Cảnh giác với thiên tai

20/04/2017 00:00

(TN&MT) - Năm 2017, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu, cần phải nâng cao nhận thức hơn...

(TN&MT) - Năm 2017, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu, cần phải nâng cao nhận thức hơn nữa về vấn đề này".
 
“Trong năm 2017, chúng ta phải chuẩn bị tinh thần Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu, cần phải nâng cao nhận thức hơn nữa về vấn đề này” – Đó là nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 vừa diễn ra.
 
Nỗ lực chống lại thiên tai
 
Việt Nam là đất nước chịu nhiều thiên tai, trong đó, năm 2016, thiên tai xảy ra dồn dập từ đầu năm đến cuối năm trên khắp các vùng miền trong cả nước với cường độ lớn, phạm vi rộng, đồng thời thể hiện tính cực đoan, bất thường như: rét hại, băng giá ở các tỉnh Bắc Bộ và hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên đã đạt mức lịch sử.
 
Theo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, trong năm 2016, thiên tai đã làm 264 người chết và mất tích, bị thương gần 1.000 người. Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng. Thiệt hại do thiên tai gây ra đã làm sản xuất bị đình trệ, sức khỏe cộng đồng dân cư vùng thiên tai bị ảnh hưởng nghiêm trọng và là nguyên nhân chính làm ngành nông nghiệp bị tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm dẫn đến làm giảm tăng trưởng quốc gia.
 
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu - Ảnh MH
Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia chịu tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu - Ảnh MH
Trong bối cảnh thiên tai diễn biến hết sức khốc liệt, nhưng công tác tham mưu chỉ đạo điều hành đã đáp ứng kịp thời, hiệu quả, góp phần giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, nhất là trên biển. Tại Hội nghị tổng kết công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Thủ tướng đánh giá cao các cơ quan chức năng và địa phương đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời và trách nhiệm. Sau thiên tai, thiệt hại vật chất lớn, song các Bộ, ngành, địa phương đã nhanh chóng khắc phục, sớm ổn định đời sống và sản xuất sau thiên tai, không để người dân bị đói khát, dịch bệnh. Việc phối hợp vận hành hồ chứa từng bước thực hiện theo đúng quy trình, không để xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn công trình và hạ du…
 
Thủ tướng Thủ tướng cũng đánh giá cao một số địa phương đã có mô hình phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tốt, như mô hình cải tạo cánh đồng sau thiên tai ở Lào Cai, Quỹ Hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung...
 
Nhiều địa phương chủ quan, thiệt hại lớn
 
Bên cạnh những nỗ lực của cơ quan chức năng và địa phương vẫn còn nhiều mặt tồn tại, bất cập cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Thủ tướng đã chỉ ra rằng, nhiều địa phương còn chủ quan, chưa nhận thức tốt về công tác này. Luật Phòng chống thiên tai có hiệu lực từ năm 2014 nhưng đến nay vẫn chưa xây dựng xong kế hoạch phòng chống thiên tai cấp quốc gia.
 
Công tác quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập phải rà soát, sửa đổi, cụ thể như đối với một số công trình thủy điện, giao thông, khu dân cư… vẫn còn thiếu kiểm tra, giám sát từ khâu lập quy hoạch, chưa quan tâm việc phòng ngừa các tác động của thiên tai, làm gia tăng rủi ro thiên tai trong khu vực.
 
Thủ tướng cũng nêu rõ, hồ chứa nước bên cạnh phục vụ thủy điện, thủy lợi phải phục vụ chống lũ, chống hạn, không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu. Xây hồ chứa nước nhưng khi hạn, hồ lại cạn kiệt, thiếu nước chống hạn. Như vậy là quy trình điều tiết hồ sai.
 
Về công tác dự báo, Thủ tướng cho rằng, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều khi gây bất ngờ lớn. Công tác thông tin tuyên truyền chưa đến được với tất cả người dân, nhất là vùng thôn bản, vùng sâu, vùng xa nên có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra khi mưa lũ đến.
 
Quy trình thủ tục hỗ trợ khắc phục hậu quả sau thiên tai còn chậm, thiếu máy móc. Việc tiếp nhận, phân bổ hỗ trợ ở một số địa phương chưa minh bạch, phát sinh thắc mắc.
 
Thủ tướng cũng đặc biệt lưu ý các địa phương và Bộ NN&PTNT về tình trạng vi phạm quy định pháp luật về đê điều, phòng chống thiên tai còn khá phổ biến, chậm được khắc phục, nổi cộm là nạn cát tặc, khai thác trái phép trên các dòng sông làm sạt lở đê, kè, cản trở, suy giảm khả năng thoát lũ, tăng nguy cơ, rủi ro thiên tai.
 
Về nhiệm vụ phòng chống thiên tai năm 2017, Thủ tướng yêu cầu, công tác phòng chống thiên tai phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của người dân, của doanh nghiệp, cần sớm hoàn thiện trên cơ sở cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và tình hình thiên tai, trong đó, xác định lấy phòng ngừa là chính. Ngoài sự hỗ trợ của hệ thống chính trị, Thủ tướng cho rằng, cần hỗ trợ người dân có phương án để tự bảo đảm cho chính mình và cho gia đình mình. Đi liền với đó là các địa phương, Bộ ngành phải rà soát xây dựng phương án, nhiệm vụ ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong năm 2017.
 
Nhị Giang
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh giác với thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO