Cao Bằng: 90% diện tích đã được cấp “sổ đỏ”

Nguyễn Hùng| 30/12/2021 09:36

(TN&MT) - Sau hơn 7 năm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh vùng cao, biên giới.

Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai đã được tỉnh Cao Bằng triển khai thông qua nhiều hình thức như lồng ghép qua các hội nghị tuyên truyền miệng, các hoạt động của đoàn thể, phương tiện truyền thanh địa phương, công tác trợ giúp pháp lý… Nhất là chú trọng các nội dung về Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành để giúp người sử dụng đất nắm được những quy định cơ bản, quyền và nghĩa vụ của mình trong việc quản lý, sử dụng đất đai.

Theo thống kê, từ năm 2014 đến nay, tỉnh Cao Bằng đã thực hiện thu hồi trên 1.300ha đất, trong đó, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên 1.150ha. Trong đó, bồi thường bằng đất 2,264ha, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đạt trên 1.130 tỷ đồng; bố trí tái định cư cho 454 hộ (chủ yếu trên địa bàn huyện Trùng Khánh và thành phố Cao Bằng), với tổng diện tích 4,532ha. Thực hiện cấp trên 524.000 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổng diện tích gần 495.000ha, đạt tỷ lệ trên 90% diện tích cần cấp. Hoàn thành nhập dữ liệu 128/199 xã, phường, thị trấn.

Công tác quản lý và sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có những chuyển biến tích cực

Công tác đăng ký đất đai, lập và quản lý hồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đã được thực hiện đúng các quy định của Luật Đất đai 2013. Tuy nhiên, số lượng diện tích chưa kê khai còn nhiều. Nguyên nhân là do ở những huyện vùng sâu, vùng xa, diện tích đất nông nghiệp canh tác không thường xuyên, đất đai có nguồn gốc phức tạp, nhận thừa kế từ đời này qua đời khác, người dân cũng ít quan tâm đến việc kê khai đủ diện tích canh tác. Bên cạnh đó, do địa bàn rộng, địa hình đồi núi đi lại khó khăn, dân cư sống không tập trung nên trong quá trình đo đạc tại một số xã vùng sâu còn xảy ra tình trạng đo sót dẫn đến chưa thực hiện kê khai được.

Ngoài ra, các chính sách tài chính về đất, giá đất, công tác đấu giá quyền sử dụng đất ngày càng được công khai, minh bạch, bám sát quyền và lợi ích của người dân; tăng nguồn thu từ đất đai. Các nguồn thu từ đất đai bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất, các loại phí, lệ phí từ đất đai thu đạt trên 2.600 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Trọng Phùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT Cao Bằng cho biết, thời gian qua, tỉnh Cao Bằng đã triển khai Dự án Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai (VILG) trên địa bàn 6 huyện: Trùng Khánh, Hạ Lang, Quảng Hòa, Bảo Lạc, Bảo Lâm và Thạch An. Sở TN&MT cũng đã thường xuyên tham mưu, giải quyết các cơ chế chính sách, giá đất liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các công trình trọng điểm như: Dự án đường phía Nam thành phố Cao Bằng; Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao huyện Quảng Hòa...

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, thời gian tới, Sở TN&MT Cao Bằng tăng cường thực hiện các giải pháp để công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp, chặt chẽ, đồng bộ ở tất cả các khâu, các cấp ở địa phương. Dự kiến trong năm 2022, Sở TN&MT sẽ tham mưu đề xuất với UBND tỉnh Cao Bằng triển khai thực hiện việc rà soát các khu vực chưa được đo đạc, lập bản đồ địa chính nhằm hoàn thiện bộ bản đồ địa chính của 161 xã, phường, trị trấn, phục vụ cho công tác đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Bằng: 90% diện tích đã được cấp “sổ đỏ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO