Cần Thơ: Giải quyết vấn nạn ngập lụt như thế nào?

28/07/2015 00:00

(TN&MT) - Cần Thơ đang đối mặt vấn nạn ngập lụt trong mùa mưa (từ tháng 6 tới tháng 11) và trong các chu kỳ đỉnh triều (từ tháng 9 đến tháng 12), với độ sâu ngập phổ biến từ 0,3 - 1,5m, đang ngày càng gia tăng diện rộng, thường xuyên, kéo dài và nghiêm trọng hơn.

Hệ thống chống ngập hạn chế…

Hiện hầu hết các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều bị ngập khi triều cường hoặc mưa lớn. Vùng ngập sâu là Bắc Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ; vùng ngập triều kết hợp với mưa là khu vực nội ô (quận Ninh Kiều, Bình Thủy).

Đáng chú ý, ngay cơn mưa đầu mùa năm nay (5/5, nhiều tuyến đường nội ô như Trần Văn Hoài, Nguyễn Văn Linh, Mậu Thân, Phạm Ngọc Thạch, giao lộ đường 3 tháng 2 - Nguyễn Văn Linh, 3 tháng 2 - Mậu Thân, vòng xoay Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt… đã ngập trầm trọng. Mặc dù trước đó, thành phố mới đầu tư 2 triệu đô la cải tạo hơn 2.000m cống thoát nước ở khu trung tâm, lắp đặt 103 van cống ngăn chặn thủy triều từ các sông, rạch ngăn chặn nước tràn vào.

Hệ thống thoát nước tại khu vực lõi của quận Ninh Kiều đã được nâng cấp nhưng vẫn chưa giải quyết được yêu cầu ngăn ngừa ngập lụt, triều cường, hiện trạng ngập ngày càng nghiêm trọng. Các quận, huyện tình trạng ngập lụt phổ biến, trầm trọng hơn, gây khó khăn rất lớn cho cuộc sống của người dân.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng - Mai Như Toàn thừa nhận, hệ thống chống ngập của thành phố không đủ khả năng ngừa tràn nước triều sông, nhất là trong mùa lũ; nhiều kênh rạch bị sạt lở, ngập nghẹt do bồi lắng, lấn chiếm xây dựng, rác thải, ô nhiễm; hệ thống thoát nước tại khu trung tâm đô thị đã xuống cấp, ngập nghẹt, không đủ khả năng thoát nước…  Đặc biệt, tại các nơi tập trung nhiều công trình, các khu vực đông dân cư, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quận Ninh Kiều và Bình Thủy, hệ thống thoát nước không đủ lớn để đáp ứng được nhu cầu chuyển tải lưu lượng nước. Mặt khác, sự kết nối hệ thống thoát nước chưa đồng bộ, nhiều vị trí cống hư hỏng, nhiều hố ga bị bồi lắng gây khó khăn cho việc tiêu thoát nước khi có mưa lớn và triều cường.

Vào những đợt triều cường, nhiều tuyến phố trung tâm biến thành sông
Vào những đợt triều cường, nhiều tuyến phố trung tâm biến thành sông

Mặt khác, theo Viện Qui hoạch thủy lợi miền Nam (QHTLMN) quá trình đô thị hóa đã làm giảm sự điều tiết tự nhiên của bề mặt lưu vực, san lấp làm giảm các khu trữ nước tự nhiên. Ở nội thành, phần lớn bề mặt đất bị bê tông hóa, nhựa hóa, xây dựng nhà. Khi mưa xuống, hầu như toàn bộ lượng nước mưa đều tập trung thành dòng chảy mặt, không thể thấm xuống đất hoặc trữ lại để giảm bớt lượng dòng chảy tập trung. Thêm vào đó, khả năng tiêu thoát của hệ thống tiêu thoát nước còn hạn chế nên hiện tượng ngập úng dễ xảy ra.

Thực hiện các  giải pháp tổng hợp

Để giải quyết vấn nạn ngập lụt, Viện QHTLMN cho rằng Cần Thơ nên áp dụng các giải pháp tổng hợp công trình và phi công trình như: Xây dựng cống, van, đê bao ngăn triều, nạo vét kênh, trạm bơm, các khu trữ, thấm nước…

Theo ông Nguyễn Hữu Huy, Trưởng phòng Quy hoạch Thủy lợi (Viện QHTLMN), dựa vào kết quả tính toán thủy lực, kinh tế, tác động môi trường thì phương án toàn bộ vùng trung tâm thành phố được bao thành ô riêng biệt là rất khả thi. Phương án này giảm mức nước cũng như chiều dài bờ bao, số lượng cống, trạm bơm, cao trình tôn nền tốt hơn nhiều so với các phương án khác. Chi phí giải tỏa, đền bù để thực hiện phương án cũng thấp hơn nhiều.

TP.Cần Thơ đang tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công trình chống ngập úng vùng nội ô, trung tâm thành phố theo quyết định “Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng thành phố Cần Thơ” được được Bộ NN&PTNT phê duyệt, với tổng nhu cầu vốn hơn 7.424 tỉ đồng từ ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA. Dự kiến đến cuối năm 2015 thành phố Cần Thơ sẽ đầu tư hoàn chỉnh hệ thống công trình vùng nội ô, trung tâm thành phố với tổng diện tích 17.700ha. Hệ thống bao gồm xây dựng 24 cống tiêu thoát nước; xây dựng hai âu thuyền tại sông Trà Nóc, Bình Thủy; nạo vét 109 km kênh trục; nâng cấp 133,5km đê bao; xây dựng 6 trạm bơm tiêu với 15 tổ máy; nạo vét 175 km các kênh trục và kênh cấp 1… Sau năm 2015, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng 152 cống tiêu thoát nước với tổng khẩu độ 555m; nạo vét 129km kênh trục, kênh cấp 1; nâng cấp 156km đê bao cấp 1; xây mới 29 trạm bơm tiêu với 93 tổ máy.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Viện QHTLMN, khi thực hiện giải pháp công trình chống ngập úng Cần Thơ phải xem xét trong tổng thể các quy hoạch thủy lợi của toàn ĐBSCL và các giải pháp công trình như: Bổ sung, nâng cấp hệ thống đê, kè kết hợp đường giao thông để ngăn lũ, ngăn triều cường; xây dựng hệ thống cống dưới đê ngăn lũ, triều cường và tiêu gạn nước; tôn nền theo quy hoạch nhằm giảm khối lượng đắp đê, xây cống; xây dựng các cửa van clape tự động tại các cửa xả để ngăn triều cường. Bên cạnh đó, cần xây dựng các trạm bơm tiêu nước tập trung hỗ trợ khi có mưa lớn trùng với thời gian lũ, triều cường; nạo vét, nâng cấp mở rộng hệ thống kênh trục, cấp I, cấp II tiêu nước, lấy nước tưới và nâng cấp, xây dựng mới hệ thống thoát nước mưa đô thị.

Song song đó, Cần Thơ cần chú trọng giải pháp phi công trình. Cần sử dụng các diện tích đất trũng thấp ven sông, rạch và các hồ để tạo các khu trữ, điều tiết nước mưa. Tạo bề mặt thấm, vùng đệm, vùng đất ngập nước nhằm trữ nước mưa, gia tăng lượng nước bổ sung cho tầng nước ngầm, giảm sự hình thành dòng chảy mặt, hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ do mưa lớn thời đoạn ngắn, giảm tải cho hệ thống thoát nước mưa của thành phố.

Bài và ảnh: Phong Vân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần Thơ: Giải quyết vấn nạn ngập lụt như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO