Cao Bằng có hơn 89% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh

Nguyễn Hùng - Xuân Vũ (thực hiện)| 19/05/2020 14:17

(TN&MT) - Tỉnh Cao Bằng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, hướng tới đảm bảo bền vững nước sạch vệ sinh môi trường tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số vùng khó khăn. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Bế Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cao Bằng xung quanh vấn đề này.

PV: Xin ông cho biết thực trạng công tác đầu tư, quản lý, sử dụng công trình nước sinh hoạt nông thôn trên địa bản tỉnh?

Ông Bế Nhật Thành:

 Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã và đang tập trung đầu tư xây dựng các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường trên địa bàn nông thôn, góp phần nâng cao sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng nông thôn phát triển. Hiện nay, trên địa bàn nông thôn của tỉnh Cao Bằng có các loại hình cấp nước sinh hoạt nông thôn như: Cấp nước sinh hoạt tập trung (bao gồm các hệ dẫn nước sinh hoạt tự chảy, bơm dẫn, các bể, hồ chứa nước công cộng); các loại giếng đào, giếng khoan, bể, lu chứa nước; trong đó, có hơn 1.150 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đã được đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có hơn 89% dân cư nông thôn đã được hưởng nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ các công trình này.

Do địa bàn miền núi hiểm trở, dân cư sống thưa thớt, nên việc đầu tư xây dựng công trình cấp nước cho toàn bộ các xóm trong một xã hoặc liên vùng còn nhiều khó khăn. Nếu muốn đầu tư phải dựa theo thực tế địa hình, hiện trạng nguồn nước và hiện trạng các nhà dân sinh sống để quyết định khảo sát, thiết kế và thi công công trình phù hợp.

Mặt khác, do đời sống kinh tế của người dân nông thôn còn khó khăn, nếu áp dụng vào kinh doanh giá nước thì người dân nông thôn khó có điều kiện để chi trả. Cùng với đó, các nhà đầu tư vẫn còn “băn khoăn” chưa dám đầu tư bởi khó thu phí và khả năng hoàn vốn phải mất thời gian dài. Vì vậy, các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn sau khi xây lắp hoàn thành đều phải giao cho chính quyền địa phương và người dân vùng hưởng lợi từ công trình tự quản lý, vận hành và khai thác sử dụng.

Ông Bế Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Cao Bằng 

PV: Quá trình quản lý, khai thác, sử dụng các công trình nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng còn tồn tại những hạn chế gì, thưa ông?

Ông Bế Nhật Thành:

 Đối với những hạn chế còn tồn tại trong quá trình quản lý, vận hành, khai thác sử dụng các công trình nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng một phần là ý thức quản lý, vận hành và khai thác công trình nước của người dân còn hạn chế, bởi muốn có nước hợp vệ sinh thì phải thiết kế có áp dụng các kỹ thuật cấp nước, những người dân thì gần như có công trình mới được tiếp xúc với các kỹ thuật này. Bên cạnh đó, tư tưởng người dân còn trông chờ, ỷ lại, chưa thực sự có ý thức trong việc bảo vệ, giữ gìn các công trình nước sạch.

Do đã giao cho chính quyền địa phương và người dân vùng hưởng lợi từ công trình tự quản lý, vận hành và khai thác sử dụng công trình nước sạch, tuy nhiên, một số nơi còn chưa thực sự làm tốt việc thu phí sử dụng nước để tạo nguồn quỹ để chi trả cho các việc như: Chi trả tiền cho cán bộ trong tổ quản lý vận hành và bảo dưỡng được xóm, đơn vị chọn giao quản lý, khai thác và bảo vệ; chi cho bảo dưỡng, duy tu và sửa chữa thường xuyên công trình; nguồn dự phòng mua vật tư, thiết bị thay thế, sửa chữa đường ống và các hạng mục khác của công trình... Không được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ thì những công trình này hoạt động kém hiệu quả, xuống cấp theo thời gian là điều tất yếu. Khi những công trình đã xuống cấp thì kinh phí sửa chữa là rất lớn, do đó điều kiện kinh tế của người dân nông thông không đáp ứng được việc sửa chữa lớn.

Người dân Cao Bằng đã được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh

PV: Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại và nâng cao hiệu quả công tác đầu tư, quản lý, khai thác và sử dụng bền vững các công trình nước sinh hoạt nông thôn, tỉnh Cao Bằng cần tập trung triển những giải pháp chủ yếu nào?

Ông Bế Nhật Thành:

Để khắc phục những tồn tại, thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân vùng nông thôn hiểu rõ hơn nữa về tầm quan trọng của Tài nguyên nước đối với cuộc sống sinh hoạt, sản xuất. Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về quản lý sử dụng, khai thác và tài chính của các công trình nước sạch cho người dân nông thôn.

Đối với các địa phương có công trình nước sạch, cần chọn một người có ý thức trách nhiệm, kiến thức quản lý vận hành, thu phí sử dụng công trình nước sạch để đảm bảo công trình thường xuyên được bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế các thiết bị hỏng hóc, xuống cấp.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo số liệu từ Sở Y tế Cao Bằng, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 73% số hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu, trong đó, 49,73% nhà tiêu hợp vệ sinh; 94,5% Trạm Y tế xã, phường có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; 69,07% trường học có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh; 56,66% hộ chăn nuôi gia súc có chuồng trại hợp vệ sinh. Về cấp nước sinh hoạt nông thôn, toàn tỉnh có 866 công trình cấp nước tập trung, trong đó, 6,47% công trình hoạt động bền vững. 88% người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 83,98% người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng có hơn 89% người dân nông thôn được sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO