhóm nghiên cứu những nguyên nhân gây nên hiện tượng sạt lở mà Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng đưa ra chỉ đúng một phần rất nhỏ. Những công trình xây dựng trên đường Võ Nguyên Giáp chạy dọc bờ biển mới là nguyên nhân chủ yếu.

"Những vị trí sạt lở nghiêm trọng nhất là từ giao lộ Nguyễn Văn Thoại - Võ Nguyên Giáp đến giao lộ Ngô Thì Sĩ - Võ Nguyên Giáp. Chạy dọc theo đoạn đường này là rất, rất nhiều công trình xây dựng đang được thi công mọc san sát nhau. Những công trình này cách bờ biển chưa đến 100m với các yếu tố tự nhiên dẫn đến sạt lở nghiêm trọng"- bà Phương nhận định. Việc thi công các tòa nhà cao tầng phải đào móng sâu và bơm nước ngầm lên quá nhiều.

Việc bơm nước dẫn đến yếu tầng nền và tạo điều kiện cho nước biển (phía đối diện con đường) xâm thực vào. Đây là nguyên nhân chính và kết hợp với các yếu tố tự nhiên dẫn đến sạt lở nghiêm trọng"- bà Phương cho biết.

Trước tình trạng sạt lở nghiêm trọng bờ biển Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh liên tục đi thị sát hiện trường và chỉ đạo khắc phục. Ông Nguyễn Xuân Anh cho rằng, biển Đà Nẵng là tài sản vô giá, tình trạng  sạt lở có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp du lịch của “thành phố đáng sống”. Do đó, cần phải nghiên cứu, sớm triển khai các giải pháp bảo vệ bờ biển Đà Nẵng.

Thành phố đang khẩn cấp đầu tư hệ thống cống bao, hạn chế nước xả biển gây thất thoát lượng cát
Thành phố đang khẩn cấp đầu tư hệ thống cống bao, hạn chế nước xả biển gây thất thoát lượng cát

Ông Lê Quang Nam- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thành phố đang xúc tiến triển khai Dự án xây dựng hệ thống cống bao từ nguồn vốn của Tổ chức JICA - Nhật Bản. Đường kính ống cống từ 1,8 mét đến hơn 2 mét, xây dựng song song nằm phía dưới lòng mương thoát hiện tai. Hệ thống cống bao này khi hoàn thành sẽ gom toàn bộ hệ thống nước thải và nước mưa về bể xử lý, không còn xả ra biển.

“Trong khi chờ triển khai dự án này, UBND thành phố Đà Nẵng đã đầu tư khẩn cấp xây dựng 3 cửa xả ven bãi biển Mỹ Khê, mua thêm 10 máy bơm để hút nước mưa về bể tập trung, hạn chế nước thoát ra biển.”- ông Nam cho biết thêm.

Ngoài ra, nhằm từng bước khôi phục dải xanh ven biển, chắn cát, chắn sóng và bảo vệ đường bờ biển trước tác động của biến đổi khí hậu, thành phố cũng đang triển khai trồng các loại cây có khả năng chắn sóng, giữ cát như phi lao, dương….

Bãi biển Cửa Đại (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) đang có nguy cơ bị biến mất do sạt lở. Để cứu biển Đà Nẵng được xếp hạng là một trong 6 bãi biển đẹp nhất hành tinh, lãnh đạo TP. Đà Nẵng cần sớm nghiên cứu tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở bất thường và triển khai đồng bộ các giải pháp trước khi quá muộn.

Bài, ảnh:Lan Anh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp bách bảo vệ bờ biển Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO