Cao Bằng - Diện mạo mới

26/12/2013 00:00

(TN&MT) - Một trong 6 chương trình trọng tâm đã được Tỉnh ủy Cao Bằng xác định trong giai đoạn 2011 – 2015 là phát triển kinh tế cửa khẩu (KTCK).

(TN&MT) - Một trong 6 chương trình trọng tâm đã được Tỉnh ủy Cao Bằng xác định trong giai đoạn 2011 – 2015 là phát triển kinh tế cửa khẩu (KTCK). Đến nay, sau hơn 2 năm, tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai đầu tư xây dựng các khu KTCK để xứng tầm là vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh.
   
    
Hạ tầng Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng đã được đầu tư tạo điều kiện cho hoạt động XNK hàng hóa qua địa bàn.
   
DIỆN MẠO KHỞI SẮC
   
  Trên tuyến đường đi các cửa khẩu: Trà Lĩnh, Tà Lùng (Phục Hòa) những ngày cuối năm, từng đoàn xe tải, container đầy ắp hàng hóa nối dài càng khiến không khí thêm sôi động, khẩn trương. Dọc con đường rải nhựa ra biên giới Tà Lùng, nhà cửa san sát. Nhìn về tổng thể, Khu KTCK Tà Lùng đã có bước chuyển mình so với những năm trước đây, hạ tầng giao thông, điện, nước được đầu tư; các cơ sở sản xuất, chế biến mọc lên, tạo ra dáng dấp khu đô thị vùng biên. Tại Khu KTCK Trà Lĩnh cũng đang dần hình thành mặt bằng rộng rãi và một số hạng mục đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu xuất nhập khẩu giữa 2 nước Việt Nam – Trung Quốc.
   
  Với lợi thế có đường biên giới đất liền tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc) dài trên 333 km, có cửa khẩu quốc tế Tà Lùng – Thủy Khẩu và cặp cửa khẩu Quốc gia Trà Lĩnh – Long Bang, 4 cửa khẩu phụ và nhiều cặp chợ biên giới, lối mở, đó là điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu hợp tác phát triển kinh tế giữa Cao Bằng với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) nhất là trên các lĩnh vực thương mại, du lịch, dịch vụ… từ đó thúc đẩy kinh tế của tỉnh phát triển. Để tạo thuận lợi trong quản lý và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo đúng tiêu chí, tỉnh đã thành lập Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế tỉnh trên cơ sở sát nhập 3 BQL Khu KTCK: Sóc Giang (Hà Quảng), Trà Lĩnh, Tà Lùng. Tỉnh đã ban hành các chủ trương, các quyết định về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các khu KTCK và ban hành nhiều chính sách ưu đãi đầu tư; huy động tổng hợp các nguồn vốn để đầu tư cho các khu KTCK.
   
NỖ LỰC CỦA CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG
   
  Theo quy hoạch, Dự án đầu tư xây dựng công trình đường vào lối mở Nà Đoỏng đã thu hồi hơn 9 ha đất tại xóm Nà Đoỏng để xây dựng các hạng mục, như: Tuyến đường dài hơn 600 m từ đoạn rẽ tỉnh lộ 205 – Cửa khẩu Trà Lĩnh; xây dựng khu tái định cư và giải phóng phần đất dành cho các nhà đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Đến nay cơ bản đã giải phóng 80% mặt bằng cho đơn vị thi công; hoàn thành các hạng mục: bãi đỗ xe, trạm cân điện tử… Riêng hạng mục nhà Trạm kiểm soát liên hợp, hiện tại chưa trình phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư do thay đổi thiết kế, tăng giá vật liệu, nhân công nên tổng mức đầu tư vượt so với dự án đã được phê duyệt. BQL Khu KTCK Trà Lĩnh sẽ thực hiện việc trình điều chỉnh tổng mức đầu tư cho các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với công tác thi công xây lắp, gói thầu xây lắp hạ tầng kỹ thuật khu 1 và hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đã thực hiện cơ bản xong 80% khối lượng; khối lượng còn lại phải chờ công trình nhà Trạm kiểm soát liên hợp mới thi công xong. Hiện đơn vị thi công đang khẩn trương hoàn thành khối lượng hạng mục hạ tầng kỹ thuật cải tạo suối thoát nước tuyến 2, 3, 4, đường dây 35 kv và trạm biến áp. Trong đó, hạng mục đường dây 35 kv và trạm biến áp đã thử tải xong và nghiệm thu đưa vào sử dụng. Công trình Cải tạo, sửa chữa Trạm Kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Trà Lĩnh đã thi công xong. BQL Khu KTCK đang thực hiện giải tỏa, chi trả đền bù giải phóng mặt bằng công trình đường vào lối mở Nà Đoỏng đạt khoảng 80% giá trị dự toán. Do thiếu vốn nên công trình đường nội thị cửa khẩu đang thi công dở dang.
   
  Tuy mới là khu kinh tế đang bắt đầu được xây dựng nhưng với sự nỗ lực của tỉnh và địa phương, hiện, Khu KTCK Trà Lĩnh đã có 9 nhà đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoặc cấp chủ trương đầu tư. Một số doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư đang chờ mặt bằng để triển khai thi công tại khu đường vào lối mở Nà Đoỏng.
   Phát triển kinh tế Cửa khẩu Tà Lùng, hơn 2 năm qua, tỉnh và huyện Phục Hòa đã nỗ lực chỉ đạo, điều hành, bước đầu tạo được môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng sôi động, thu hút nhiều doanh nghiệp vào hoạt động, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đến nay, Tà Lùng đã có gần 30 công ty, doanh nghiệp có giấy chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư. Đã có hơn 20 dự án đi vào hoạt động.
   
PHÁT TRIỂN KTCK - ĐIỀU KIỆN ĐỂ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ
   
  Thời gian qua, Cao Bằng đã đẩy mạnh quan hệ giao lưu hợp tác kinh tế, thương mại với tỉnh Quảng Tây. Bên cạnh việc quan tâm giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong hoạt động thương mại biên giới và đang từng bước thực hiện cải cách thủ tục hành chính, công tác xúc tiến thương mại qua biên giới, hợp tác kinh tế đối ngoại cũng được quan tâm. Cao Bằng đã triển khai thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế với các thành phố của Trung Quốc như các Thành phố Sùng Tả, Bách Sắc (Quảng Tây). Tổ chức các đoàn doanh nghiệp đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại, du lịch. Tổ chức, mời thương nhân tham gia Hội chợ thảo dược tại huyện Tịnh Tây, Hội chợ quốc tế Trung - Việt tại huyện Long Châu (Quảng Tây). Tổ chức cho các đoàn đại biểu kinh tế của tỉnh sang thành phố Sùng Tả để giao lưu gặp gỡ, hợp tác phát triển kinh tế…
   
  Tại các cuộc hội đàm, hội thảo, hai bên đã bàn bạc đi sâu về các vấn đề: Hợp tác phát triển nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu, mậu dịch biên giới... cùng nhau tăng cường hợp tác thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai địa phương. Tăng cường trao đổi với các cấp chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây để cùng thực hiện các thỏa thuận, hợp tác nâng cấp cặp cửa khẩu Tà Lùng – Thủy Khẩu lên thành cửa khẩu quốc tế; cặp cửa khẩu Sóc Giang – Bình Mãng, Lý Vạn – Thạch Long lên cửa khẩu chính (song phương). Thúc đẩy tiến trình nghiên cứu xây dựng Khu hợp tác kinh tế biên giới Trà Lĩnh – Long Bang. Thông tuyến vận tải đường bộ quốc tế giữa Cao Bằng và Bách Sắc…
   
  Đặc biệt, tiến hành trao đổi, đàm phán với phía Trung Quốc về kết nối giao thông đường cao tốc từ Tứ Xuyên – Trùng Khánh – Bách Sắc (Quảng Tây) – Trà Lĩnh - Cao Bằng – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng – tới các nước ASEAN. Hiện nay, phía nước bạn đang gấp rút hoàn thành tuyến đường cao tốc từ Trùng Khánh đến Cửa khẩu Trà Lĩnh. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý nâng cấp tuyến Quốc lộ 4a từ Lạng Sơn lên Cao Bằng. Đây sẽ là cơ hội lớn để khai thác lợi thế các cửa khẩu trong việc đẩy mạnh hoạt động thương mại, du lịch, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc. Sự kỳ vọng về tuyến “hành lang trung tâm” Cao Bằng – Bách Sắc của ASEAN hứa hẹn sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho bức tranh kinh tế Cao Bằng. Đó là cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp mà phát triển Khu KTCK chính là nền tảng để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế thương mại hai bên lên tầm cao mới, góp phần xây dựng vùng biên giới ngày càng giàu đẹp và trở thành những điểm sáng đặc biệt trên biên giới Việt – Trung.
   
  Ngày 29/4/2011, Tỉnh ủy ban hành Chương trình số 10-CTr/TU về phát triển KTCK giai đoạn 2011 - 2015 (trọng tâm là Khu KTCK Trà Lĩnh). Nhu cầu vốn để đầu tư cho các khu KTCK giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 2.200 tỷ đồng (bình quân 440 tỷ đồng/năm). Từ năm 2011 – 2013 đã bố trí đầu tư 204,505 tỷ đồng, trong đó, Cửa khẩu Trà Lĩnh 82,222 tỷ đồng (chiếm 40,2%).
  Quy hoạch Khu KTCK Trà Lĩnh đã được tỉnh phê duyệt trên tổng diện tích 745 ha. Trong đó, tổng diện tích đất theo quy hoạch chi tiết khu cửa khẩu là 36 ha.
    
Dạ Đăng
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng - Diện mạo mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO