Cần xây dựng kênh chia sẻ thông tin môi trường giữa phóng viên và cơ quan quản lý

05/02/2015 00:00

(TN&MT) - Đó là chia sẻ của ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường trả lời về buổi tọa đàm về “Kỹ năng trao đổi và cung cấp thông tin cho...

   
(TN&MT) - Đó là chia sẻ của ông Mai Thanh Dung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) dành cho phóng viên Báo TN&MT xung quanh buổi tọa đàm về “Kỹ năng trao đổi và cung cấp thông tin cho báo chí” được tổ chức vừa qua tại Hà Nội.
   
 PV: Trong thời gian qua, có nhiều vụ việc “nóng” nảy sinh  liên quan đến vấn đề môi trường nhưng phóng viên khi muốn tiếp cận thông tin lại vấp phải nhiều rào cản (ví dụ như buộc phải chờ qua chế độ người phát ngôn của những đơn vị đầu mối quản lý, chịu trách nhiệm về cung cấp thông tin liên quan)... khiến thông tin bị chậm hoặc sai lệch. Vậy theo ông cần khắc phục vấn đề này ra sao?
   
   Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung: Những vụ việc “nóng” liên quan tới vấn đề môi trường thường phát sinh tại các địa phương. Chính vì vậy, những thông tin mà các cơ quan quản lý Nhà nước trên trung ương thường nắm bắt qua các địa phương báo cáo hoặc do các phương tiện truyền thông, các cơ quan báo chí phản ánh. Chính vì vậy, khi nảy sinh và phát hiện vụ việc, phóng viên khi tác nghiệp cần nhanh nhạy nắm bắt vấn đề trực tiếp ở địa phương đó như tại các Chi cục bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường. Từ đó có được nguồn thông tin chính thức, cụ thể, sau đó liên hệ trực tiếp với lãnh đạo Tổng cục để chỉ đạo đơn vị phụ trách mảng được giao theo chức năng nhiệm vụ cung cấp thông tin.
   
  Đặc biệt, hiện nay, Tổng cục Môi trường đã thành lập Cục Môi trường miền Trung – Tây Nguyên và Cục Môi trường miền Nam. Từ đó giúp lãnh đạo Tổng cục nắm bắt thông tin một cách nhanh nhạy và rộng khắp từ Bắc tới Nam. Với mỗi sự việc diễn ra tại địa phương, cả phóng viên lẫn nhà quản lý có thể dễ dàng cập nhật thông tin và tìm được cơ quan quản lý có trách nhiệm. Tổng cục sẽ có những chỉ đạo kịp thời và cung cấp thông tin cho báo chí trong thời gian nhanh nhất, còn các cơ quan truyền thông đại chúng sẽ đưa tới người dân những thông tin thiết thực và chính xác, góp phần định hướng dư luận.
   
Phó tổng cục trưởng Mai Thanh Dung
   
PV: Truyền thông môi trường không chỉ mang tính chất phổ cập mà còn có yếu tố chuyên môn sâu. Song có một thực tế, đôi khi vì nôn nóng đưa hiện tượng, sự việc làm phóng viên chưa tìm hiểu tường tận về chuyên môn, dẫn đến thông tin thiếu chính xác. Vậy theo ông, phóng viên cũng như cơ quan chức năng cần phối hợp thế nào để mỗi thông tin về ngành đưa ra đạt độ “chuẩn” cao?
   
Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung: Vấn đề môi trường là vấn đề khó, đôi khi nhạy cảm bởi đây là vấn đề nổi bật nhất trong lĩnh vực truyền thông báo chí trong 10 năm qua. Phóng viên ngày càng có nhận thức sâu sắc về tất cả các lĩnh vực liên quan đến môi trường. Tuy nhiên, nhiều kiến thức chuyên ngành phóng viên vẫn chưa nắm chắc hết được, thậm chí những người làm chuyên môi sâu chỉ nắm bắt lĩnh vực theo nhiệm vụ được giao.
   
  Cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường nên tăng cường các hoạt động để phổ cập kiến thức cơ bản cho mạng lưới phóng viên. Bên cạnh đó, cũng cần phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ về kỹ năng trao đổi, hợp tác và cung cấp thông tin giữa cơ quan quản lý Nhà nước đối với cơ quan báo chí. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, báo chí là một cánh tay đắc lực, hiệu quả giúp cơ quan quản lý Nhà nước nắm bắt được thông tin một cách nhanh nhạy. Vì vậy, cũng cần phải tăng cường hơn nữa cơ chế chia sẻ, xây dựng “kênh thông tin” hai bên, từ đó phóng viên không những sẽ tích lũy thêm được những kiến thức mà còn đưa ra những thông tin tới bạn đọc một cách chính xác, phản ánh trúng hơn, đúng hơn bản chất vấn đề.
   
   PV: Vậy ông đánh giá như thế nào về sự phối hợp giữa các cơ quan truyền thông với Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) trong thời gian vừa qua? Trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng mong muốn đẩy mạnh truyền thông đối với những hoạt động nào của Tổng cục Môi trường, thưa ông?
   
Phó Tổng cục trưởng Mai Thanh Dung: Tôi cho rằng, hiệu quả của công tác truyền thông bao giờ cũng lớn nhất và luôn mang lại giá trị hàng đầu trên một đơn vị chi phí. Sức mạnh của truyền thông là vô cùng lớn, giúp cơ quan quản lý phát huy, làm nổi bật được những thách tích đã đạt được đồng thời phát hiện và đồng hành cùng các cơ quan khắc phục những hạn chế còn tồn tại. Vì thế rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm hơn nữa đến truyền thông để thông tin truyền tải tới bạn đọc đa chiều và bổ ích.
   
  Trong thời gian qua, mối liên hệ truyền thông giữa Tổng cục Môi trường  với  không chỉ Báo Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan báo chí bên ngoài Bộ rất chặt chẽ. Điều này là hết sức cần thiết và cần tăng cường để cộng đồng nắm bắt được tốt hơn, hiểu biết tốt hơn về những hoạt động bảo vệ môi trường. Từ sự gắn kết, hợp tác chia sẻ này, Tổng cục Môi trường đã có được những thông tin 2 chiều để kịp thời đưa ra những chỉ đạo kịp thời, khắc phục được những mặt chưa làm được để nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.
   
  Được lãnh đạo Bộ quan tâm, công tác truyền thông liên tục phát triển trong thời gian qua. Hi vọng trong từng mảng của môi trường, truyền thông và Tổng cục sẽ có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa.
   
   PV: Trân trọng cảm ơn ông!
   
Nguyễn Cường – Thu Thủy
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần xây dựng kênh chia sẻ thông tin môi trường giữa phóng viên và cơ quan quản lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO