Cao Ba Lanh – Phên dậu Tổ quốc tôi

Doãn Xuân| 29/03/2023 11:21

Đài quan sát Cao Ba Lanh – tên thường gọi của người dân xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh mỗi khi nhắc tới địa danh này. Không chỉ thế, nơi đây còn tồn tại nhiều huyền bí và cảnh đẹp mê hoặc lòng người.

Nơi phên dậu của Tổ quốc

Cao Ba Lanh là địa danh du lịch còn rất hoang sơ của huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, hiện đang được Lâm trường 155 và Công ty CP Thương mại Bình Liêu quản lý và khai thác du lịch.

Cao Ba Lanh thực chất là 3 đỉnh núi: Thượng – Trung – Hạ hợp thành, độ cao trên 1.050m so với mực nước biển. Từ trên đây có thể quan sát được toàn bộ khu vực các bản: Phai Làu, Sông Moóc, Khe Tiền, Cầm Hắc, Phạt Chỉ, Khu Chợ, Đồng Thắng, điểm thông quan xã Đồng Văn và khu vực bản: Tràng Nhì, Hanh, Nà Kép của nước bạn Trung Quốc.

anh-1-cu-duong-chong-hen.jpg
Cụ Dường Chống Hén gõ vào đàn đá thần

Người dân nơi đây cho biết, đứng trên Cao Ba Lanh có thể quan sát được rõ động tĩnh của các thôn bản của cả hai phía biên giới. Vì vậy, trước đây những thôn bản bên Việt Nam thường cử người lên đỉnh Cao Ba Lanh quan sát canh phòng. Mỗi khi quân giặc, cướp từ bên kia biên giới tràn sang với ý đồ cướp bóc, người canh gác có thể nhanh chóng thông báo cho người dân biết, bằng cách gõ vào đá trên núi, tạo ra tiếng kêu lớn như chuông đồng, vang đi rất xa.

Một lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Bình Liêu cho biết: Các chuyên gia chưa lý giải được “bãi đá thần” (người dân tộc Dao bản địa gọi là đàn đá thần) có khả năng đánh đuổi giặc là thật hay chỉ là truyền thuyết nhưng bãi đá phát ra tiếng kêu kỳ lạ mỗi khi gõ vào là có thật.

Với sự hiếu kỳ, tôi thôi thúc mình phải đi nhanh, leo nhanh lên đỉnh núi Cao Ba Lanh để kiểm chứng lời đồn về bãi đá thần. Khi tới nơi, cụ Dường Chống Hén, bản Cầm Hắc (người dân tộc Dao dẫn đường) cầm cục đá gõ vào từng phiến đá, thật bất ngờ âm vang vọng như tiếng trống đồng ngày một to, âm vọng trầm bổng và hào hùng, tôi có cảm giác như tiếng trống trận đang hiệu triệu hàng vạn sứ quân tiến lên.

Tôi cũng tìm cho mình một viên đá, sau đó lấy tay sờ nhẹ vào từng phiến đá xem có điểm gì khác biệt, nhưng không sao tìm ra điểm khác biệt, bởi nó không khác gì phiến đá vôi thông thường trong cuộc sống, chỉ khác ở đây là nó được thiên nhiên tạo dựng lên, xếp thành lớp, hàng lối chỉnh tề. Riêng chỉ có một chi tiết “độc – lạ” ở đây là các phiến đá nằm ngay mép nước của hồ nước ngọt trên đỉnh Cao Ba Lanh và hồ không bao giờ cạn nước, cho dù hạn hán kéo dài tới bao lâu.

anh-2-dan-da.jpg
Đàn đá thần được người dân tôn thờ và bảo vệ nghiêm ngặt

Cụ Hén cho hay: Bộ đội ta ngày xưa sống nhờ vào nguồn nước này để kháng chiến trường kì với quân giặc, trên đây từng có hệ thống hầm hào dày đặc và giờ vẫn được giữ nguyên hiện trạng. Sau đó, tôi và cụ Hén đã đi thăm hệ thống hầm hào tại đây, tôi sẽ kể với các bạn ở phần sau, chỉ khuyên các bạn nếu có dịp lên đây hãy cẩn trọng đi lại vì chỉ cần sơ xuất nhỏ có thể dơi xuống hệ thống hầm hào ngay.

Ngoài ra, cạnh đàn đá thần có đôi rùa đá đang chuẩn bị cho thời kì sinh sản, rùa đá mẹ mang đầy trứng trên người và hướng ra hồ nước ngọt trước mặt. Cụ Hén tâm sự: Người dân tộc Dao, Tày ở Đồng Văn rất tôn thờ đàn đá thần và rùa đá. Ngoài ra, còn có tượng nhân sư trên đỉnh Cao Ba Lanh, đầu tượng nhân sư nhìn về hướng các bản làng, có thể để ngắm vẻ đẹp thơ mộng của ruộng bậc thang, rừng hoa hồi, dòng suối… và để bảo vệ dân làng, bảo vệ vùng đất thiêng liêng nơi biên cương của Tổ quốc. Chúng tôi xem đây là những bảo vật thiêng liêng của dân tộc mình và bất khả xâm phạm.

Cuộc trò chuyện thú vị trên đỉnh Cao Ba Lanh

Sau hơn một giờ leo núi, tôi và cụ Dường Chống Hén đã đặt chân trên đỉnh Cao Ba Lanh Thượng. Mệt nhưng vui, ngồi trên đỉnh Cao Ba Lanh tôi phóng tầm mắt nhìn về Tổ quốc mình thật tươi đẹp, yên bình, ruộng bậc thang và cánh đồng lúa đã ngã màu vàng non, những ngôi nhà thấp thoáng dưới lùm cây, được cộng hưởng bởi ánh nắng mặt trời ban trưa, lấp lánh như những viên kim cương khổng lồ phản chiếu ánh sáng đã tạo ra chốn “bồng lai tiên cảnh” rất mê hoặc.

Cụ Hén trầm ngâm: Truyền thuyết về một vị vua khi đi thuyền qua đây đã bị mắc kẹt tại nơi này, vị vua chết đi được người Dao và Tày nơi đây cho vào quan tài khiêng xuống khu vực đầu hổ (nằm trên đỉnh Cao Ba Lanh thượng) để chôn cất nhưng không may giữa đường chiếc quan tài rơi xuống và nằm tại sườn núi. Gắn liền với truyền thuyết huyền bí về vị vua là những tảng đá lớn giống hình chiếc quan tài và chiếc thuyền nằm tại sườn núi Cao Ba Lanh, hình dạng độc đáo, dị biệt mà có lẽ không đâu có được. Tất cả đều tạo ra sự huyền bí, lôi cuốn con người ta vào sự khám phá, tìm hiểu.

ruong-bac-thang-va-phong-canh-duoi-chan-cao-ba-lanh.jpg
Ruộng bậc thang và bản làng ở Đồng Văn, huyện Bình Liêu

Nhà báo biết đấy, trên đỉnh núi còn có hệ thống hầm hào dày đặc, có cả giếng nước bộ đội mình ngày xưa sử dụng khi đóng quân trên núi – Cụ Hén tâm sự. Tôi tò mò giục cụ dẫn đường tới hệ thống hầm hào, quả không sai, ở đây hệ thống hào như ma trận, không biết đâu là đầu và đâu là cuối, như một mê cung, chỗ sâu, chỗ nông, khi thì ngã 3, lúc thì ngã 4… tất cả được cỏ và cây dại che phủ một phần, rất cổ kính. 

Tôi trầm ngâm một lúc, hình như cụ Hén đoán ra được sự nét mặt trầm tư của tôi, cụ kể tiếp: Nhà nước đã kêu gọi đầu tư kinh phí xây Đài tưởng niệm Liệt sỹ đã hy sinh trong chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, Nhà báo vui lên, nhân dân ta, Tổ quốc ta không bao giờ quên ơn công lao to lớn của những người đã nằm xuống vì dân tộc.  

Để đón đầu cho ngành công nghiệp không khói, ông chủ Công ty CP Thương mại Bình Liêu đã đề xuất với huyện cho đào thêm 1 cái hồ to để giữ nước mưa, sau chia thành 3 cái hồ để giữ nước vì nếu có trường hợp bờ bao bị vỡ thì vẫn còn nước để dự phòng lâu dài – ông Hén tâm sự thêm. Đào hồ để nuôi cá, chăn nuôi thí điểm bò, ngựa, dê, gà… trên đỉnh Cao Ba Lanh quả thật là điều phi thường nhưng tất cả đều sống và sinh trưởng tốt.

Sau đó cụ Hén dẫn tôi đi hái lá để về làm men rượu cổ truyền của người Dao, trên đường đi cụ “khai mở” cho tôi nhiều loại cây, lá có thể kết hợp với nhau tạo ra men nấu rượu, thuốc tắm lá tốt cho sức khỏe… ông Hén dừng lại giây lát và chỉ tay về phía trước, Nhà báo thấy không, trước mắt mình là toàn bộ rừng hồi, cây gia vị được người Trung Quốc rất thích, họ thường nhập số lượng lớn, đây cũng là “cây tài sản” của bà con mình.

Thật tiếc vì tôi và cụ Hén không có nhiều thời gian để rong ruổi trên Cao Ba Lanh lâu hơn, để tôi được nghe và tận hưởng hết cảnh đẹp, câu chuyện huyền bí, chứng tích lịch sử hào hùng nơi đây. Tôi hi vọng, Cao Ba Lanh sẽ sớm được huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh đưa nơi đây thành địa chỉ du lịch trọng điểm, để nhiều người được chiêm ngưỡng chốn “bồng lai tiên cảnh” nơi đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cao Ba Lanh – Phên dậu Tổ quốc tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO