Cần Thơ: Xác định mộ tập thể liệt sĩ quân giải phóng trong khuôn viên Phi trường 31

17/11/2017 00:00

(TN&MT) - Thông tin về nơi có hàng chục hài cốt liệt sĩ Quân Giải phóng hy sinh trong đợt tổng tấn công Tết Mậu thân 1968 tại TP Cần Thơ bước đầu được làm sáng...

 

(TN&MT) - Thông tin về nơi có hàng chục hài cốt liệt sĩ Quân Giải phóng hy sinh trong đợt tổng tấn công Tết Mậu thân 1968 tại TP Cần Thơ bước đầu được làm sáng tỏ tại buổi tọa đàm, do Bộ CHQS TP Cần Thơ – Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 TP.Cần Thơ tổ chức hôm qua (16/11).

Đại diện Hội người tù kháng chiến TP Cần Thơ cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ tập thể trong khuôn viên Phi trường 31.  
Đại diện Hội người tù kháng chiến TP Cần Thơ cung cấp thông tin về mộ liệt sĩ tập thể trong khuôn viên Phi trường 31.  

CÓ CƠ SỞ

Tại buổi tọa đàm, khu vực nhận định có mộ liệt sĩ tập thể được nằm trong khuôn viên Phi trường 31, gần nghĩa trang quân đội Vùng 4 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn (hiện nay thuộc phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ).

Theo ông Hồ Tấn Hải (nguyên Phó ban Tác chiến Huyện đội Châu Thành, tỉnh Vĩnh Long): Tháng 7-1967, ông bị địch bắt và giam giữ tại trại giam tù binh Vùng 4 chiến thuật. Mồng 2 Tết Mậu Thân năm 1968, nhìn qua cửa sổ trại giam, ông thấy địch lần lượt đẩy từ trên xe xuống 23 xác người và gom vào một hố chôn tập thể. Căn cứ vào các đặc điểm nhận dạng, ông Hải khẳng định đó là liệt sĩ quân giải phóng.

“Hố chôn nằm cạnh đường băng phi trường 31 về hướng Trà Nóc, bên kia con mương rộng khoảng 50m. Gần hố chôn còn có một trạm ra-đa và giếng nước sâu”, ông Hải nói.

Ông Lê Văn Triều (thời điểm năm 1968 là học sinh, sống gần nghĩa trang quân đội Vùng 4 chiến thuật) kể: "Lúc ấy, tôi thấy quân đội Sài Gòn dùng xe ben đưa đến đây nhiều xác người (ước tính khoảng 40 xác người); cùng với đó còn có cả xe cuốc đào hố bên ngoài bức tường nghĩa trang. Họ đẩy người chết xuống rồi lấp đất rất sơ sài…".

Theo bà Nguyễn Thị Vân và ông Vũ Văn Đảng, nguyên cán bộ Phòng Chính sách (Cục Chính trị, Quân khu 9), từ năm 1986 đến năm 1995, nắm được thông tin về mộ liệt sĩ tập thể từ nhiều nguồn khác nhau, Quân khu 9 đã chỉ đạo tổ chức tìm kiếm, quy tập hai lần khuôn viên Phi trường 31 nhưng chưa phát hiện được.

Qua khảo sát thực địa, xác minh từ nhiều nguồn tin của các nhân chứng, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 TP.Cần Thơ cho rằng, các “vật chuẩn” như: Nghĩa trang, trại giam, trung tâm thẩm vấn, trạm ra-đa, giếng nước khoan, mương nước… đều có thật trên thực địa. Tết Mậu Thân 1968, khi đánh vào trung tâm TP.Cần Thơ, chiến sĩ ta (thuộc nhiều đơn vị) hy sinh ở nhiều điểm khác nhau. Tình hình chiến sự rất ác liệt nên đơn vị không thể đưa liệt sĩ về hết được. Căn cứ vào các thông tin lúc bấy giờ, địch đã gom xác các chiến sĩ và đưa đến chôn cất ở một địa điểm bí mật nào đó. Thông tin về mộ liệt sĩ tập thể là có cơ sở, tuy nhiên chưa xác định được tọa độ chính xác.

Sơ đồ nghĩa trang quân đội Vùng 4 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn cũ do một nhân chứng cung cấp (nơi đánh dấu các mũi tên được cho là vị trí mộ liệt sĩ tập thể).
Sơ đồ nghĩa trang quân đội Vùng 4 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn cũ do một nhân chứng cung cấp (nơi đánh dấu các mũi tên được cho là vị trí mộ liệt sĩ tập thể).

NHỮNG VẤN ĐỀ TIẾP TỤC LÀM RÕ

Trước các ý kiến cho rằng tham gia cuộc Tổng tấn công Tết Mậu thân 1968 ở Cần Thơ lúc đó có nhiều đơn vị, trong đó có những đơn vị như: Tiểu đoàn Tây Đô, Biệt động Cần Thơ, Trung đoàn U Minh và các đơn vị đặc công miền Đông Nam Bộ… Thiếu tướng Lê Thanh Sơn (nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Tây Đô, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS TP Cần Thơ) đồng ý với kết quả xác minh các nguồn tin, khu mộ liệt sĩ hy sinh trong đợt tổng tấn công Tết Mậu thân 1968 là có thật. Vấn đề là cần xác định rõ liệt sĩ thuộc đơn vị nào, bởi thời điểm đó có nhiều đơn vị tham gia cuộc tổng tấn công.

 “Chúng ta cũng cần phải rà soát lại nhiệm vụ của từng đơn đơn vị trong cuộc tổng tấn công. Ví dụ như Tiểu đoàn Tây Đô lúc ấy được giao tấn công và rút ra ở hướng khác chứ không phải Phi trường 31, như vậy có khả năng đây không phải là liệt sĩ của đơn vị. Để làm rõ hơn thông tin về mộ liệt sĩ tập thể, chúng ta cũng cần tranh thủ tìm kiếm thông tin nhiều chiều, nhất là của người dân sống quanh khu vực vào thời điểm đó”, Thiếu tướng Lê Thanh Sơn, gợi ý.

Một trong những khó khăn cho việc xác định vị trí mộ liệt sĩ tập thể, theo Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 TP.Cần Thơ, là hiện nay địa hình, địa vật đã thay đổi rất nhiều. Khu vực nghĩa trang quân đội Vùng 4 chiến thuật giờ đã trở thành khu dân cư đông đúc, nhiều công trình xây dựng kiên cố đã mọc lên.

Đại tá Nguyễn Thanh Đức, Chính ủy Bộ CHQS TP Cần Thơ cho biết: Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 TP Cần Thơ sẽ phối hợp với cơ quan chức năng của Quân khu 9 và các đơn vị có liên quan để đối chiếu về thông tin liệt sĩ; tiếp tục rà soát, xác minh, kết luận chắc chắn, chặt chẽ, chính xác địa điểm chôn cất hài cốt liệt sĩ. Vấn đề nào vượt quá khả năng, nhiệm vụ, Ban Chỉ đạo 1237 thành phố sẽ báo cáo, đề nghị Ban Chỉ đạo 1237 Quân khu 9 và Ban Chỉ đạo 1237 Quốc gia hỗ trợ. Công tác tìm kiếm phải được tiếp tục đẩy mạnh, bằng mọi giá phải tìm thấy hài cốt liệt sĩ.

H.Hiếu – H.Long

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ: Xác định mộ tập thể liệt sĩ quân giải phóng trong khuôn viên Phi trường 31
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO